14/11/2015 10:00 GMT+7

Biển Đông, đến giờ “thách thức chung cuộc”

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Sau cuộc tuần tra của tàu USS Lassen, Mỹ tiếp tục thông báo về việc hai chiếc B-52 của Mỹ bay trên bầu trời Biển Đông, như một cách minh chứng về việc tiếp tục theo đuổi chính sách bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), việc máy bay Mỹ hay của bất cứ nước nào khác bay trên Biển Đông như thế thì không hề vi phạm đến không phận của nước nào cả, vì (1) các bãi đá đó không bao giờ được xem là đảo; (2) bầu trời Biển Đông cho đến nay vẫn chưa hề là một vùng cấm bay; (3) Trung Quốc không có bất cứ chứng cứ chủ quyền nào để có thể đuổi máy bay nước khác đi.

Việc kiểm soát viên không lưu Trung Quốc tự tiện lên tiếng cảnh cáo phi hành đoàn hai chiếc máy bay này không được bay vào không phận của Trung Quốc, không phải là lần đầu và cũng sẽ không phải là lần cuối.

Chẳng qua là do Trung Quốc tự ý vẽ ra một không phận của mình trên Biển Đông và hành xử cứ như thể là chủ sở hữu Biển Đông này không chỉ trên biển như từ mấy năm qua, mà từ năm nay trở đi trên không.

Một sự tự ý xác định không phận một cách “không kèn không trống”, chưa vội ra bố cáo thành lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như đã từng làm cách đây đúng hai năm trên biển Hoa Đông, song đã hành xử như thể “chủ nhân”, ra lệnh đuổi đi.

Chẳng qua do Bắc Kinh rút kinh nghiệm vụ ADIZ trên biển Hoa Đông bất thành, nên lần này lẳng lặng “làm luật” như đã thấy trong vụ này, và nhằm mục tiêu là “tự cấp” chủ quyền trên các bãi đá chìm, nổi nay đã hóa thành đảo bêtông đó.

Việc Trung Quốc nhắm vào máy bay Mỹ mà đuổi đi do lẽ

(1) trong thực tế, Mỹ là nước duy nhất có khả năng tự bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông mà không (chưa) bị “làm gỏi” bởi thế lực đang muốn thôn tính Biển Đông;

(2) nếu Mỹ “non gan” mà không bước vào, thì sẽ là chấp nhận trong thực tế cường quyền của Trung Quốc ở đó;

(3) từ đó Trung Quốc sẽ tự cho đó là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mà không cần đến bất cứ một văn tự nào, cả từ trong lịch sử (văn bản, bản đồ nào của các triều đại vua chúa Trung Quốc), lẫn trong tương lai (qua một phán quyết của tòa án quốc tế nếu như cũng vác chiếu ra tòa với thiên hạ)!

Dưới dạng những thách thức có vẻ như sẽ dẫn đến một đụng độ quân sự, không khác gì vụ giàn khoan HD 981 tháng 5 năm ngoái (mà nếu “nín thinh” sẽ là dâng vùng biển đó cho Trung Quốc), Trung Quốc đang nhắm đến viễn cảnh thâu tóm Biển Đông dễ như lấy đồ trong túi, bằng một kế hoạch mới là ráo riết bồi đắp lập “đảo”, giở chiêu đuổi đi, và nếu “gã khổng lồ” nhát gan thì sẽ “hết phim”!

Từ đó, ý đồ rõ là bất chiến tự nhiên thành: khi cường quốc Mỹ cũng phải “bó tay” thì cả thiên hạ sẽ thần phục, mặc nhiên xem Biển Đông là của Trung Quốc!

Thành ra, đây không đơn giản là chuyện Mỹ thách thức Trung Quốc hay Trung Quốc thách đố Mỹ, mà là đại cục chung cho tất cả (1) các nước có chủ quyền trên Biển Đông và (2) các nước sử dụng Biển Đông.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên