19/08/2017 10:05 GMT+7

Nên có chính sách hấp dẫn hơn cho sinh viên đi xe buýt

VÕ XUÂN TIẾN  (Nghiên cứu sinh tại Đức)
VÕ XUÂN TIẾN (Nghiên cứu sinh tại Đức)

TTO - Diễn đàn phát triển giao thông cộng cộng và kiểm soát xe cá nhân đã nhận được nhiều ý kiến bàn giải pháp phát triển xe buýt TP.HCM. Nhằm góp thêm một góc nhìn, xin giới thiệu bài viết của tác giả Võ  Xuân Tiến.

*** Error ***
Sinh viên đi xe buýt tuyến 33 tại làng đại học Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phải xem việc làm liên quan đến vận tải công cộng là một nghề dịch vụ và người tham gia vào đó phải được đào tạo bài bản. Ví dụ, tài xế xe buýt không chỉ là người biết lái xe mà họ cần được trang bị các kỹ năng ứng xử giao tiếp phù hợp với các nhóm đối tượng hành khách khác nhau"

Võ Xuân Tiến

Bài viết “8 điều mong đợi ở xe buýt” của tác giả Hữu Chơn trên diễn đàn đã nêu chính xác các lý do mà người dân TP.HCM còn ngại ngần với xe buýt. Để kiểm soát được chất lượng phục vụ của xe buýt cũng như tổ chức điều phối mạng lưới các trạm, các tuyến tốt hơn, theo tôi, trước tiên là phải áp dụng mô hình quản lý phù hợp hơn nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý.

Nên có chính sách hấp dẫn hơn cho sinh viên

Như ở thành phố Chemnitz (Đức), Công ty CVAG (Chemnitzer Verkehrs- Aktiengesellschaft - tạm dịch là Công ty trách nhiệm hữu hạn giao thông công cộng Chemnitz) quản lý toàn bộ các hoạt động vận tải công cộng của thành phố. Mô hình hợp tác xã đối với vận tải công cộng tại TP.HCM, theo tôi, đã không còn phù hợp.

Đối với ngành nghề dịch vụ công cộng thì việc xác định đối tượng hành khách và nhu cầu của họ là việc tối quan trọng. TP.HCM là nơi tập trung rất đông các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... nên phải xem phần lớn nhu cầu đi xe buýt xuất phát từ nhóm đối tượng này. Và nên có những chính sách hấp dẫn hơn nhằm thu hút đối tượng này đi xe buýt, ví dụ như phát hành vé xe có thời hạn theo học kỳ.

Ở thành phố Chemnitz, nơi tôi đang theo học, giá vé theo học kỳ dành cho sinh viên chỉ bằng giá vé một tháng dành cho các đối tượng khác. Ngoài ra, việc bố trí các trạm xe buýt thuận lợi hơn cho nhu cầu đi lại của nhóm đối tượng này cũng cần phải được chú ý hơn. Điển hình là việc bố trí trạm xe buýt ngay trong khuôn viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, đây là một điểm sáng của việc bố trí trạm xe buýt thuận tiện cho đối tượng hành khách mà mình nhắm tới.

...và những nhóm đối tượng tiềm năng khác

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều nhóm đối tượng hành khách tiềm năng khác của xe buýt như học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở, thậm chí là tiểu học. Việc đưa đón học sinh đi học hằng ngày hiện nay đều chủ yếu do phụ huynh đảm nhận và điều này gây áp lực rất lớn lên giao thông của thành phố. Ở các nước tiên tiến, phụ huynh rất yên tâm khi để con cái của họ sử dụng phương tiện công cộng đến trường và về nhà.

Tôi tin rằng đến khi nào phụ huynh chúng ta có thể yên tâm để con cái sử dụng phương tiện công cộng đến trường, giáo viên thì có thể tự tin đưa ra lời khuyên với phụ huynh rằng nên để con em họ tự đến trường bằng phương tiện vận tải công cộng, thì lúc đó giao thông tại TP.HCM sẽ dễ thở hơn rất nhiều.

Cuối cùng, một nhóm hành khách tiềm năng nữa cần hướng tới chính là nhân viên của các công ty mà nơi làm cách xa nơi ở của họ. Ở những nước tiên tiến, việc sáng ra đi làm ở một nơi và chiều tối trở về nhà một nơi khác cách chỗ làm việc khoảng 20-30km là chuyện bình thường. Và họ thường chọn phương tiện giao thông công cộng để đi lại.

Ở nước ta, trong khi chờ đợi các tuyến metro hoàn thành, trọng trách đáp ứng nhu cầu giải quyết việc đi lại thuận lợi cho những người đi làm cách xa nơi ở này hoàn toàn đặt lên vai của xe buýt công cộng. Nếu thành phố có các tuyến xe buýt hợp lý hướng đến nhóm đối tượng này thì họ không có lý do gì phải hằng ngày chạy xe máy đi làm cả.

Mời góp ý phát triển xe buýt

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là vấn đề quan trọng để triển khai ngay nhằm tiến tới việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân, góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe.

Làm sao để xe buýt tăng sức thu hút với hành khách? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn bằng những câu chuyện cụ thể, những giải pháp khả thi... Ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email nguyentran@tuoitre.com.vn.

VÕ XUÂN TIẾN (Nghiên cứu sinh tại Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên