Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21-4, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc ở Thượng Hải và Bắc Kinh trong chuyến thăm từ ngày 24 đến 26-4 tới.
Ba mục tiêu của Ngoại trưởng Mỹ
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken có ba mục tiêu chính cho chuyến đi tới Trung Quốc.
Thứ nhất, đạt được tiến bộ trong các vấn đề then chốt. Thứ hai, thảo luận về các vấn đề song phương trong khu vực và toàn cầu. Thứ ba, quản lý cạnh tranh giữa hai nước một cách có trách nhiệm.
Quan chức này cũng cho biết Ngoại trưởng Blinken dự định sẽ nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của Mỹ về sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.
Bên cạnh đó, ông Blinken sẽ thảo luận về tình hình xung đột ở Trung Đông, những thách thức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như "những lời đe dọa và hành động liều lĩnh" của Triều Tiên.
Ngoài ra, một vấn đề khác được ông Blinken tái khẳng định là tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Đây là chuyến công du thứ hai của ông Blinken tới Trung Quốc với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ. Ông đến thăm Trung Quốc lần đầu vào năm ngoái, trong nỗ lực "ổn định" quan hệ sau thời kỳ căng thẳng tột độ giữa Washington và Bắc Kinh.
Trước thềm chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ý hoan nghênh chuyến đi sắp tới của ông Blinken nhưng không nói thêm chi tiết.
Chuyến đi lần này của ông Blinken, theo các nhà quan sát, vừa nhằm ổn định mối quan hệ song phương nhưng cũng đồng thời gây sức ép lên Trung Quốc trong một số vấn đề và thể hiện chính quyền ông Biden có đủ năng lực giải quyết những vấn đề đó.
Trung Quốc thấy Mỹ đang cần mình?
Chuyến đi của ông Blinken tiếp nối chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Janet Yellen và cuộc điện đàm gần đây của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc. Các cuộc họp giữa hai nước ở cấp thấp hơn cũng đã diễn ra.
Trong chuyến đi Trung Quốc vào tháng 6 năm ngoái, ông Blinken đã gặp các quan chức hàng đầu ở Bắc Kinh, trong đó có Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Các quan chức Mỹ coi chuyến đi này là một nỗ lực nối lại các kênh liên lạc bình thường với Trung Quốc nhằm tránh xung đột giữa hai cường quốc trên thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 7 cùng năm cho một cuộc nói chuyện "thẳng thắn và mang tính xây dựng".
"Chúng ta đang ở một vị trí khác so với một năm trước, lúc mối quan hệ song phương ở mức thấp lịch sử", một quan chức Mỹ nói với Đài CNN.
Bất chấp những cuộc gặp gỡ vừa qua, mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn đầy sóng gió. Gần đây, Mỹ đã lên tiếng nhiều hơn trong việc kêu gọi Trung Quốc ngừng hỗ trợ ngành công nghiệp quân sự của Nga, cho rằng đây là sự gián tiếp ủng hộ Matxcơva tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.
Theo giới quan sát, đây vẫn là vấn đề khó tìm được tiếng nói chung giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh luôn phủ nhận sự hỗ trợ cho Matxcơva trong cuộc chiến ở Ukraine.
"Nếu Trung Quốc một mặt muốn có mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu và các nước khác, họ không thể ở mặt khác lại tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh", ngoại trưởng Mỹ nêu quan điểm hôm 19-4, ám chỉ sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Nga.
Cũng theo giới quan sát, các nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm tìm kiếm quan hệ ổn định hơn với Trung Quốc trước bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Tình thế "lưỡng đầu thọ địch", với Mỹ một bên và bên còn lại là Nga, Trung Quốc không có lợi cho chính quyền Biden. Nói cách khác, Mỹ muốn có một mối quan hệ tạm yên ổn với Trung Quốc nhằm tránh bất kỳ sự cố tiềm ẩn nào có thể tác động tiêu cực đến triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Biden.
Ở chiều ngược lại, chuyến đi của ông Blinken lần này được nhìn nhận theo cách khác ở Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc bình luận những chuyến thăm liên tiếp gần đây của quan chức Mỹ cho thấy Washington không thể giải quyết các vấn đề trong nước và toàn cầu nếu không có sự hợp tác từ Trung Quốc.
"Vì vậy, nếu tìm kiếm sự giúp đỡ từ Bắc Kinh, Mỹ tốt nhất nên khôn ngoan khi giao tiếp với Trung Quốc một cách tôn trọng và bình đẳng, thay vì trịch thượng", tờ báo Trung Quốc viết.
Tuy nhiên theo một số nhà bình luận chính trị, chuyến thăm của ông Blinken cũng là cơ hội để Trung Quốc nêu quan ngại với Mỹ về các động thái tập hợp, củng cố lực lượng gần đây tại Đông Á.
Chẳng hạn như tìm lời giải thích từ Mỹ cho hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines vừa diễn ra vào đầu tháng 4 này, sự kiện mà Bắc Kinh xem là một nỗ lực nhằm bôi nhọ và chống lại Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận