16/12/2023 09:06 GMT+7

Ồ ạt rao bán, cho thuê khách sạn, cơ sở lưu trú ở Hội An

Sau nhiều năm trở thành điểm đầu tư lưu trú hấp dẫn, thời gian gần đây giới kinh doanh ở Hội An đón nhận tin liên tiếp nhiều doanh nghiệp có tên tuổi bị ngân hàng siết nợ; trong đó có những doanh nhân có tiếng tăm, tài sản từng lên tới cả ngàn tỉ.

Phố cổ Hội An hiện chứng kiến tình cảnh khó khăn chồng chất từ các doanh nghiệp ngành lưu trú - Ảnh: B.D.

Phố cổ Hội An hiện chứng kiến tình cảnh khó khăn chồng chất từ các doanh nghiệp ngành lưu trú - Ảnh: B.D.

Nhưng bi kịch là bất động sản hạ giá khiến việc thanh lý tài sản để xử lý nợ cũng không dễ dàng. Nhiều khách sạn đỉnh điểm giá 200 - 300 tỉ đồng nhưng nay thậm chí hạ xuống 2/3 giá vẫn không có người mua.

Nhiều đại gia thiếu nợ

Cuối tháng 10 vừa qua, Điện lực Hội An tạm dừng cung cấp điện đối với một doanh nghiệp kinh doanh chuỗi khách sạn lớn do chậm thanh toán tiền điện. Dù số tiền nhỏ, nhưng doanh nghiệp này không thể xoay xở để rồi phải chịu cắt điện đã phần nào nói lên tình thế khó khăn của doanh nghiệp lưu trú ở Hội An hiện nay.

Chủ doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 4 khách sạn, mỗi cái quy mô hàng trăm phòng, nhưng hiện nay nhiều khu đã được bán hoặc bị ngân hàng siết nợ.

"Chưa khi nào thấy khó khăn như giai đoạn này, các khách sạn của tôi vẫn duy trì mở cửa đón khách nhưng doanh thu quá thấp khiến không đủ trả tiền ngân hàng" - chủ doanh nghiệp này nói.

Chuyện thiếu nợ, bị siết nợ, rao bán khách sạn không còn hiếm ở Hội An trong thời gian qua.

Gần đây giới kinh doanh ở Hội An lại xôn xao thông tin chủ một công ty đa ngành nghề, trong đó có kinh doanh khách sạn hạng sang ở Hội An, vướng nợ nần và có ý định bán một vệt khách sạn được đầu tư tâm huyết.

Chia sẻ với PV, chủ công ty này nói khó khăn là có thật, tuy nhiên "chưa tới mức phải bán khách sạn. Tuy nhiên nếu thấy việc bán khách sạn mà có lợi thì sẽ cân nhắc và bán để giải quyết khó khăn".

Tình cảnh bi đát của du lịch Hội An, đặc biệt dễ thấy trong khối dịch vụ lưu trú, diễn ra với mức độ chưa từng thấy. Nhiều doanh nghiệp cho biết tất cả xảy ra từ hệ lụy của đại dịch COVID-19 khiến dòng khách truyền thống của Hội An bị cắt đứt.

Khi doanh thu hụt mà chi phí không giảm, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải bán tài sản.

Ồ ạt rao bán khách sạn

Theo thống kê, hiện toàn TP Hội An có khoảng 900 cơ sở lưu trú du lịch với gần 13.000 phòng, trong đó có 408 homestay và gần 170 khách sạn. Đỉnh điểm du lịch của Hội An rơi vào năm 2019 với mốc gần 7 triệu lượt khách, trong đó dòng khách quốc tế đóng góp doanh thu chủ yếu.

Tuy nhiên, từ dịch COVID-19 tới nay, dù đã kích cầu, làm mới dịch vụ và cơ sở nhưng nguồn khách vẫn rất khó khăn, trong khi giá bán phòng xuống mức thấp chưa từng ghi nhận.

Báo cáo tình hình du lịch của Hội An 9 tháng đầu 2023 cho thấy tổng khách tham quan ước đạt gần 3,1 triệu lượt, trong đó tổng lượt khách lưu trú đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng hơn 215% so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt hơn 2.568 tỉ đồng. Dù tăng nhưng các doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện nay chỉ dừng ở mức cầm cự, chưa có nhiều lợi nhuận do giá phòng thấp, chi phí lớn.

Vài năm qua tại Hội An chứng kiến làn sóng tháo chạy khỏi ngành lưu trú ồ ạt. Không chỉ chủ sở hữu các villa, homestay quy mô nhỏ ở vùng ven mà rất nhiều khách sạn có tên tuổi lâu năm cũng lần lượt được chủ sở hữu rao bán hoặc bị ngân hàng phát mãi tài sản.

Ở trung tâm phố đi bộ, những dãy nhà cổ từng cho thuê với giá vài chục đến vài trăm triệu đồng/tháng thì nay cũng rơi vào cảnh đóng trái cửa. Biển hiệu rao thuê treo dày đặc, giá thuê giảm 1/2 nhưng tỉ lệ lấp đầy vẫn không nhiều.

Một lãnh đạo TP Hội An nói rằng doanh nghiệp lưu trú ở Hội An đang trong giai đoạn hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp rất có tên tuổi, một thời ăn nên làm ra và đóng góp lớn cho nguồn thu Hội An, sẵn sàng ủng hộ thành phố trong các dự án, chương trình lễ Tết cho người nghèo thì nay rơi vào cảnh khốn đốn.

"Thành phố cùng tỉnh, ngành du lịch vận dụng nhiều chính sách nhất để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng tình thế rất khó khăn. Số doanh nghiệp bị buộc bán tài sản, bị ngân hàng thu hồi nợ rất nhiều, đa phần rơi vào nhóm các doanh nghiệp lưu trú, sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dùng vốn ngân hàng để mở rộng kinh doanh" - lãnh đạo Hội An nói.

Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank AMC LTD) hồi tháng 9 vừa qua đưa ra đấu giá 11 căn nhà ở phường Minh An và phường Cẩm Phô (TP Hội An), với tổng giá khởi điểm hơn 250 tỉ đồng.

Tất cả tài sản này được thế chấp cho các khoản vay từ 2016 - 2018. Trước đó, VietinBank cũng rao bán nhiều bất động sản, phần lớn là khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự du lịch tại Hội An với giá khởi điểm từ vài chục tới vài trăm tỉ đồng.

Hội An chỉ còn 2 quán bán thịt chóHội An chỉ còn 2 quán bán thịt chó

Sau nhiều năm vận động, chủ một trong ba quán thịt chó cuối cùng ở Hội An đã đồng ý ký vào bản cam kết ngưng kinh doanh, nhận hỗ trợ chuyển đổi công việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên