29/06/2015 09:31 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 9 - Một chuyến đi Bắc Triều Tiên

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Năm 1983 Bắc Triều Tiên đăng cai tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á và yêu cầu UNESCO gởi người qua cố vấn để việc tổ chức được hoàn hảo.

GS Trần Văn Khê (chính giữa) tại Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên) dự Diễn đàn Âm nhạc Châu Á năm 1983 - Ảnh: tư liệu

UNESCO chỉ định tôi làm trưởng đoàn sang Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên, vào tháng 4 để chuẩn bị cho diễn đàn vào tháng 9. Chuyến đi còn có thêm ông Menon, người Ấn Độ, là Chủ tịch Uỷ ban tuyển lựa trong các Diễn đàn Âm nhạc châu Á từ trước đến nay và giáo sư người Đức Eric Stockmann, Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Truyền thống.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>> Kỳ 3: Đất khách quê người
>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống
>> Kỳ 5: Chuyện gia đình
>> Kỳ 6 - Bôn ba bốn biển năm châu
>> Kỳ 7: Quy cố hương
>> Kỳ 8: Những cuộc tao ngộ thú vị

>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1

Ông Menon và giáo sư Stockmann giao cho tôi đứng ra sắp xếp mọi việc, hai ông là những người kỳ cựu chỉ đi theo để yểm trợ khi cần, vì đây là lần đầu tiên một diễn đàn âm nhạc được tổ chức ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, một nước còn “kín cổng cao tường” vào thời kỳ này, những người ở phương Tây vào nơi đây được coi là hi hữu.

Chúng tôi được xem nhiều tiết mục âm nhạc tại Bình Nhưỡng đồng thời tôi cũng đưa ra chương trình theo qui định của UNESCO cho nước chủ nhà tham khảo. Tất cả yêu cầu của UNESCO đưa ra Ban tổ chức đều chấp nhận, công việc thuận lợi dễ dàng chớ không khó khăn như chúng tôi e ngại lúc ban đầu. Mọi việc góp ý xong xuôi, chúng tôi trở về Paris.

Cuối tháng 9 tôi trở qua Bình Nhưỡng để dự Diễn đàn. Tại phi trường Bình Nhưỡng phái đoàn đại diện UNESCO được tiếp đón rất trang trọng với đầy đủ nghi thức từ dàn nhạc đến vòng hoa, có cả đại diện sứ quán của các nước tham dự Diễn đàn ra đón và bắt tay chào hỏi nồng nhiệt. Tôi chú ý không thấy người của Sứ quán Việt Nam bèn hỏi thăm Ban tổ chức thì được trả lời rằng họ đã có mời nhưng không thấy ai tới cả. Tôi thắc mắc nghĩ bụng chẳng lẽ nhân viên Sứ quán Việt Nam kỳ thị cá nhân tôi nên không đi?

Tôi được sắp xếp ở một phòng khách sạn hết sức sang trọng gồm phòng ngủ rộng lớn với một phòng làm việc và phòng khách có thể tiếp được ba bốn chục người. Trong tủ lạnh có đầy đủ thức ăn, nước uống và nhiều loại rượu ngon kể cả rượu sâm nhung.

Tôi muốn nói chuyện điện thoại với Sứ quán Việt Nam nhưng người của Ban tổ chức đi theo giúp việc cho tôi gọi hoài mà không liên lạc được. Cảm thấy có điều gì đó bất thường nên hôm sau khi đến Đại sứ quán Liên Xô để xin thị thực quá cảnh cho chuyến về, tôi nhờ nơi đây điện thoại cho Sứ quán Việt Nam thì liên lạc được liền. Hóa ra anh em tại đây không hay biết gì về việc tôi đến Bình Nhưỡng. Ngày hôm sau Sứ quán Việt Nam cử tùy viên văn hóa tới thăm tôi, thấy vậy mấy người trong Ban tổ chức của Bắc Triều Tiên có hơi ngại ngùng.

Chưa nơi nào tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á long trọng và hoàn hảo bằng nơi đây. Nhưng riêng tôi với cương vị trưởng đoàn đã rơi vào nhiều hoàn cảnh phải ứng phó rất gay go.

Mỗi đêm Ban tổ chức sắp xếp cho hội nghị xem một chương trình âm nhạc, sau mỗi chương trình, với cương vị là trưởng đoàn, tôi thường được mời phát biểu cảm tưởng. Không phải chương trình nào cũng hay, cho nên cái khó nhứt của tôi là ở chỗ tôi không thể khen khi không thấy hay, nhưng cũng không thể nói là dở vì nhiều lý do tế nhị, cho nên tôi luôn phải tìm cách nói sao cho xuôi.

Đó là một trong những chuyện khó khăn phải đối phó, nói sao cho chân thật với lòng mình mà phải lựa lời để người khác đừng phật lòng. Đạo Phật có dạy phải dùng “chánh ngữ”: điều mình nói đừng mích lòng ai, không xúc phạm người khác, đem lại hòa khí với nhau. Tôi thấy rằng văn hóa phương Đông đã giúp tôi có được thái độ hòa hoãn với mọi người, không chỉ trích, không tranh luận để chê bai hay làm mất mặt người khác nhưng cũng không vị nể mà khen khi lòng mình không nghĩ vậy.

Trong buổi hội thảo về cải tiến nhạc cụ do tôi chủ tọa, tôi yên tâm là khỏi phải đóng góp ý kiến mà chỉ điều động trao lời cho người này người kia, nhắc nhở những người nói quá thời hạn qui định để cho buổi họp tiến hành đúng theo chương trình.

Theo nguyên tắc có qui định thời gian cho người thuyết trình lẫn người đặt câu hỏi, tôi báo trước sẽ rất chặt chẽ về thời gian để các bạn đừng buồn khi tôi cắt lời bởi vì đó là phận sự của tôi. Mỗi khi một diễn giả thuyết trình xong, tôi hỏi xem ai có ý kiến gì và mời đặt câu hỏi.

Một bạn Triều Tiên trình bày rất hào hứng về việc cải tiến nhạc cụ truyền thống của nước này. Riêng tôi thì không hoàn toàn hoan nghinh. Cây đờn cổ Kayageum của Triều Tiên là đờn dây thuộc về loại đờn tranh ngày xưa rất đẹp, dài một thước sáu, dáng thon thả như cô gái thắt đáy lưng ong. Nay đờn được cải tiến tăng thêm một số dây thành rộng ra, cây đờn trở thành “có da có thịt”, nói theo ngôn ngữ dân gian Việt Nam, nên hình dáng không còn thanh tú. Khi biểu diễn âm thanh cũng không còn giống như tiếng đờn trước đây. Quan điểm của diễn giả là việc cải tiến đờn Kayageum nhằm mục đích không chỉ đờn được nhạc Triều Tiên mà đờn được cả nhạc phương Tây.

Không phải chỉ có đờn Kayageum, ống Piri là loại kèn dăm đôi cũng không còn hình dáng bình thường nữa mà nay to hơn, có gắn khóa chỗ này chỗ kia giống như kèn ôboa bên phương Tây, dụng ý để thổi được thang âm bình quân, do đó tiếng kêu trong hơn, không còn tiếng rè rè đặc trưng như trước.

Bỗng nhiên khi vừa thuyết trình xong diễn giả nhìn tôi và nói:

- Tôi đề nghị giáo sư Trần Văn Khê phát biểu về vấn đề này.

Bị đưa ra chỗ không thể lùi được, tôi nói:

- Thưa các bạn, khi tiến hành cải tiến một nhạc cụ dĩ nhiên là nhằm mục đích để cho được hay hơn. Các bạn hẳn là hiểu rõ người Triều Tiên muốn gì và nghe âm nhạc thế nào, đã suy nghĩ năm này qua năm khác rồi mới bắt tay vô làm. Tôi ngồi nghe trong 15 phút làm sao dám đưa ra nhận xét điều các bạn làm là đúng hay sai. Tôi thích hay không là ý của riêng mình, tôi lại là người bên ngoài. Nếu các bạn cho rằng điều đó đúng thì cứ việc làm, không nên vì người khác không thích mà không làm.

- Nhưng chúng tôi muốn biết ý kiến của giáo sư.

- Tôi chỉ nói ý kiến của tôi về việc cải tiến. Theo qui định tôi có được ba phút nên để cho ngắn gọn xin đưa ra ba nguyên tắc mà tôi cho là phải đạt được khi cải tiến một nhạc cụ: hình dáng phải đẹp hơn, khả năng biểu diễn phải nhiều hơn và cuối cùng phải diễn tả được trung thực và rõ ràng tiếng nói âm nhạc của dân tộc đã tạo ra nhạc cụ đó.

Điểm đầu tiên là hiển nhiên rồi, nếu không làm cho đẹp hơn thì thay đổi để làm gì? Thứ nhì, khi cải tiến là cốt để làm cho khả năng biểu diễn được nhiều thêm. Và cuối cùng điều quan trọng nhứt là vẫn giữ được ngôn ngữ âm nhạc của dân tộc, còn nếu cải tiến chỉ để đờn được nhạc của nước khác mà khi nói tiếng nhạc nước nhà lại đâm ra ngọng nghịu thì tôi cho rằng không ai cần mình phải cải tiến nhạc cụ truyền thống để đờn âm nhạc của họ. Mỗi đất nước cần phải có nhạc cụ riêng phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của dân tộc mình. Tôi xin chấm dứt ở đây vì đã hết 3 phút, nhưng nếu các bạn cho phép nói thêm tôi có thể trình bày một số chuyện nữa.

Mọi người đồng thanh nói:

- Giáo sư cứ tự tiện, chúng tôi rất đồng ý.

Tôi tiếp tục:

- Nếu một nhạc cụ truyền thống mà không diễn tả được tiếng nói của dân tộc tất yếu sẽ bị đào thải, vì dân tộc nào cũng cần tiếng nói trung thực và chính xác chớ không chấp nhận làm tiếng nói của mình nghe như tiếng nói ngoại lai.

Những diễn giả phát biểu sau đó đều hoàn toàn ủng hộ quan điểm của tôi. Mấy ngày kế tiếp, khi bàn tới buổi liên hoan bế mạc diễn đàn, Ban tổ chức nói:

- Chúng tôi cho rằng trong Diễn đàn này giáo sư là người xứng đáng để được cử ra hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch, có dàn nhạc giao hưởng phụ họa. Xin đề nghị giáo sư nhận lời chúng tôi sẽ cử người tới tập cho giáo sư.

Tôi không tiện từ chối chỉ nói:

- Đó là vinh dự rất lớn cho tôi nhưng có mấy trở ngại. Thứ nhứt là vì tôi còn phải chủ tọa cho nhiều buổi hội thảo nữa, ngoài ra hàng ngày phải viết báo cáo gởi về cho UNESCO nên công việc của tôi rất nhiều. Thứ hai là tôi không biết tiếng Triều Tiên lại chưa bao giờ hát nhạc Triều Tiên, vì vậy trong vòng hai ba bữa không thể tập hát rành rẽ một bài được. Xin các bạn vui lòng chọn người khác.

Tôi nói vậy tưởng các bạn đồng ý, không ngờ sáng sớm bữa sau nghe tiếng gõ cửa, một người tới gặp tôi tự giới thiệu:

- Tôi là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Ban tổ chức chỉ định tôi tới hướng dẫn giáo sư cách hát, chỗ nào hát lớn chỗ nào hát nhỏ, tôi đem bản tổng phổ tới cho giáo sư coi.

- Nhưng tôi đâu có nhận lời?

- Tôi chỉ biết Ban tổ chức yêu cầu tôi như vậy.

- Nhờ ông về nói lại với Ban tổ chức tôi không thể hát được. Tôi sẽ gặp Ban tổ chức để bàn sau.

Lát sau lại có tiếng gõ cửa:

- Tôi là người lĩnh xướng có nhiệm vụ tập cho giáo sư khi ca phát âm đúng giọng Triều Tiên.

- Nhưng tôi đâu có nhận lời!

- Ban tổ chức nói phải tập cho giáo sư trong vòng ba ngày để kịp ra hát.

Tôi phải tới gặp Ban tổ chức lần nữa:

- Tôi hết sức cảm động trước lòng ưu ái của các bạn nhứt định dành cho tôi vinh dự hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch. Thế nhưng tôi có những điều khó khăn riêng, trước hết là UNESCO có chỉ thị bằng văn bản chánh thức nói rõ: trong tất cả những lời phát biểu của người đại diện cho UNESCO không được ca ngợi cũng như không chỉ trích bất cứ một chánh khách nào. Tôi là một uỷ viên Ban chấp hành nên phải tuân thủ qui định này. Do đó nếu tôi muốn hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch thì phải điện về xin ý kiến của UNESCO có cho phép tôi phá lệ hay không, việc này rất phức tạp và không kịp thời gian. Ngoài ra gần 20 năm nay tôi chuyên tâm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam, vì vậy ngay cả nhạc mới của Việt Nam tôi cũng ít hát, nay tôi lại hát một bản nhạc mới nước ngoài, điều đó sẽ làm cho đồng bào của tôi không hiểu và không vui.

Cuối cùng tôi không thể nào học thuộc lời cũng như tập hát cho đúng giọng trong thời gian ngắn như vậy được. Nếu đó là một bài ca bình thường còn tạm chấp nhận được, chớ bài hát ca ngợi một vị lãnh tụ như Kim Chủ tịch mà làm như vậy là vô phép. Tôi không dám làm chuyện thất lễ đối với một vị lãnh đạo lớn như Kim Chủ tịch.

Lý lẽ sau cùng này thuyết phục được Ban tổ chức, vậy là tôi khỏi hát.

Cho đến lúc bế mạc hội nghị tôi vẫn chưa hết gặp chuyện rắc rối: UNESCO chuẩn bị 20 dĩa hát làm quà tặng cho vị lãnh tụ của Triều Tiên, nhưng cuối cùng chỉ gởi giấy tờ còn dĩa hát lại để quên tại Paris. Tôi đành báo với Ban tổ chức:

- Hội đồng Quốc tế Âm nhạc có dự bị 20 dĩa hát châu Á tặng cho Kim Chủ tịch, bây giờ coi lại thì không có đem theo, nếu tôi điện về kêu gởi qua cũng không kịp nữa rồi. Phần tôi có đem theo một dĩa nhạc do tôi đờn và một quyển sách của tôi viết về âm nhạc Việt Nam để tặng Ban tổ chức.

Ông Chủ tịch nhận quà nhưng bỗng nhiên lại nói:

- Cái này dùng để gởi tặng Kim Chủ tịch thì rất hay.

- Quà tặng Kim Chủ tịch là 20 dĩa nhạc của UNESCO, còn đây chỉ là một dĩa nhạc và cuốn sách của cá nhân tôi, tôi không dám đem tặng một người lãnh đạo lớn như Kim Chủ tịch.

- Nếu đó là dĩa nhạc và cuốn sách của phương Tây quả là không nên, nhưng đây chính là dĩa hát và cuốn sách của chính giáo sư thực hiện, viết về âm nhạc Việt Nam kèm theo lời đề tặng của tác giả. Tôi nghĩ rằng Kim Chủ tịch sẽ thích thú khi nhận được quà tặng của một người Việt Nam đến thăm Triều Tiên.

Tôi nói:

- Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, tôi sẽ làm theo ý kiến của các bạn. Xin các bạn cân nhắc sao đừng để cho tôi thất lễ với Kim Chủ tịch.

Ban tổ chức làm cho tôi một bao màu đỏ để đựng quà, đưa tôi tờ giấy thật đẹp để viết lời đề tặng bằng tiếng Việt: “Trân trọng kính tặng Chủ tịch Kim Nhựt Thành chút quà của một nhạc sĩ đồng thời cũng là nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam nhân dịp đến Bình Nhưỡng dự Diễn đàn và hội nghị về âm nhạc châu Á. Xin chân thành cám ơn Chủ tịch và Chánh phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã cho phép Ủy ban quốc gia Triều Tiên tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á cho các nước tham dự mà tôi được vinh dự là chủ tịch của Diễn đàn.”

Hai ngày sau Ban tổ chức báo với tôi:

- Năm giờ chiều mai yêu cầu giáo sư có mặt tại khách sạn và mặc lễ phục để tiếp đón người đại diện của Kim Chủ tịch.

Hôm sau toàn bộ thành viên của Ban tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á có mặt đầy đủ tại nơi tôi ở. Đến giờ hẹn, người đại diện của Kim Chủ tịch tới phòng tôi, bưng một hộp thiệt lớn trên có ghi dòng chữ: “Kim Chủ tịch cám ơn giáo sư Trần Văn Khê và xin giáo sư nhận một chút quà của Kim Chủ tịch.”

Ông trịnh trọng nói:

- Kim Chủ tịch rất cảm động khi nhận được quà của giáo sư. Đáp lại Kim Chủ tịch gởi chút quà cho giáo sư để khi về Pháp cũng như về Việt Nam giáo sư vẫn nhớ đến dân tộc Triều Tiên.

“Một chút quà” của Kim Chủ tịch gồm một tấm trải giường rất lớn thêu hình hai con phụng, một hộp đựng những chung bằng đá quí dùng để uống rượu sâm nhung, ba lít rượu sâm nhung và hai cuốn sách tựa là “Dân tộc Triều Tiên chúng tôi” còn cuốn kia là “Bình Nhưỡng”.

Tôi nhận quà và nhờ viên chức cao cấp chuyển lời tôi trân trọng cám ơn Kim Chủ Tịch.

Chuyến đi Bình Nhưỡng gay go cho đến những giờ phút cuối cùng. Khi tiễn tôi về Pháp, tại phòng VIP của phi trường, các bạn trong Ban tổ chức thắc mắc:

- Hổm rày chúng tôi nghe giáo sư nói chuyện về nhạc Triều Tiên mà dùng từ rất chính xác, xin hỏi giáo sư đã học nhạc Triều Tiên ở đâu và với ai?

- Ở Nam Triều Tiên tôi có vài người bạn trong giới nhạc tại nơi này.

- Giáo sư đi Nam Triều Tiên bao nhiêu lần?

- Tôi mới đến Seoul một lần vào năm 1981 nhân dịp Đại hội Âm nhạc do Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Truyền thống tổ chức mà tôi là Phó chủ tịch.

- Giữa hai bên Nam, Bắc Triều Tiên, nơi nào tiếp rước giáo sư nồng hậu hơn?

- Thưa các bạn, dân tộc Triều Tiên là một, không phải vì việc đất nước Triều Tiên bị chia rẽ bằng một vĩ tuyến mà thay đổi được đặc tính hiếu khách của các bạn. Ở cả hai nơi, tôi đều được tiếp rước hết sức nồng hậu.

- Như vậy đối với giáo sư, Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên không có gì khác nhau sao?

Đây là một câu hỏi có dụng ý chánh trị mà với tư cách là người đại diện của UNESCO tôi phải tuyệt đối tránh không đề cập đến, tuy nhiên chủ nhà đã hỏi thì khách phải trả lời:

- Theo tôi có hơi khác nhau một chút: ở Nam Triều Tiên tôi là người mà họ “bắt buộc” phải tiếp, còn ở Bắc Triều Tiên thì tôi là người các bạn “mong đợi” để đón tôi: Trong đại hội ở Nam Triều Tiên, tôi đến với cương vị Phó chủ tịch nên ban tổ chức bắt buộc phải tiếp đón tôi, còn ở đây các bạn cần một người cố vấn để tổ chức diễn đàn cho hoàn hảo, tôi rất vui khi thấy mình được các bạn chờ đón. (There was a slight difference: In South Korea, I was someone they “had” to receive. In North Korea, I am someone you “wish” to reveive).

Một lần nữa tôi “thoát hiểm” mà các bạn trong Ban tổ chức cũng tỏ vẻ hài lòng. Tôi rất vui vì tuy có nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn giữ được tình cảm tốt cho tới ngày về.

Sau này khi tôi đi các nơi thuật chuyện về chuyến đi Bình Nhưỡng được nhiều người rất thích, nhứt là các bạn trong giới ngoại giao. Các bạn cho rằng đây là những kinh nghiệm về cách ứng xử sao cho không trái với lòng mình mà đừng mích lòng người.

Diễn đàn Âm nhạc châu Á còn mang lại một kết quả tốt đẹp khác. Tôi cùng anh Lưu Hữu Phước giới thiệu tiết mục bà Quách Thị Hồ hát bài Tỳ bà hành, được Ban tuyển chọn khen ngợi và xếp vào trong 9 tiết mục xuất sắc nhứt của diễn đàn lần này. Tôi rất mừng khi ca trù được nhìn nhận là một bộ môn âm nhạc có giá trị, tên tuổi bà Quách Thị Hồ được ghi vào danh sách những nghệ sĩ được tuyển lựa của Diễn đàn Âm nhạc châu Á tại Bình Nhưỡng và bài Tỳ bà hành được ghi âm trong loạt dĩa hát của Bắc Triều Tiên thực hiện để kỷ niệm Diễn đàn Âm nhạc châu Á năm 1983.

Kết quả này được gởi về nước, may mắn tôi cũng có mặt tại Việt Nam trong buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức tại Đài Phát thanh Hà Nội. Anh Trần Lâm lúc đó là chủ tịch Ủy ban phát thanh và truyền hình đã tổ chức buổi nhận giải thưởng rất long trọng. Ông Tổng lãnh sự Triều Tiên đại diện cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trao giấy chứng nhận cho Đài Tiếng nói Việt Nam là đơn vị có tiết mục được tuyển lựa tại Diễn đàn Âm nhạc châu Á. Bà Quách Thị Hồ được tặng hoa và hiện vật vì là nghệ sĩ chánh trong tiết mục được tuyên dương. Sau đó bà rút hai bông hoa trong bó hoa đem lại tặng tôi:

- Xin tặng giáo sư, người hôm nay khai sinh lại cho ca trù. Xin báo với giáo sư, khi hay tin tôi được tuyên dương anh chị em giáo phường tại Lỗ Khê đã tụ họp hát ca trù suốt đêm với nhau mà chảy nước mắt vì vui mừng. Vinh dự này không phải cho riêng tôi mà là cho cả truyền thống ca trù. Chúng tôi hết sức vinh hạnh về việc ngày nay bộ môn này đã được thế giới nhìn nhận và tán thưởng cũng như không bao giờ quên công lao đóng góp của giáo sư trong việc khôi phục ca trù.

Đối với tôi, chuyến đi Bình Nhưỡng tuy có bao thấp thỏm lo âu, không ít khó khăn nhưng cũng rất nhiều niềm vui. Tôi giống như người bị lọt vào một mê hồn trận nhưng cuối cùng vẫn thoát ra được bình yên lại còn giữ được nhiều kỷ niệm đẹp.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

*******

Kỳ 10: Viếng thăm Việt Nam với tổng thống Pháp

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên