23/12/2023 06:49 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xót ruột khi nhìn đâu cũng thấy phim nước ngoài

Trong phát triển công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chúng ta không thiếu nhân tài nhưng thiếu chính sách đãi ngộ người tài và thiếu cả những sản phẩm văn hóa chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (phải) và Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm tại hội nghị -Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (phải) và Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm tại hội nghị -Ảnh: VGP

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vào sáng 22-12 là hội nghị đầu tiên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, theo nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nhiều nghệ sĩ, doanh nghiệp làm công nghiệp sáng tạo được mời cho ý kiến. Đại diện các bộ, ban, ngành giải đáp ngay tại hội nghị. Nhiều người cho rằng đây là hội nghị mà giới làm công nghiệp sáng tạo mong chờ từ lâu.

Quay một cảnh phim phải xin nhiều giấy phép từ phường đến sở

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - tổng giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD - đại diện giới làm phim khẳng định sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp điện ảnh qua doanh thu phòng vé những năm qua.

Bà Hạnh cũng nêu ra nhiều khó khăn mà giới làm phim đang gặp phải. Bà kể ra một số "bất công" với những đơn vị sản xuất phim, đó là không thể mang tài sản trí tuệ là những sản phẩm văn hóa ra để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Hay chuyện ai đó ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù, nhưng ăn trộm một bộ phim 30 - 40 tỉ đồng phát hành trái phép gây thiệt hại lớn thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo bà Hạnh, luật pháp phải coi trọng sản phẩm văn hóa hơn để sản phẩm văn hóa có thể mang thế chấp vay ngân hàng được và sở hữu trí tuệ được bảo vệ tốt hơn.

Bà Hạnh cũng mong mỏi Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như cho vay nông nghiệp. Ngoài ra, thủ tục hành chính trong sản xuất phim cần cải cách triệt để hơn.

Bà Hạnh nói quay một cảnh phim phải xin nhiều giấy phép như của sở văn hóa, phường, công an phường, công ty cây xanh nếu quay ở công viên, phim có cảnh hành động cháy nổ phải xin phép cơ quan phòng cháy chữa cháy...

Phải xin chừng đó giấy phép cho một địa điểm quay thì thật khó nói tới công nghiệp văn hóa. Hay như sự bất cập trong chính sách thuế với các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới khi xuất khẩu nội dung sang Mỹ, ngoài nộp 35% thuế ở Mỹ, khi về Việt Nam vẫn phải nộp 10% thuế VAT.

Bà Trương Uyên Ly - giám đốc không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine - kiến nghị miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong 3 năm đầu tiên và 2 năm tiếp theo thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập với các dự án hợp tác công - tư.

Hiện các không gian sáng tạo đang thực hiện nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp thông thường khác nên rất khó khăn.

Bà Tô Nam Phương - đại diện FPT Play - nêu kiến nghị các doanh nghiệp làm dịch vụ OTT (dịch vụ truyền hình trả tiền) nên được ưu đãi tốt hơn để có thể cạnh tranh được với các OTT xuyên biên giới.

Hiện các nền tảng OTT thuần Việt đang rất khó khăn để cạnh tranh với các nền tảng OTT đa quốc gia như Netflix, Spotify...

Phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trả lời các kiến nghị về vốn, thuế và các ưu đãi khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những chính sách thuế và một số chính sách tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Một số kiến nghị tại hội nghị vượt quá những chính sách và quy định hiện hành, Bộ Tài chính ghi nhận để nghiên cứu khi cần chỉnh sửa liên quan đến thuế và tài chính trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định lĩnh vực văn hóa là một trong những ngành được xã hội hóa và theo như chính sách hiện nay thì đang được hưởng mức ưu đãi cao nhất, tuy có thể chưa như kỳ vọng.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án. Tiền thuê đất cũng được miễn ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.

Tổng kết hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp và bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.

Thủ tướng: Nhiều lúc cũng xót ruột

Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế, trong đó có việc công nghiệp văn hóa chưa tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thật hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân.

Thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở của cuộc sống, sự phát triển của đất nước; một số tác phẩm có biểu hiện "lệch chuẩn"... nên phim nước ngoài chiếm trên 70% phim chiếu rạp, truyền hình cũng chủ yếu là phim nước ngoài.

"Nhiều lúc cũng xót ruột, bởi mở truyền hình ra chỉ thấy phim nước ngoài. Các kênh truyền hình của chúng ta, từ kênh địa phương đến trung ương, cảm giác đói sản phẩm.

Tất nhiên để sản phẩm sống được thì phải đáp ứng được thị hiếu của người dùng. Như thế thì phát huy tính sáng tạo của nghệ sĩ, doanh nghiệp.

Nhân tài của chúng ta không thiếu, nhưng chính sách để phát huy tối đa tài năng thì còn có hạn", Thủ tướng chia sẻ.

Về câu chuyện phim Việt lép vế trên truyền hình, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm gọi đó là thực trạng "xâm lăng văn hóa".

Ông Lâm khẳng định sự xâm lăng này đã vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển tivi, trên điện thoại di động, khiến người Việt xem YouTube và các kênh nước ngoài dễ hơn xem truyền hình Việt Nam.

Ông Lâm cho biết từ năm 2024, Bộ TT-TT đề nghị tất cả các nền tảng tivi thông minh lưu hành ở thị trường Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng xem báo chí và truyền hình Việt.

Đề xuất để triển khai xây dựng nhà hát Hồ Tây

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh - phó tổng giám đốc Sun Group - đề xuất chính sách hỗ trợ thúc đẩy xây dựng các công trình văn hóa tầm thế giới, thông qua vụ việc cụ thể là nhà hát tại khu vực bán đảo Quảng An, hồ Tây.

Tổng giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh (trái) và Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group Nguyễn Thái Hoài Anh đưa ra nhiều kiến nghị tại hội nghị - Ảnh: VGP

Tổng giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh (trái) và Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group Nguyễn Thái Hoài Anh đưa ra nhiều kiến nghị tại hội nghị - Ảnh: VGP

Bà Anh cho biết Sun Group đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mời kiến trúc sư người Ý là Renzo Piano thiết kế một mẫu ấn tượng, dựa trên vẻ đẹp và văn hóa lịch sử của Hà Nội cũng như những huyền tích của hồ Tây.

Bà tin tưởng nếu nhà hát được xây dựng sẽ không chỉ là công trình kiến trúc văn hóa đẳng cấp mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang linh hồn Hà Nội.

Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn đang nằm trên bản vẽ. Qua hội nghị, bà đề xuất có những cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để triển khai dự án này.

Hãy lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hóa

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từ đầu cầu trực tuyến cho biết TP.HCM xác định công nghiệp văn hóa là ngành mới, rất tiềm năng và sẽ có đóng góp tỉ trọng rất lớn vào sự phát triển.

Ông Mãi kiến nghị Thủ tướng sau hội nghị này có những định hướng cho các ngành chủ lực của công nghiệp văn hóa trong các địa bàn trọng điểm, nên có trọng tâm để có sự phân công, phối hợp và có sự đầu tư.

Ông cũng đề nghị nên có nghị quyết của Chính phủ dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo những động lực cho phát triển ngành công nghiệp này. TP.HCM mong các doanh nghiệp đang có mặt trong hội nghị trong quá trình triển khai các đề án hãy xem xét, lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hóa.

Văn hóa có thể bắt tay với... nông nghiệp

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói về tiềm năng tạo ra các sản phẩm kết hợp giữa văn hóa và nông nghiệp để phát triển công nghiệp văn hóa.

Ông dẫn ví dụ tại Bắc Giang vừa qua có sự kiện văn hóa - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn đã giúp kết nối bán hàng rất hiệu quả cho nông dân.

Ông khẳng định sự sáng tạo trong văn hóa, nông nghiệp - nông thôn còn vô vàn dư địa cho các nhà sáng tạo nội dung.

Hội nghị công nghiệp văn hóa: Bàn tháo gỡ điểm nghẽn phát triểnHội nghị công nghiệp văn hóa: Bàn tháo gỡ điểm nghẽn phát triển

Hội nghị phát triển công nghiệp văn hóa ngày 22-12 lần đầu tiên tổ chức với quy mô toàn quốc có sự điều hành của Thủ tướng, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các "nút thắt" về cơ chế, chính sách của lĩnh vực này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên