01/07/2023 06:27 GMT+7

Tin tức thế giới 1-7: Mỹ hiểu độ phản công chậm của Ukraine; Nga, Ấn bàn về vụ Wagner

Tướng Mỹ Mark Milley cho biết không ngạc nhiên về tốc độ phản công của Ukraine; Iraq biểu tình vì đốt kinh Quran ở Thụy Điển; Nga cấm xe tải vận chuyển hàng hóa của Ba Lan… là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 1-7.

Tin tức thế giới 1-7: Mỹ hiểu độ phản công chậm của Ukraine; Nga, Ấn bàn về vụ Wagner - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley - Ảnh: AP

* Mỹ: Ukraine phản công chậm hơn dự đoán

Ngày 30-6, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley cho biết cuộc phản công của Ukraine chống lại các lực lượng Nga "diễn ra chậm hơn mọi người dự đoán", nhưng đang đạt được tiến bộ ổn định.

"Mọi chuyện đang diễn ra chậm hơn so với dự đoán của mọi người. Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. 

Nó đang tiến lên đều đặn, có chủ đích, hoạt động xuyên qua những bãi mìn rất khó khăn…", tướng Miley giải thích rõ hơn.

* Biểu tình rầm rộ ở Baghdad sau vụ đốt kinh Quran ở Thụy Điển

Hàng ngàn người ủng hộ giáo sĩ dòng Shi'ite Moqtada al-Sadr đã tổ chức một cuộc biểu tình trước trụ sở Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad trong ngày 30-6.

Những người biểu tình mang theo cờ Iraq, chân dung của Sadr và cha của ông, cũng là một giáo sĩ nổi tiếng.

Họ yêu cầu Iraq chấm dứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển sau khi một người đàn ông đốt kinh Quran bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm.

Tin tức thế giới 1-7: Mỹ hiểu độ phản công chậm của Ukraine; Nga, Ấn bàn về vụ Wagner - Ảnh 2.

Người ủng hộ giáo sĩ Shi'ite Moqtada al-Sadr biểu tình ngày 30-6 - Ảnh: REUTERS

* Kuwait triệu đại sứ Thụy Điển phản đối vụ đốt kinh Quran. Thứ trưởng ngoại giao Kuwait đã trao cho đại sứ Thụy Điển tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) công hàm phản đối chính thức của Nhà nước Kuwait với nội dung lên án và tố cáo việc một phần tử cực đoan đốt bản sao kinh Quran. 

Công hàm nêu rõ Thụy Điển đã nhiều lần để xảy ra việc này, trong đó có vụ một phần tử cực đoan mang 2 quốc tịch Thụy Điển và Đan Mạch đốt bản sao kinh Quran gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hồi tháng 1 năm nay.

Trước đó, UAE, Morocco và Iraq cũng đã triệu đại diện ngoại giao của Thụy Điển để phản đối hành vi "thiếu tôn trọng và xúc phạm thế giới Hồi giáo". Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng chỉ trích những hành động chống lại thế giới Hồi giáo.

* Bắt kẻ xả súng người Tajikistan ở sân bay Moldova

Thủ tướng Moldova Dorin Recean cho biết cảnh sát Moldova đã xác định được danh tính tay súng liên quan đến vụ xả súng tại sân bay chính của Chisinau.

Theo ông Recean, tay súng là một công dân 43 tuổi của Tajikistan. Y đã bị bắt ngay sau vụ việc. Ngoài hai sĩ quan thiệt mạng trong vụ việc, một dân thường cũng bị thương trong vụ xả súng.

* Nga cấm xe tải vận chuyển hàng hóa của Ba Lan

Theo Hãng tin TASS, Bộ Giao thông vận tải Nga ngày 30-6 tuyên bố Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm xe tải Ba Lan vận chuyển hàng hóa trên lãnh thổ của mình, trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên, lệnh cấm này miễn trừ các hàng hóa quan trọng bao gồm thuốc men và thiết bị y tế. Bộ Giao thông vận tải Nga cũng cho hay việc vận chuyển tại vùng Kaliningrad không bị ảnh hưởng.

* Ông Putin và ông Modi thảo luận về Ukraine, nổi loạn của Wagner

Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về tình hình Ukraine và cách Matxcơva giải quyết cuộc binh biến của lính đánh thuê Wagner trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 30-6.

Theo Điện Kremlin, ông Modi đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các hành động quyết đoán của giới lãnh đạo Nga trong việc xử lý cuộc binh biến của Wagner vào cuối tuần trước.

Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ cho biết ông Putin đã thông báo cho Thủ tướng Modi về những diễn biến gần đây ở Nga trong cuộc trò chuyện của họ.

* Nga xác nhận cam kết hỗ trợ quân đội Mali

Nga có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ Mali, bao gồm cải thiện hiệu quả chiến đấu của các lực lượng vũ trang và đào tạo nhân viên quân sự và thực thi pháp luật.

Theo Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thông báo điều này với người đồng cấp Mali trong một cuộc điện đàm ngày 30-6.

Cuộc điện đàm diễn ra vài ngày sau khi cuộc binh biến của Wagner kết thúc. Nhóm này cũng hoạt động ở Mali và một số quốc gia châu Phi khác.

Liên Hiệp Quốc kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali

Ngày 30-6, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài một thập kỷ ở Mali. 

Chính quyền quân sự của quốc gia Tây Phi này đã đột ngột yêu cầu lực lượng 13.000 người của sứ mệnh rời đi "không chậm trễ" vào hai tuần trước.

Sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Mali (MINUSMA) đã kết thúc sau nhiều năm căng thẳng. Theo Hãng tin Reuters, những hạn chế của chính phủ đã cản trở hoạt động này kể từ khi Mali hợp tác với tập đoàn Wagner từ năm 2021.

Ngay sau tuyên bố của Hội đồng Bảo an, Mỹ đã nêu lo ngại về các hoạt động gây bất ổn của Wagner ở châu Phi. Washington cáo buộc nhà lãnh đạo Yevgeny Prigozhin của Wagner đã giúp dàn dựng việc rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Mali.

Mỹ có thông tin cho thấy Chính phủ Mali đã trả hơn 200 triệu USD cho Wagner kể từ cuối năm 2021, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho hay.

Châu Âu nóng bức

Tin tức thế giới 1-7: Mỹ hiểu độ phản công chậm của Ukraine; Nga, Ấn bàn về vụ Wagner - Ảnh 5.

Chú chó trốn nắng khi đứng ở dưới ô trên một bãi biển ở thành phố Nice (Pháp) ngày 29-6. Một đợt sóng nhiệt hiện đang quét qua châu Âu - Ảnh: REUTERS

Tương lai của tập đoàn Wagner hậu nổi loạnTương lai của tập đoàn Wagner hậu nổi loạn

Cuộc nổi loạn thất bại đã đẩy tập đoàn Wagner cùng hàng loạt phi vụ làm ăn trên ít nhất 4 châu lục vào tình cảnh tương lai bất định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên