05/12/2014 09:55 GMT+7

​Lại kiểu “thái bình nước lớn”!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Tuyên bố mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Trung Quốc phải thiết lập chính sách ngoại giao nước lớn mang tính đặc thù Trung Hoa" đang khiến các nước láng giềng lo ngại.

Những ngày đầu tháng 12, vào lúc thế giới bắt đầu giăng đèn Giáng sinh cùng lời chúc “Hòa bình trên Trái đất”, rồi nghe hai chữ “thái bình” bắt đầu câu “Thái bình, phát triển, hợp tác, lợi ích hỗ tương” của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị trung ương các vấn đề ngoại giao Trung Quốc ai lại không thích.

Hai nữ sinh viên Hong Kong tham gia tuyệt thực trước khu nhà hành chính của chính quyền ngày 3-12. Cuộc đấu tranh của những người đòi dân chủ vừa qua cũng là một lời cảnh tỉnh với chính quyền Trung Quốc về chặng đường sáp nhập sẽ đầy chông gai - Ảnh: Reuters
Hai nữ sinh viên Hong Kong tham gia tuyệt thực trước khu nhà hành chính của chính quyền ngày 3-12. Cuộc đấu tranh của những người đòi dân chủ vừa qua cũng là một lời cảnh tỉnh với chính quyền Trung Quốc về chặng đường sáp nhập sẽ đầy chông gai - Ảnh: Reuters

Thế nhưng, mệnh lệnh tiếp theo của ông Tập: “Trung Quốc phải thiết lập chính sách ngoại giao nước lớn mang tính đặc thù Trung Hoa”, phải mang ”phong cách tiêu biểu Trung Hoa, cách thức Trung Hoa và thái độ Trung Hoa”, lại khiến đăm chiêu.

Cũng như việc lệnh cho hội nghị phải “xây dựng hướng dẫn, nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ chính của nền ngoại giao Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.

Một sách lược đối ngoại “nước lớn” thay cho sách lược “ẩn mình, chờ thời” của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mấy mươi năm trước thật ra là một diễn biến không có gì ngạc nhiên. Dân gian có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà!

Nhìn lại chặng đường 40 năm sẽ thấy: năm 1972, ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger sang Bắc Kinh cùng tổng thống Richard Nixon, GDP của Trung Quốc mới chỉ 112,16 tỉ USD; đến năm 1992 ông Đặng rút lui, GDP tăng được gần bốn lần, đạt 422,66 tỉ USD; đến năm 2011 là 7.318,5 tỉ USD (theo số liệu indexmundi.com).

Nhưng chuyện gây ngạc nhiên là làm thế nào gần hết năm thứ 14 thế kỷ 21 rồi mà Trung Quốc lại có thể ung dung hô hào “Thái bình, phát triển, hợp tác, lợi ích hỗ tương” khi lại đặt trên cơ sở là “nước lớn”?

Nói đến “nước lớn” là nói đến “nước nhỏ”, và trong điều kiện “nước lớn/nước nhỏ” đó, vào bàn đàm phán, từ kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, biên giới, lãnh thổ... cho đến mọi lĩnh vực, “lợi ích hỗ tương” là làm sao, là “nhỏ” vâng phục “lớn” sao?

Ngạc nhiên, sững sờ do lẽ nhân loại ở thế kỷ 21 đang cư xử với nhau trên cơ sở bình đẳng trước Hiến chương Liên Hiệp Quốc cùng các hiệp ước khác. Bất bình thì cùng nhau ra tòa, từ Tòa án Công lý quốc tế đến trọng tài thương mại...

Đúng theo điều 1, khoản 1 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc: “... điều chỉnh hoặc giải quyết các tranh chấp quốc tế hoặc những tình huống có thể dẫn đến sự phá hoại hòa bình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của công lý và pháp luật quốc tế”.

Cũng thế, khoản 2, điều 1, Hiến chương Liên Hiệp Quốc nêu rõ: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng...” chứ không hề ghi “phát triển mối quan hệ giữa các dân tộc trên cơ sở quy mô nước lớn/nước nhỏ”! 

Người đã có công “mở cửa” nước Mỹ và thế giới cho Trung Quốc vào năm 1972 là ông Henry Kissinger. Có thể nói ông là một chính trị gia lão luyện am hiểu Trung Quốc vì 13 năm qua là cố vấn cao cấp cho Tập đoàn Dầu hỏa viễn dương Trung Quốc (CNOOC).

Trong quyển World order (Trật tự thế giới) của ông mới xuất bản, Kissinger viết như sau về điều “đặc sắc Trung Quốc”: “Từ khi thống nhất sơn hà vào năm 221 trước Công nguyên cho đến đầu thế kỷ 20, vị trí của Trung Quốc ở trung tâm thế giới đã ăn sâu vào đầu óc giới ưu tú rằng trong tiếng Hán không có một từ nào khác để gọi tên nước này...

Trong khái niệm cổ truyền đó, Trung Quốc tự xem mình, trong một cách nào đó, như là chính quyền duy nhất của thế giới. Hoàng đế của Trung Quốc... không chỉ trị vì nhà nước Trung Quốc mà cả thiên hạ” (tr.213) và: “Một thế kỷ sau ngày bị phương Tây giẫm đạp, nay là lúc bùng nổ khát khao “nổi lên” theo kiểu “hậu - thực dân” tức ra khỏi di sản của chế độ thực dân” (tr.212)!

“Nổi lên” thì cứ nổi, có thuê Kissinger tư vấn cho CNOOC phát triển, xin chúc mừng! Song việc mấy năm nay lại nổi lên cái “đường chín đoạn” và dùng vũ lực cho CNOOC khai thác, cứ như đó là “biển của ta” (mare nostrum) như dân La Mã vẫn gọi Địa Trung Hải trong thời kỳ Pax Romana (thái bình dưới trướng La Mã), là một dấu hiệu báo trước sách lược đối ngoại “nước lớn”, để rồi hình thành một thứ “thái bình dưới trướng Trung Quốc” (Pax Sinica), lại là một chuyện không tương thích với thế kỷ 21!

Nếu muốn, hãy “Thái bình, phát triển, hợp tác, lợi ích hỗ tương” từ chính trong nhà trước đã! Hãy ráng phát triển cho dân nghèo cả nước nói chung và miền tây của cả lô dân tộc “anh em” nói riêng!

Và cả Hong Kong nữa! Hạn định 50 năm “nhất quốc lưỡng chế”, mới 17 năm, tức 1/3 chặng đường, đã gặp trục trặc...

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên