08/02/2013 12:06 GMT+7

Nỗi hoài hương nơi phố núi Rouen

NGUYỄN HỮU THANH TÙNG
NGUYỄN HỮU THANH TÙNG

TTO - "Vùng Normandie dạo này nhiều gió rét như "cắt" vào trái tim xa xứ. Đây là cái tết đầu tiên tôi xa Việt Nam" - thư của anh Thanh Tùng, lưu học sinh trường Rouen Business (Pháp), viết.

Hạ về ở Úc, xuân đến Việt Nam

"Đặc sản" tết nơi PassauBâng khuâng nỗi nhớ nhà!Người Việt ở Anh, Thụy Sĩ, Canada nô nức đón tếtTừ Cape Town, nhớ tết quê hương

5zpONSTM.jpgPhóng to

Thành phố Rouen yên bình bên dòng sông Seine thơ mộng của nước Pháp - Ảnh: Lâm Văn Triển

Dẫu biết thế giới đang ngày càng phẳng, Internet có thể giúp mọi người cùng ăn tối dù ở cách nhau nửa vòng Trái đất. Nhưng trong lòng tôi, Pháp và Việt Nam vẫn cách nhau đến 6 múi giờ. Các du học sinh chúng tôi không khó khăn gì để có cái bánh chưng hay hũ dưa hành, nhưng vẫn luôn đau đáu tâm sự về cái tết không trọn vẹn và nỗi nhớ nhà không gì khỏa lấp được.

Thành phố Rouen tuy mang tiếng là thủ phủ của cả một vùng, lại chỉ cách Paris hoa lệ hơn 1 tiếng rưỡi tàu chạy, nhưng kỳ thực vẫn chỉ là khu phố cổ vắng vẻ trong nước Pháp rộng lớn. Cộng đồng người Việt tại đây chủ yếu là lưu học sinh. Cả thành phố nếu tính luôn cả sinh viên, những người Việt làm ăn sinh sống tại đây thì chỉ không quá 50 người Việt. Vì vậy, không được như những vùng tập trung hàng ngàn người Việt như Paris, Toulouse hay Marseille, cái tết ở Rouen chỉ nhỏ nhắn, đơn sơ như cái tết ở các làng quê Việt Nam từ bao đời nay: không kèn, không trống, không lân, không rồng. Thế nhưng, phải chăng chính cái chất đơn sơ ấy lại làm nên một cái tết thật chân phương, thật an nhiên?

Cái tết của tôi bắt đầu vào một ngày tuyết rơi thật dày, dày lắm, dày đến nỗi nhiều tuyến xe buýt bị hủy do đường núi khúc khuỷu trơn trượt rất dễ xảy ra tai nạn. Hôm đấy, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ anh hội trưởng hội sinh viên Việt Nam tại Rouen, được “khoán” nhiệm vụ tìm ngay một cành khô về cho đội trang trí làm thành cành mai cành đào đón tết. Thế là, trong cái lạnh dưới 0 độ C với tuyết dày gần đến đầu gối, tôi một mình tiến vào rừng dẻ phía sau trường tìm... “cành đào”. Tết của tôi đã bắt đầu thú vị và “phiêu lưu” như thế nếu không kể đến ánh mắt trợn tròn ngạc nhiên của người đi đường và bác lái xe buýt khi thấy một anh chàng châu Á khệ nệ vác một cành dẻ to đùng từ trên núi xuống phố.

Trước tết vài tuần, chúng tôi lục đục tập văn nghệ. Xóm núi nhỏ bé nhưng tinh thần ai cũng khí thế, vậy là mọi người quyết định thi... tài năng”. Ôi thì Đông Tây kim cổ có cả, từ opera tới “Dạ cổ hoài lang”, từ nhảy hiện đại tới múa truyền thống, từ các em sinh viên năm 1 năm 2 tới các anh chị tiến sĩ vừa tập hát vừa nấu cơm cho con. Không có tiết mục nào là không có, không có thành phần nào là không tham gia. Buổi tổng duyệt cứ thế mà huyên náo hết cả một góc ký túc xá, làm không ít bạn Tây đi ngang không thể không dừng lại xem, vừa cười vừa hỏi tiệc tùng gì mà lại tổ chức công phu thế. Vậy là ta lại có cơ hội giới thiệu tết Nguyên đán cho bạn bè thế giới biết rồi!

Một tuần trước tết, cánh chị em lại lục đục chuẩn bị cho việc bếp núc đêm giao thừa. Hội tuy ít người nhưng quyết tâm vẫn phải ăn tết thật “bài bản” nên chị em lại có cơ hội trổ tài nấu cỗ. Nào là nếp, đậu, lá dong, chân giò, măng khô, rau củ… chất đầy cả “tổng hành dinh” của đội ẩm thực. Và hôm nay - ngày 28 tết - những nếp những đậu ấy sẽ biến thành bánh chưng, xôi gấc, canh măng, thịt đông, dưa góp…

Có mấy bạn trẻ còn bảo chuẩn bị tết ở Tây còn sướng hơn ở ta vì đây là lần đầu các bạn được tự tay gói bánh chưng, tuy không có cái thú ngồi canh bánh ngoài trời sao như ở Việt Nam nhưng chắc cũng đủ bận rộn và hứng thú để mọi người tạm quên nỗi nhớ nhà.

Vậy đấy. Mọi thứ đã đâu vào đấy. Đêm giao thừa này chúng tôi vẫn sẽ có một mâm cơm đón ông bà, có một đêm gala thật vui, có những tiết mục văn nghệ đầy sắc màu, có cái náo nhiệt ngày tết. Nhưng rồi cũng vẫn sẽ có những giây phút trầm lắng, những cú điện thoại xuyên đêm về quê nhà, những giọt nước mắt nhung nhớ. Tôi chỉ ước sao chúng tôi có thể hòa mình vào đêm gala ấy mà ngăn bớt được những tiếng thở dài. Bởi tự sâu thẳm tâm hồn, chúng tôi vẫn biết rằng tết Việt mãi thiêng liêng, và phút giao mùa mãi đáng trân trọng, như những câu hát này:

“… Đêm nay đêm nay ngàn năm sẽ quaXuân theo ngàn năm mới vềDù qua bao tháng năm dàiTình người không phôi phai…”

(Bài hát Khúc giao mùa - tác giả: Huy Tuấn)

NGUYỄN HỮU THANH TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên