04/03/2017 10:21 GMT+7

Bài toán kinh tế đối với phi trường Tân Sơn Nhất

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Tân Sơn Nhất mai này sẽ ra sao? Cần làm gì để phi trường này tiếp tục phát triển như đã từng phát triển, gánh vác vai trò đầu cầu hàng không lớn nhất Việt Nam suốt thế kỷ qua?

Ông Phan Tương - Ảnh: Q.VIỆT
Ông Phan Tương - Ảnh: Q.VIỆT

Chúng tôi trao đổi vấn đề này với các ông Nguyễn Thành Trung - cựu phi công, nguyên phó tổng giám đốc Vietnam Airlines; đại tá Phan Tương - nguyên giám đốc cụm phi trường miền Nam và Tân Sơn Nhất suốt 15 năm; trung tá Lê Trọng Sành - nguyên trưởng phòng quản lý bay với hơn 25 năm gắn bó phi trường.

“Về ngập sân bay, tôi đã góp ý rồi: cứ lật lại toàn bộ hồ sơ chi tiết về hệ thống thoát nước Tân Sơn Nhất hồi chế độ cũ và khôi phục y như họ đã từng làm thì sẽ hết ngập ngay thôi.

Đầu tiên là khai thông tất cả kênh, cống hiện còn, sau đó phải trả lại nguyên trạng ở những công trình đang gây ảnh hưởng tiêu thoát nước. Có khó, có đụng chạm cũng phải làm.

Phi trường quốc tế phục vụ hơn 30 triệu hành khách mỗi năm, và sẽ còn tăng nhiều hơn nữa mà không khắc phục nổi ngập lụt là không chấp nhận được

Ông PHAN TƯƠNG

* Các ông nghĩ gì về hiện trạng Tân Sơn Nhất?

- Ông Phan Tương: Ngoài lượng hành khách tăng lên đến hơn 30 triệu lượt mỗi năm là tin vui, Tân Sơn Nhất đang gặp nhiều khó khăn lớn.

Đến ngày tôi nghỉ hưu, Tân Sơn Nhất cũng chưa bao giờ bị ngập, nhưng bây giờ lại ngập, ngập rất nặng sau mỗi trận mưa lớn.

Rồi tình trạng quá tải nghiêm trọng đang xảy ra, làm kẹt cả bãi đậu máy bay, chật chội nhà ga, tắc đường bên ngoài.

Nguyên nhân thì rõ rồi, lượng hành khách tăng nhanh như vậy mà phi trường đâu có được đầu tư mở rộng theo kịp.

Hồi chúng tôi còn đương nhiệm ngay cuối thập niên 1970 đã từng làm việc với đoàn Nhật về định hướng mở rộng sân bay.

Như chính quyền trước năm 1975 từng quy hoạch quỹ đất để có thể mở rộng phi trường, chúng tôi và đoàn Nhật đều đồng ý khu vực thuận lợi nhất để mở rộng Tân Sơn Nhất là phía bắc, tức khu vực sân gofl hiện nay.

Tính toán cụ thể đã được vẽ ra là nhà ga quốc tế sẽ xây mới ở phía này, kết nối thêm đường lăn vào đường băng hiện hữu.

Đặc biệt, cổng vào sẽ mở mới thêm phía đường Quang Trung để giảm áp lực cho phía đường Trường Sơn.

Các tổng cục trưởng hàng không hồi ấy như ông Trần Mạnh, tướng Phùng Thế Tài đều tâm đắc giải pháp mở rộng Tân Sơn Nhất này.

- Ông Nguyễn Thành Trung: Trước năm 1975, do tình hình chiến sự nên Bộ tư lệnh Không quân và sư đoàn 5 không quân Sài Gòn đóng ở Tân Sơn Nhất với nhiều kho bãi, phương tiện, khí cụ.

Tuy nhiên, khu vực hàng không dân dụng vẫn được chú trọng đầu tư, dành nhiều diện tích đất để có thể mở rộng.

Nay đất nước đã hòa bình, nên tiếp tục ưu tiên đất đai để phát triển hàng không thương mại ở Tân Sơn Nhất vì có đã có sân bay quân sự Biên Hòa liền kề, rồi Cần Thơ, Thành Sơn...

Tôi biết diện tích đất dành cho quân sự trong sân bay còn rất rộng. Nếu chúng ta quy hoạch, bố trí chặt chẽ lại, vẫn còn nhiều đất để mở rộng Tân Sơn Nhất, tăng khả năng phục vụ hành khách.

Trước đây tôi từng góp ý với các lãnh đạo chính phủ, TP.HCM về việc nên mở rộng sân bay về hướng bắc, tức khu vực sân golf hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Trung - Ảnh: tư liệu
Ông Nguyễn Thành Trung - Ảnh: tư liệu

* Ông có thể nói rõ hơn về những phép tính kinh tế khi mở rộng Tân Sơn Nhất?

- Ông Nguyễn Thành Trung: Trước năm 1975, phi trường Tân Sơn Nhất là trung tâm các đường bay quốc tế khu vực này.

Nhiều hãng bay các nước đều đến đây, đem lại kinh tế rất lớn cho Sài Gòn. Sân bay Bangkok hay Singapore hồi ấy đâu thể so được với Tân Sơn Nhất.

Việt Nam cộng hòa đã có dự án xây thêm nhà ga quốc tế sang phía khu vực đất quân sự.

Khi đó sẽ có thêm 100 bãi đậu, nhiều cổng ra và đường lăn để kết nối với phi đạo kép hiện hữu đem lại cho Sài Gòn khoản lợi khổng lồ, nhưng thời chiến nên chưa thể thực hiện được.

Hiện nay Tân Sơn Nhất đang bị thiếu bãi đậu, khiến máy bay không thể xuống được. Nhiều hãng bay quốc tế buộc phải chuyển hướng, chọn Bangkok hay Singapore, làm thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.

Chỉ một chuyến máy bay thương mại loại nhỏ hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất đã phải trả ít nhất là 20.000 USD, “tiền tươi” trao tay.

Ngay như chiếc máy bay tư nhân bé xíu chỉ có tám chỗ ngồi mà hạ cánh xuống phi trường phải trả phí nhất 5.000 USD.

Còn những loại máy bay quốc tế hạng lớn với 300 - 400 chỗ ngồi thì trả hơn gấp nhiều lần, chưa tính nếu nằm lại qua đêm sẽ tiếp tục mất phí cao hơn.

Tôi giả sử nếu Tân Sơn Nhất có khả năng đáp ứng được gấp đôi lượng máy bay đi - đến hiện nay, lợi nhuận sẽ là con số vô cùng lớn.

Chẳng hạn tăng thêm được 300 chuyến bay mỗi ngày, trung bình mỗi chuyến chỉ thu 20.000 USD.

Chúng ta sẽ có thêm được 6 triệu USD và mỗi năm là hơn 2 tỉ USD. Nếu biết làm như nhiều nước đã làm, mà gần chúng ta nhất như Singapore, Thái Lan, lợi nhuận kinh tế phi trường là vô cùng lớn.

Đặc biệt, nếu mở rộng được sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng số chuyến bay tăng thêm như vậy, tiền thu được từ Tân Sơn Nhất sẽ đủ để làm sân bay mới Long Thành. Lấy kinh tế từ phi trường cũ để làm thêm phi trường mới, chẳng phải vay mượn ai, nợ nần ai.

- Ông Lê Trọng Sành: Nhiều năm ở Tân Sơn Nhất, tôi biết phi trường này vẫn còn nhiều diện tích để mở rộng khu vực hàng không dân dụng. Phía quân sự có thể xem xét, bố trí gọn lại, chẳng hạn như đưa bớt ra phi trường Biên Hòa.

Theo tôi, hiện nay giải pháp căn bản và lâu dài nhất cho Tân Sơn Nhất là nên phát triển về hướng bắc, khu vực sân golf vì ở đó có đủ đất rộng để làm nhà ga quốc tế mới, bãi đậu máy bay, đặc biệt là cổng ra vào phía đường Quang Trung...

Ông Lê Trọng Sành - Ảnh: Q.VIỆT
Ông Lê Trọng Sành - Ảnh: Q.VIỆT

 

* Liệu việc mở rộng sân bay, đón thêm khách có làm trầm trọng thêm những vấn nạn hiện hữu như ngập nước, kẹt xe...?

- Ông Lê Trọng Sành: Anh em làm chuyên môn cũ ở Tân Sơn Nhất chúng tôi đã có nhiều buổi trao đổi với nhau về những điều này. Chúng ta đã và còn nhiều giải pháp.

Chẳng hạn việc mở thêm cầu vượt sẽ giúp giảm kẹt đường Trường Sơn. Đặc biệt, tôi đề nghị nên sắp xếp lại lịch bay.

Khách cứ chọn “giờ bay vàng” vào ban ngày và chúng ta cứ tăng chuyến theo nhu cầu này là phải kẹt đường thôi.

Tôi đề nghị bố trí thêm nhiều chuyến bay đêm, nhất là quốc nội nửa đêm về sáng, giảm hẳn giá vé để thu hút khách.

Bù lại nếu khách “chọn giờ bay vàng” phải trả thêm tiền. Và nếu sau này xây nhà ga quốc tế ra hướng khác, đi đường khác thì đường Trường Sơn sẽ giảm lượng khách đi.

Xem các kỳ trước:

>>  Kỳ 1: Những cánh bay đầu tiên trên bầu trời Sài Gòn

>>  Kỳ 2: Người phi công Việt Nam đầu tiên

>>  Kỳ 3: Đường băng đất đỏ

>>  Kỳ 4: Phi đạo 3.000m và sân bay hạng nhất

>>  Kỳ 5: Phi trường nhộn nhịp hàng đầu thế giới

>>  Kỳ 6: Mua đất mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất

>>  Kỳ 7: Tân Sơn Nhất - Phi trường rực lửa 

>>  Kỳ 8: 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất: Cuộc đổi thay lịch sử

>> Kỳ 9: Phi trường Tân Sơn Nhất thời kỳ khó khăn

>> Kỳ 10: Những chiếc B707 “chui” đầu tiên

>> Kỳ 11: Đổi thay và những 'nút thắt'

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên