Phóng to |
Trẻ em xem múa lân đón chào năm mới 2013 do Hội Việt kiều ở Maine, Ba Lan tổ chức hôm 2-2 - Ảnh: pressherald.com |
* Lâm Tường (Bern, Thụy Sĩ):
Nhắc tết dây chuyền khắp châu Âu...
“Chị à, hôm nay là 30 tết”, đứa em từ Melbourne (Úc) gọi điện nhắc. Tôi thảng thốt khi chợt nhận ra tết đang đến ở quê nhà. Thế là vợ chồng tôi lại lật đật gọi điện nhắc đứa em đang sống ở Frankfurt (Đức): “Tết đến rồi đó!”. Cứ thế mà chị em nhắc chuyền nhau và cả những người họ hàng đang sống khắp châu Âu. Rồi chị em lo gọi điện thoại về VN hỏi thăm, chúc tết gia đình, bà con họ hàng để được nghe âm hưởng tết mà đỡ nhớ quê nhớ nhà.
Sống ở châu Âu hơn 33 năm cũng là từng ấy năm chúng tôi chưa từng “ăn tết” theo đúng nghĩa của nó. Do công ăn việc làm và kỳ nghỉ phép thường rơi đúng vào hè nên khi chúng tôi về VN thì tết đã xa. Khi ở VN đang rộn ràng đón tết thì ở Thụy Sĩ trời rất lạnh và buồn với một màu trắng xóa của tuyết, nhà nhà đóng cửa kín mít khi trời chạng vạng.
* Lưu Tuấn Anh (du học sinh ĐH Kỹ thuật Nagaoka, tỉnh Niigata, Nhật):
Đón giao thừa với gia đình lớn
Với mong muốn gắn kết mọi người cùng đón tết xa nhà, Hội sinh viên VN tại tỉnh Niigata - nơi tôi đang theo học - hằng năm đều tổ chức bữa tiệc nho nhỏ vào đêm giao thừa. Bọn tôi hay nói đùa với nhau ở VN là đón giao thừa với gia đình nhỏ chỉ 4-5 người, còn ở bên này đón giao thừa với gia đình lớn gần 50 người.
Như mọi năm, tết này chúng tôi cũng cố gắng chuẩn bị đủ những món cơ bản nhất như bánh chưng, bánh giò, thịt gà, xôi... để gợi không khí của những ngày tết quê hương. Chúng tôi sẽ mời thêm bạn bè quốc tế, các giáo sư, giảng viên trong trường đến chung vui. Rất nhiều người trong số họ mê món Việt và tỏ ra hào hứng khi được mời tới dự.
Khi đón tết ở xứ người, nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè hay đôi khi chỉ đơn giản là nhớ miếng bánh chưng hay một cành đào thôi cũng đủ khiến bất cứ ai cảm thấy lòng mình cô đơn, trống trải. Dù đây đã là năm thứ sáu tôi đón tết ở Nhật nhưng cảm xúc ấy trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày nào... Công việc bận rộn, chi phí đi lại đắt đỏ, thời gian quá gấp gáp đã níu chân tôi cùng nhiều du học sinh khác đành ở lại đón tết nơi đất khách.
* Nguyễn Phước Minh Tuấn (sinh viên ĐH Massachusetts, bang Massachusetts, Mỹ):
Một chút ấm tình để tết bớt lạnh lẽo
Năm thứ tư tôi phải ăn tết xa nhà. Xem báo Tuổi Trẻ Online, nhìn không khí trang trí cho đường hoa Nguyễn Huệ, cảnh nông dân mình trồng mai, đào hay cảnh chợ tết mà nhiều lúc nhớ da diết ngày tết ở VN.
Từ khi chuyển từ California đến thành phố bang Massachusetts (cách Boston một giờ đi xe), cái tết Việt trở nên lặng lẽ hơn. Năm nay, các sinh viên người Việt tại trường tôi dự định tập hợp nhau lại quanh một bàn tiệc nhỏ đón năm mới. Một chút ấm áp, dù không đủ để vơi đi tâm trạng nhớ nhà, nhưng cũng khiến cái tết bên này bớt lạnh lẽo hơn.
Phóng to |
Huỳnh Thị Ngọc Hân, đại sứ sinh viên quốc tế của TP Brisbane (Úc), bên nét bút thư pháp tết mừng xuân Quý Tỵ của du học sinh VN tại Brisbane - Ảnh: Thành Kiên |
* Lê Uyên Nhy (ca sĩ, Houston, bang Texax, Mỹ):
Không đâu bằng cái tết ở quê nhà
Đã là tết mà không ở VN thì sẽ cảm thấy nhớ nhà vô cùng. Nhớ cái rộn ràng của ngày 29, 30 khi mọi người tấp nập mua sắm. Nhớ những con đường Sài Gòn thật yên bình sáng mùng 1. Nhớ những món ăn mà gia đình nào cũng lo chuẩn bị cho ba ngày tết. Nhớ không khí sum vầy khi gia đình quây quần bên nhau chúc tết ngày đầu năm.
Dẫu nhớ lắm những cảm giác đó, nhưng dù sao nơi tôi đang sống cũng ấm áp biết bao cái tết Việt xa xứ. Tôi ở Houston, nơi có khá đông người Việt. Ở đây cũng có hội chợ tết, cũng có chợ hoa, cũng nấu bánh chưng bánh tét, cũng có những chương trình ca nhạc phục vụ bà con những ngày xuân. Cũng như lúc này đây, khi tôi viết những dòng này là lúc tôi đang đi diễn cho một chương trình từ thiện ở Louisiana để quyên góp tiền cho những cụ già neo đơn ở VN.
Người Việt mình, dù ở đâu trên thế giới, cũng cố gắng làm sao để có cái không khí tết quê nhà và hướng về nguồn cội. Dẫu không đâu giống nơi mình đã sinh ra, nhưng cái tết Việt nơi đây cũng khiến tôi và tất cả người Việt xa quê cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ tết Việt.
* Trang Nguyễn (thành phố Mobile, bang Alabama, Mỹ):
“Tết đến rồi con có biết không?”
Xa xứ đã 13 năm, tôi chưa lần nào về VN đón Tết Nguyên đán. Thèm một cái tết ở quê nhà, nhưng rồi công việc, con cái lần lượt ra đời cứ mãi níu chân mình lại. Thời gian cứ trôi đi, một năm mới lù lù đến, và tôi lại lỡ hẹn với cái tết quê nhà. Nơi tôi sống ít người Việt nên nhiều khi tết đến gần kề mà nào có hay biết!
Mãi đến tuần rồi tôi gọi điện về nhà ở Hóc Môn (TP.HCM) mà giật mình. Ba tôi nhắc: “Ngày 10-2 này là mồng 1 tết, bên đó con có biết không vậy?”. Hai ngày gần đây, trên Facebook bạn bè tôi đăng nhiều câu đối chúc tết nhau, tôi mới thật sự cảm nhận được không khí tết đến gần, rất gần với mình trên mảnh đất quê người.
Cuối tuần, tôi rủ mấy người bạn đi chợ VN, cách nhà tôi khoảng 30 phút chạy xe. Ở lối vào cửa chợ là một tấm bảng to “Hội chợ Tết Nguyên đán” do các nhà thờ và chùa đứng ra tổ chức cho cộng đồng người Việt ở Alabama. Hương vị ngày tết tràn ngập với những trò giải trí, múa lân, cùng hàng loạt gian hàng bán thức ăn ngày tết. Nào là chả giò, bún thịt nướng của miền Nam, phở bò, bánh chưng của miền Bắc. Chợ cũng bán đủ các loại bánh mứt được đem từ VN qua cùng các loại hoa quả “cầu dừa đủ xoài” để người Việt mình mua về chưng tết, đón giao thừa.
Chợ ngày tết trên đất Mỹ cũng nhộn nhịp vui vẻ nhưng sao vẫn thấy lòng mình bâng khuâng nỗi nhớ nhà, nhớ VN, nhớ gia đình, bà con bạn bè quây quần trong mấy ngày tết. Nhớ không khí rộn ràng mua sắm trước tết, đường sá đông đúc, ai cũng chọn được cho gia đình những món đẹp nhất, hi vọng có được nhiều may mắn trong năm mới. Vẫn mong một ngày về để có một cái tết trọn vẹn ở quê nhà...
* Nguyễn Thị Như Quỳnh (Brussels, Bỉ):
Ăn tết tây cùng tết ta
Đây là giao thừa thứ ba tôi không ở nhà cùng gia đình. Hai năm trước vì công việc làm phim bận rộn, tôi ở lại Sài Gòn đón tết cùng những người bạn thân. Năm nay, vào đúng dịp tết, tôi sinh em bé đúng tròn một tháng. Chúng tôi không chuẩn bị tết VN nhiều, nhưng tôi cũng đặt bánh chưng và đi siêu thị châu Á mua đồ ăn VN.
Ở Bỉ, đón năm mới vào ngày đầu năm dương lịch, gọi là ăn tết tây. Dù vậy, vào những ngày cuối năm âm lịch, sao vẫn nhớ các món ăn Việt, nhất là các món ăn truyền thống mà bố mẹ tôi hay nấu như bánh chưng, thịt đông, đặc biệt là đi về quê, thăm họ hàng và thắp hương cho tổ tiên, đêm giao thừa gia đình mọi người bên nhau, chúc mừng năm mới và được tiền mừng tuổi. Tôi nhớ những ngày trước tết ở VN, mọi người đi chợ hoa, mua đào trong cái lạnh của miền Bắc nhưng vui và ấm áp.
Ngày tết tôi hay kể cho chồng nghe, ví dụ tết ông Táo thế nào, giao thừa ra sao, bánh chưng được làm từ đâu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận