30/07/2023 09:42 GMT+7

Quản lý, sử dụng vỉa hè: Quy định đã mở, dùng sao cho đúng?

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định 32 về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè (thay thế quyết định 74 năm 2008).

Điểm cho thuê bãi giữ xe ở công viên Lê Văn Tám (đoạn giáp quận 1 và quận 3) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Điểm cho thuê bãi giữ xe ở công viên Lê Văn Tám (đoạn giáp quận 1 và quận 3) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Quyết định này cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường để giải quyết các vụ việc trong đời sống như ma chay, cưới hỏi, điểm trông xe khi gia đình có việc.

Việc thực hiện từ ngày 1-9 sẽ ra sao và ý kiến từ các giới về vấn đề dân sinh này như thế nào?

Ông Ngô Hải Đường (trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM):

Bám sát nhu cầu thực tế của người dân

Có thể thấy rằng quyết định do Sở GTVT xây dựng, Sở Tư pháp thẩm định bám sát vào nhu cầu thực tế của người dân. Từ ngày 1-9, quyết định chính thức có hiệu lực và chúng tôi cũng rất kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM quản lý, khai thác tốt lòng đường, vỉa hè.

Trong quyết định này có các quy định rất gần gũi với nhu cầu cuộc sống của người dân ở "siêu đô thị" như TP.HCM.

Chẳng hạn như điều 7 quy định các hoạt động được sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè không cần cấp phép gồm: tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang, điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa...

Như vậy cá nhân, tổ chức muốn dùng chỉ cần xin phép chính quyền địa phương cấp phường, xã hỗ trợ giải quyết.

Tuy vậy quyết định lần này quy định cụ thể việc sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè vào những hoạt động kể trên có thời gian, phạm vi quy định rõ ràng.

Đơn cử như dùng tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang thì thời gian sử dụng không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 72 giờ (đối với đám tang).

Còn việc sử dụng kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa hay trông giữ xe không thu tiền chỉ làm ở những tuyến đường trong danh mục do UBND cấp quận, huyện ban hành.

Anh Nguyễn Văn Duy (ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức):

Nhu cầu người dân rất cao

Tôi đang mở một quán ăn nhỏ nhưng diện tích khá khiêm tốn nên phải cho xe máy đậu tràn ra vỉa hè, nhiều lúc bị trật tự đô thị phạt cũng phải chịu. Do đó khi biết TP.HCM ban hành quyết định 32 "cởi trói" nhiều yêu cầu ràng buộc lâu nay, tôi rất ủng hộ.

Hiện nay nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè của người dân rất cao nhưng lại chưa được hướng dẫn đúng cách. Dạo một vòng quanh TP.HCM, đặc biệt ở các khu vực trung tâm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, đậu xe xảy ra nhan nhản gây cản trở giao thông, làm xấu đô thị.

Chính vì vậy TP.HCM cần sớm đưa vào quản lý có khuôn khổ, người dân, hộ kinh doanh sẵn sàng tuân thủ miễn sao hài hòa các lợi ích, tránh xung đột, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Có quyết định rồi, việc tiếp theo tôi mong chờ chính quyền sớm có hướng dẫn triển khai để mỗi người dân đều có quyền được hưởng các tiện ích của quyết định này mang lại.

Vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TP.HCM) cho thuê kinh doanh mua bán được người dân ủng hộ - Ảnh: MINH ANH

Vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TP.HCM) cho thuê kinh doanh mua bán được người dân ủng hộ - Ảnh: MINH ANH

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM):

Có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Lâu nay các nước khác đã quy định quản lý lòng đường, vỉa hè rất rõ ràng. Trong đó có những lòng đường, vỉa hè cho sử dụng tạm có thu phí vừa quản lý tốt hơn, khai thác diện tích này hiệu quả hơn.

Chẳng hạn như Thái Lan quy hoạch rất cụ thể những lòng đường, vỉa hè nào có thể sử dụng tạm phục vụ kinh doanh, mua bán, kể cả bán hàng rong. Họ cho kẻ các ô vạch đánh dấu khu vực lòng đường, vỉa hè cho sử dụng tạm và tính phí theo giờ. Do đó theo tôi, TP.HCM cũng có thể xem xét, học hỏi thêm một số kinh nghiệm từ đây.

Tôi thấy quyết định 32 được UBND TP.HCM ban hành phù hợp với nhu cầu người dân, cũng như xu hướng phát triển chung của thế giới.

Quyết định này đã làm rõ danh mục các hoạt động được sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè không cấp phép, có cấp phép để người dân theo dõi thực hiện cho đúng, văn minh.

Các đơn vị sớm phối hợp với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát kỹ lập ra danh mục chi tiết từng tuyến đường, từng khu vực có thể cho sử dụng tạm. Trong đó vẫn ưu tiên lối đi cho người đi bộ, xe cộ lưu thông.

Đặc biệt TP.HCM muốn quản lý sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè hiệu quả thì trước hết phải chú trọng đến dọn dẹp những nơi nào đang làm sai quy định. Bất cứ ai vi phạm phải xử phạt nghiêm, không để hình ảnh nhếch nhác như hiện nay.

Ông Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):

Tránh làm cho tình trạng lấn chiếm thêm trầm trọng

Về cơ bản quyết định quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông. Tuy vậy cần phải tính toán kỹ lưỡng và lưu ý một số vấn đề quan trọng.

Theo tôi, vấn đề buôn bán trên vỉa hè khi áp dụng cần phải cho người bán ký kết, cam đoan tránh việc bày biện hàng hóa không hợp lý. Do đó chính quyền địa phương cần phải cân nhắc rất kỹ chỗ nào phù hợp cho thuê mới cho thuê, nếu không sẽ gặp rất nhiều vấn đề về khâu tổ chức, giám sát.

Đặc biệt cần ưu tiên việc cho thuê để làm bãi giữ xe máy do nhu cầu của người dân hiện tại tăng cao. Đồng thời phải có quy định trong hợp đồng về trách nhiệm, nghĩa vụ của bên cho thuê và bên thuê.

Đặc biệt khi áp dụng cần phải thống nhất mục tiêu của việc cho thuê vỉa hè là quản lý trật tự, giải quyết được nhiều vấn đề của TP.HCM chứ không phải là làm cho tình trạng lấn chiếm thêm trầm trọng.

Đối với những người dân có hoàn cảnh khó khăn TP nên tạo điều kiện, không nên để trường hợp các cá nhân, tổ chức có điều kiện thuê một lúc hàng loạt vị trí vỉa hè buôn bán tràn lan thì sẽ rất khó quản lý.

Quản lý, sử dụng vỉa hè: Quy định đã mở, dùng sao cho đúng? - Ảnh 3.

Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):

Thường xuyên kiểm tra giám sát

So với quyết định 74 trước đây thì quyết định 32 đã quy định chi tiết hơn các trường hợp sử dụng tạm một phần vỉa hè không cần phải cấp phép và trường hợp sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường phải có phép.

Đi kèm với đó là quy định phạm vi, thời hạn sử dụng, thời hiệu giấy phép, thẩm quyền cấp phép...

Như vậy có thể thấy quyết định 32 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường đáp ứng yêu cầu đời sống đô thị hiện nay.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu của quyết định 32 khi triển khai thực hiện cụ thể, các cơ quan (chủ yếu là Sở Giao thông vận tải, các quận huyện, phường xã, thị trấn) phải bảo đảm việc cấp phép đúng đối tượng, thường xuyên kiểm tra giám sát để việc sử dụng vỉa hè, lòng đường đúng mục đích...

Đối với trường hợp được cấp phép sử dụng nhưng có phát sinh tranh chấp, khiếu nại, mâu thuẫn của các hộ, cư dân lân cận thì phải nhanh chóng xử lý, rút giấy phép trường hợp vi phạm... để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM):

Thẩm định kỹ lưỡng, thận trọng

Quyết định 32 vừa ban hành nhằm thay thế cho quyết định 74 năm 2008 của UBND TP.HCM. Sở Tư pháp có vai trò thẩm định, còn Sở Giao thông vận tải là đơn vị chủ trì soạn thảo, tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, đồng thời có các quy định về thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè để UBND TP trình cho HĐND thông qua.

Về pháp lý, khi so sánh với quyết định cũ, rõ ràng quyết định mới này đã cập nhật các quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn nhu cầu đô thị. Chúng tôi nhận thức rất rõ đây là quyết định có tác động rất lớn đến từng người dân đô thị.

Do đó quá trình thẩm định được thực hiện rất kỹ lưỡng, thận trọng, luôn có sự tham gia đóng góp ý kiến, phản biện của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Mặt trận Tổ quốc; các chuyên gia, nhà khoa học; cùng ý kiến của các sở ngành, quận huyện...

Vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng bị lấn chiếm làm quán nhậu, sạp hàng buôn bán - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng bị lấn chiếm làm quán nhậu, sạp hàng buôn bán - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Các địa phương nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các địa phương đều khẳng định quyết định 32 của UBND TP.HCM là rất cần thiết, nhằm giải quyết nhu cầu cũng như xung đột vốn có ở nhiều nơi.

Một chủ tịch UBND phường cho biết mục tiêu cao nhất của quyết định 32 là nhằm bảo đảm công tác quản lý, điều tiết quyền sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường cho các nhu cầu đô thị, cả nhu cầu phục vụ công cộng và nhu cầu tổ chức, cá nhân.

Trong đó phải bảo đảm hài hòa quyền sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường giữa Nhà nước và người dân đô thị. Về phía Nhà nước ưu tiên sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè cho các tiện ích công cộng, công trình giao thông.

Bên cạnh đó là cấp phép cho các nhu cầu sử dụng tạm của tổ chức, cá nhân để thu phí (cho ngân sách). "Quy định cũng bảo đảm hài hòa về quyền, nhu cầu sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường của các tổ chức, cá nhân ở đô thị, phổ biến nhất là dịch vụ trông giữ xe, kinh doanh...", vị này nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, quyết định của TP.HCM đã ban hành, lòng đường, vỉa hè đủ rộng thì mới cho thuê.

Thế nhưng, hiện tại hạ tầng giao thông của quận còn một số hạn chế, đa số là các tuyến đường, vỉa hè có chiều rộng nhỏ nên chưa thể đăng ký vào danh mục các tuyến đường cho thuê... "Việc cho thuê vỉa hè quận Gò Vấp sẽ cần phải tính toán, rà soát thêm trong thời gian tới", ông Anh khẳng định.

Còn ông Phan Thế Huy - trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 3 - cho biết từ trước đến nay, nhiều tuyến đường ở quận 3 cũng được cho thuê một phần đường để giữ xe. Thời gian sắp tới, quận 3 cùng các phường họp bàn, rà soát về các tuyến đường, vị trí phù hợp để triển khai theo quyết định 32.

Cùng quan điểm, đại diện UBND quận 7 nói rằng việc cho thuê, sử dụng một phần vỉa hè và lòng đường là điều rất cần thiết, nhằm hạn chế việc người dân lấn chiếm, bày bán lộn xộn đã xảy ra suốt nhiều năm liền.

Tuy nhiên vỉa hè, lòng đường cần phải đáp ứng diện tích cũng như các tiêu chí mới cho thuê được.

Trước mắt vị này cũng cho biết quận sẽ cùng các đơn vị liên quan rà soát, lựa chọn những tuyến đường phù hợp, đủ điều kiện cho thuê để chuẩn bị triển khai quyết định 32 trong tương lai.

TP.HCM cho dùng tạm vỉa hè, lòng đường: Việc cấp phép, trình báo ra sao?TP.HCM cho dùng tạm vỉa hè, lòng đường: Việc cấp phép, trình báo ra sao?

TP.HCM đã lắng nghe nhu cầu thực tế của cư dân đô thị, cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường vào những việc bức thiết trong đời sống như ma chay, cưới hỏi, điểm đậu xe khi gia đình có hữu sự...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên