05/06/2017 06:00 GMT+7

Người tiêu dùng chọn taxi nào?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Người dân và các chuyên gia đều có chung một ý kiến: taxi phục vụ tốt, dịch vụ hậu mãi chăm sóc khách hàng chu đáo, giá hợp lý - khách hàng sẽ chọn.

Thị phần của các loại hình taxi mới đang ngày càng mở rộng - Ảnh: Duyên Phan
Thị phần của các loại hình taxi mới đang ngày càng mở rộng - Ảnh: Duyên Phan

Loạt bài về “đại chiến” taxi của Tuổi Trẻ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều người cho rằng, có lý do hợp lý khi các loại hình taxi mới, chỉ mới gia nhập thị trường VN từ khoảng năm 2014 đến nay nhưng đã nhanh chóng “lấy lòng” được khách hàng bởi chất lượng dịch vụ. Ngược lại, các loại hình taxi khác trong 3 năm qua vẫn chuyển mình quá chậm.

Các chuyên gia cho rằng trong “đại chiến” taxi, người tiêu dùng là thẩm phán công tâm nhất. Họ sẽ chọn loại taxi rẻ và tốt, loại nào yếu kém sẽ tự bị đào thải.

Giá khác nhau nhưng chất lượng tương đương

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là có sự cạnh tranh về giá và chất lượng. Loại hình hoạt động kinh tế nào tuân thủ pháp luật, giá cả hợp lý, phục vụ tốt thì sẽ được người dân lựa chọn.

Ông Hiếu phân tích, taxi truyền thống có cơ sở hạ tầng, nhân viên được huấn luyện chuyên nghiệp và bài bản nhưng công tác quản lý còn rườm rà dẫn đến giá thành cao.

Trong khi đó, dù các loại hình taxi mới do tài xế cá nhân đăng ký tham gia, cách quản lý tinh gọn, không tốn nhiều chi phí, các loại hình taxi mới đang dần "kéo" thị trường về phía mình.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả - cho rằng với đặc thù “kinh tế sẻ chia”, nhiều xe đặt qua ứng dụng app lại là những loại xe rất tốt, rất “xịn”. Thời gian đón khách cũng được rút ngắn hơn nhiều so với các loại taxi truyền thống.

Giải pháp nào cho taxi truyền thống?

Người dân là “thẩm phán cuối cùng”. Loại hình nào giá rẻ và chất lượng tốt thì tồn tại, ngược lại sẽ bị người tiêu dùng quay lưng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng công nghệ phát triển rất nhanh và nhu cầu của người dân cũng ngày càng đa dạng. Vì vậy, cần ủng hộ loại hình nào phục vụ người dân tốt hơn.

Theo ông Liên, các hãng không thể cứ lấy cách gọi “taxi truyền thống” để bảo thủ về cách quản lý, vận hành,  kinh doanh,…vốn đã lỗi thời trong thời đại công nghệ như hiện nạy.

Việc cần làm ngay lúc này của các hãng taxi truyền thống là phải đổi mới để tiết giảm chi phí quản lý, thời gian chạy rỗng, thay đổi bề ngoài để gây thiện cảm giúp xe nhìn sang trọng và hiện đại hơn thay vì cứ rườm rà, chằng chịt màu sơn, quảng cáo và quá nhiều thông tin như hiện nay.

“Ở Nhật, xe taxi chỉ có một màu rất chuyên nghiệp và sang trọng, nhìn không khác gì xe cá nhân”, ông Liên nói.

Một chuyên gia về vận tải cho rằng các hãng taxi truyền thống của VN đều đi lên từ con số 0. Do vậy, họ chắc chắn có kinh nghiệm trong việc làm thế nào để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, đã 3 năm kể từ ngày Uber và Grab "len vào" thị trường VN, các hãng taxi truyền thống của VN vẫn thận trọng quá mức và bắt nhịp rất chậm. Trong khi đó, các loại hình mới này đang ngày càng mở rộng dịch vụ (xe máy, taxi đường dài liên tỉnh, vận chuyển hàng hóa,…), tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh.

Các hãng taxi truyền thống vẫn loay hoay về bài toán truyền thông. Ứng dụng di động của các hãng này ra mắt rất trễ và gần như chưa tiếp cận được tới người tiêu dùng. Một số chức năng vẫn "như cho có" ví dụ tin nhắn báo số điện thoại tài xế ( đôi khi báo số ảo, số sai, số đã bị khóa), chức năng báo giá trước chỉ mang tính tham khảo, tài xế hoàn toàn có thể chạy đường vòng để thu thêm tiền cước.

Ngược lại, các loại taxi mới có những chiến dịch quảng bá rất rầm rộ, những chương trình khuyến mãi liên tục với các hình thức khuyến mãi đa dạng, tiếp cận trực tiếp từng bạn trẻ - đối tượng sử dụng điện thoại thông tin nhiều nhất.

Có cơ chế quản lý bình đẳng

Ứng dụng Uber hiện tại cho phép đặt nhiều loại xe khác nhau, trong đó có taxi - Ảnh: Reuters
Ứng dụng Uber hiện tại cho phép đặt nhiều loại xe khác nhau, trong đó có taxi - Ảnh: Reuters

Ông Liên cho rằng câu chuyện “đại chiến” taxi sẽ chỉ được giải quyết nếu các hãng taxi truyền thống biết đổi mới chính mình và cơ quan quản lý đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa hai loại hình taxi.

“Chúng ta chỉ mới quản lý được thuế dịch vụ của Grab hay Uber trong khi các hãng truyền thống phải đóng thuế dựa trên tổng doanh thu. Chủ phương tiện Grab hay Uber có phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế không? Nếu không quản lý được về số lượng doanh thu thì đóng thuế khoán có được không? Rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu”, ông Liên đặt vấn đề.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết điều cần quan tâm là phải nghiên cứu ý kiến của cả hai bên để thiết lập cơ chế tạo sự bình đẳng nhằm phát triển dịch vụ taxi. Đơn cử như việc có những tuyến đường vào giờ cao điểm xe taxi truyền thống bị hạn chế nhưng Grab hay Uber lại được thoải mái di chuyển.

Kinh nghiệm của nước ngoài là trong thời đại công nghệ phát triển thì không thể hạn chế mà ngược lại là phải khuyến khích kinh doanh dựa trên nền tảng này để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

>> Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

>> Ông Bùi Danh Liên

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục