08/05/2023 15:51 GMT+7

Rút khỏi Việt Nam, Parkson phải giải bài toán mặt bằng

Đến ngày 8-5, phía Parkson Việt Nam vẫn chưa có các thông tin chính thức về việc trung tâm thương mại này sẽ ra sao khi thương hiệu Parkson rút khỏi Việt Nam.

Rút khỏi Việt Nam, Parkson phải giải bài toán mặt bằng - Ảnh 1.

Công ty Parkson Retail Asia (PRA) cho biết chi nhánh Parkson Việt Nam đã nộp đơn lên tòa án TP.HCM, bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ ngày 28-4 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngày 8-5, các thương hiệu bên trong trung tâm thương mại Parkson (quận 1, TP.HCM) vẫn hoạt động bình thường, lượng người mua sắm đã giảm so với dịp lễ.

Parkson Việt Nam vẫn im lặng

Trả lời câu hỏi về việc hoạt động của Parkson Việt Nam, đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng của trung tâm thương mại này cho biết đến nay (ngày 8-5), phía quản lý của Parkson Việt Nam vẫn chưa có thông tin chính thức về việc đóng cửa trong thời gian tới.

Theo vị này, quyền lợi của các khách hàng thường xuyên, có thẻ mua sắm tại trung tâm này vẫn đảm bảo.

Tương tự, các thương hiệu bán lẻ bên trong Parkson Việt Nam đến ngày 8-5 vẫn chưa có các thông tin chính thức về hoạt động của các doanh nghiệp này khi Parkson Việt Nam rút lui.

Cần giải quyết ba bên về mặt bằng cho thuê

Trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Trần Phạm Phương Quyên - quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills Việt Nam - cho biết mô hình kinh doanh cho thuê của Parkson là dạng cho thuê sỉ (master lease), trong đó Parkson thuê lại mặt bằng từ chủ nhà và sau đó cho các thương hiệu khác thuê lại (sub-lease).

Bà Quyên cho biết theo quy định thông thường trong hoạt động cho thuê mặt bằng bán lẻ, nếu bên thuê phá sản, hợp đồng thuê sẽ chấm dứt. 

Trong trường hợp này, chủ đầu tư (bên cho thuê) sẽ lấy lại diện tích cho thuê và tịch thu các tài sản bên trong để bán nhằm thanh toán tiền thuê hoặc các khoản nợ còn lại.

Tuy nhiên, trong tình huống Parkson, có hai vấn đề chính cần được giải quyết. Thứ nhất, bên cho thuê (chủ nhà) phải giải quyết tình huống như đã nêu trên với Parkson. Thứ hai, Parkson phải tiếp tục giải quyết các hợp đồng thuê hiện còn hiệu lực với các khách thuê nhỏ của mình.

"Nếu chủ nhà và Parkson muốn tiếp tục hoạt động bình thường với các khách thuê nhỏ trong trung tâm thương mại, cần ký kết một phụ lục hợp đồng để chuyển giao toàn bộ các hợp đồng thuê giữa các thương hiệu này với Parkson thành hợp đồng trực tiếp với chủ nhà. Điều này đồng nghĩa với việc không còn vai trò trung gian của Parkson trong việc thuê mặt bằng", bà Quyên nói.

Để giải quyết những vấn đề này, bà Quyên cho rằng cần có một hợp đồng chuyển giao giữa ba bên liên quan. Nếu tất cả các bên có thể sắp xếp một cách thuận lợi, trung tâm thương mại về cơ bản sẽ vẫn hoạt động bình thường và không gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Năm 2005, trung tâm thương mại Saigontourist (quận 1, TP.HCM) chính thức được bàn giao cho Công ty TNHH Parkson Việt Nam (100% vốn Malaysia) với thời hạn 25 năm.

Như vậy đến năm 2030, hợp đồng giữa Parkson Việt Nam và Tổng công ty Saigontourist mới kết thúc.

Mới đây, Công ty Parkson Retail Asia (PRA) cho biết chi nhánh Parkson Việt Nam đã nộp đơn lên tòa án TP.HCM, bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ ngày 28-4 do kinh doanh khó khăn.

Như vậy, các trung tâm thương mại của Parkson Việt Nam đã lần lượt đóng cửa và Parkson sẽ rút khỏi Việt Nam.

Parkson Vietnam nộp đơn phá sản, rút khỏi Việt Nam sau 18 nămParkson Vietnam nộp đơn phá sản, rút khỏi Việt Nam sau 18 năm

Công ty Parkson Retail Asia (PRA) cho biết chi nhánh Parkson Vietnam Co Ltd đã nộp đơn lên tòa án TP.HCM, bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ ngày 28-4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên