16/02/2024 10:45 GMT+7

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng: Tìm vàng trong đất, làm giàu cho đời

Căn biệt thự trăm tuổi giữa trung tâm thành phố của nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng đầy những chậu mai tứ quý ngoài sân, la liệt tranh, tượng, đồ gốm, sách, tư liệu trong nhà.

Tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và bộ sách Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ đang lần lượt được xuất bản - Ảnh: P.VŨ

Tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và bộ sách Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ đang lần lượt được xuất bản - Ảnh: P.VŨ

Văn chương dân gian miền Nam như vàng ngọc chôn trong đất vậy, phải có người khai quật lên, đánh bóng lại, tức là sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu thì mới lấp lánh, và con cháu mới biết, mới có mà trở nên giàu có, biết sử dụng ngọc vàng đúng giá trị...
HUỲNH NGỌC TRẢNG

* Năm 2023 có vẻ là một năm sôi động với ông, chúng tôi ghi nhận được tên Huỳnh Ngọc Trảng trên bộ sách mới đồ sộ - Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ, thấy ông làm diễn giả những buổi trò chuyện về văn hóa với giới trẻ ở các trường đại học, lại còn tham gia cố vấn xây dựng Thư viện số Nguyễn An Ninh, Bảo tàng nông nghiệp quốc gia...

- Như vậy là một năm hạnh phúc vì được làm có hiệu quả những việc mình đam mê. Tôi là người luôn luôn hoạt động, ít chịu ngồi yên, nhưng mấy năm qua bị bệnh mắt, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Năm nay ổn hơn, tôi tiếp tục công việc và gấp gáp hơn để đuổi kịp thời gian. 72 tuổi rồi...

Ước mơ năm mới

* Và năm nay, Giáp Thìn lại là năm tuổi của ông nữa...

- Năm tuổi, nhất là tuổi Thìn càng đẹp, càng tốt như khi mình nhìn hình Rồng. Nhưng xấu - tốt trong năm tuổi là quan niệm dân gian, tôi cho rằng "đức năng thắng số", kết quả tốt đẹp chỉ đến sau quá trình sống tốt, lao động chăm chỉ mà thôi.

Những thành quả mà cô vừa kể đâu phải của một năm qua.

Bộ Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ được chia theo thể loại làm 7 bộ, đang in đến bộ thứ 4 là thành quả của mấy mươi năm sưu tầm điền dã, duyên may được quỹ Hoa Sen tài trợ nên tôi bỏ thêm 3 năm để biên soạn lại, mong góp phần bảo tồn văn hóa miền Nam đã nở muôn màu muôn vẻ trên sông nước, kênh rạch, ruộng đồng.

Thư viện số Nguyễn An Ninh có tôi tham gia từ ngày đầu, và chính tôi nêu ý tưởng thực hiện thư viện số khi nghĩ đến văn học dân gian miền Nam.

Nếu ở trên sách, văn học chỉ là ngôn từ, chỉ có thể tiếp cận theo kiểu học ngữ văn, người đọc khó mường tượng được văn học trong đời sống của nó: môi trường sông nước, không khí lao động, hình thức diễn xướng, nghi lễ, trò chơi...

Kỹ thuật số sẽ giúp chúng ta làm điều này. Một thư viện số không chỉ có sách bản mềm để tra cứu, lật giở mọi nơi mà còn có ghi âm, video clip, phim tài liệu, phim truyện... để lưu trữ văn học, văn hóa trong đời sống thật của nó. Tư liệu khi ấy sẽ là tư liệu sống.

Năm mới nếu có được ước mơ, tôi mong đợi các trường đại học, ngành văn hóa địa phương sẽ giúp chúng tôi thành lập những "đội đặc nhiệm văn hóa" theo sở thích, sở trường các thành viên. Họ sẽ đi điền dã, tìm kiếm, phỏng vấn, ghi nhận với các nghệ nhân dân gian bằng phim ảnh, video, podcast, talkshow...

Đây gọi là thực hiện văn hóa học, nhân học bằng hình ảnh. Chúng ta sẽ ghi lại được lịch sử văn hóa cộng đồng ngay trong đời sống địa phương, làm được những nghiên cứu liên ngành văn học - văn hóa - lịch sử - xã hội học - kinh tế học - dân tộc học - nhân học...

Cuộc sống đang thay đổi rất nhanh, rất nhiều vốn quý trong dân gian đang mai một, cần được lưu giữ lại trong thư viện số đồng thời với việc tìm phương cách duy trì, bảo tồn trong đời sống.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

* Ý kiến của ông rất thú vị. Hiện tại nếu theo dõi trên mạng xã hội, sẽ thấy có nhiều người đã tình nguyện làm việc này rồi, họ cũng đi khắp nơi, làm các clip về các món ăn, về đờn ca tài tử, nghi lễ cưới hỏi, phong tục...

- Có, tôi thường xuyên xem YouTube, mắt không nhìn rõ mà nghe thôi cũng rất thú vị, nhưng họ làm tự phát, phân tán và khai thác chất liệu một cách tự nhiên, chưa có phương pháp khoa học.

Để các clip đa phương tiện trở thành tư liệu lưu trữ trong thư viện, cần đào tạo, tập huấn với các tình nguyện viên có đam mê, tổ chức thực hiện thật nghiêm túc, có chuyên gia thẩm định và phân tích, đánh giá theo chủ đề, các buổi thẩm định này cũng sẽ thành tư liệu...

Như vậy, qua thời gian chúng ta sẽ có được hệ sinh thái thư viện phong phú, sống động, hấp dẫn. Thư viện như vậy gọi là thư viện sinh thể, có sức sống để tồn tại và phát triển trong thời đại số.

Tất nhiên để làm được điều đó cần nhu cầu cao về nguồn lực, đòi hỏi cao về nhân lực và năng lực quản trị.

Ở vị trí của mình, tôi chỉ có thể tình nguyện đóng góp những gì tôi có: sách, các băng ghi âm, video clip, phim tài liệu tích lũy những năm điền dã, cộng tác với Hãng Phim truyền hình TP.HCM, Hãng phim Trẻ, Hãng phim Phương Nam đang dần được đóng góp cho thư viện, tùy theo thỏa thuận bản quyền với các hãng phim và nhà xuất bản.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

Để văn hóa cuốn đi...

* "Đóng góp những gì tôi có" mấy chữ giản dị như vậy không biết giới trẻ phải mất bao lâu để học được một phần. Nhân ngày xuân này, ông có thể kể cho độc giả nghe thêm về câu chuyện mà ông gọi là "ly kỳ" trong quá trình biên soạn Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ?

- Chuyện đó không giản dị, mà là "ly kỳ" thật. Bao nhiêu năm điền dã, ghi chép, sưu tầm rồi về nghiên cứu, viết sách, tư liệu tôi cứ xếp chồng vào tủ, vào thùng, vào hộp... rồi quên đi.

Mấy năm trước quỹ Hoa Sen đặt vấn đề tài trợ cho tôi làm bộ Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ, mừng lắm, tôi lục kho tư liệu ra, ngồi làm đề cương xem phải có bao nhiêu phần, bao nhiêu chủ đề, chất liệu nào đã có sẵn, những gì cần sưu tầm thêm...

Đề cương xong, chọn thể vè làm bộ thứ nhất, làm được một nửa bỗng mắt tôi phát bệnh trọng, không nhìn thấy gì nữa. Bụng bảo dạ: "Thôi rồi, định làm công trình để đời mà trời không cho".

Tôi gom góp trả lại số tiền đã được ứng trước, nhưng mấy cô bên quỹ bảo: "Chúng tôi cần sách, không nhận lại tiền. Ông cứ giữ chữa mắt đi, khi nào làm lại được thì làm".

Mỗi tháng đi chích một mũi vào đáy mắt, đau thấu trời xanh mà vẫn chưa thể nhìn thấy lại. Vợ thấy tôi buồn, bèn bảo: "Tôi sẽ làm con mắt cho ông". Vậy là chúng tôi cùng nghĩ, cùng sáng tạo ra một cách làm mới.

Sắm cái bảng, mớ giấy lịch, bút lông để tôi viết ra những chữ to bằng nửa bàn tay, bà đánh máy lại, đọc đi đọc lại cho tôi sửa miệng để hình thành những bài tiểu luận cho mỗi chủ đề.

Tài liệu sưu tập, bà tìm ra rồi đọc lên cho tôi nghe rồi sắp xếp vào từng khay theo thể loại, theo mục. Rồi cộng tác viên của chúng tôi giúp sưu tầm những nguồn mới...

Làm mệt, hai vợ chồng phủi tay xuống bếp nấu cơm; ăn cơm xong, nghỉ ngơi rồi lại lên làm tiếp. Cứ vậy suốt mấy năm...

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

* Như vậy mà 7 bộ sách mỗi bộ ngàn trang của tổng tập đã hình thành, nay nhà xuất bản đã in đến bộ thứ tư, như có sự sắp đặt sẵn ở đâu đó rằng công trình để đời này sẽ phải là công trình chồng - vợ. Nhưng ông kể vắn tắt như vậy cũng rất giản dị cho một quá trình rất nhọc nhằn...

- Nhọc nhằn chứ, cực chứ, nhất là khi tuổi đã 70 và bệnh mang trong người, mắt lòa hẳn, nhưng được làm việc mà mình đam mê thì cực nhọc bỗng thành không đáng kể nữa. Tôi còn kể vài câu, còn vợ tôi tuyệt đối không nói một lời nào về việc này với bất kỳ ai.

Bà coi đó là việc đương nhiên phải làm, nài nỉ lắm mới chịu cùng đứng tên tác giả bộ sách. Con gái tôi (nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình) dành bao nhiêu ngày tháng đi khắp lộ hẻm miền Tây sưu tầm tranh kính rồi nghiên cứu tranh tường của người Khmer.

Ngày công trình của con hoàn thành, tôi còn tự hào hơn cả công trình của mình nữa.

Đam mê văn hóa là một thứ đam mê lạ lùng, cuốn đi không ngừng nghỉ, càng tìm ra nhiều càng thấy thiếu. Thời trai trẻ làm nghiên cứu viên ở Phân viện Văn hóa nghệ thuật, tôi chẳng mấy khi ở cơ quan.

Cái túi xách một ngăn chứa sổ tay, giấy bút, máy ghi âm, giấy giới thiệu, chứng minh thư; ngăn còn lại có hai bộ quần áo với một tấm đắp, mấy gói trà... vậy thôi là tôi đạp xe đi.

Củ Chi, Lái Thiêu, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giuộc, Long An, có lúc đưa xe đạp lên xe đò, đến bến lại xuống đạp, tới tận Cái Nước (Cà Mau), Giồng Riềng (Kiên Giang)... chẳng chừa chỗ nào.

Tìm đến mấy ông bà già, pha ấm trà, xin chung rượu, nói chuyện tào lao, cố tìm điểm mạnh, tìm "thời hoàng kim" của họ mà nói vô, đến khi người ta chịu mình rồi, rút ruột mà kể chuyện rồi chỉ còn việc lắng nghe. Hò, vè, thơ, ca dao, tục ngữ... tôi đã ghi lại được từ những cuộc như vậy.

Lúc chưa có băng ghi âm, tôi chép, rồi hò theo, hát theo cho đến khi thuộc âm điệu, về nhà nhờ nhạc sĩ ghi lại ký âm.

Tôi nhờ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dạy, học cả nhạc, kịch, múa, sáng tác... để đi đến đâu là hòa mình vào được đến đấy, để được người ta thương mà cho ghi chép văn học dân gian. Hết tiền thì về, viết bài nghiên cứu, viết báo, nhận được nhuận bút, chút công tác phí là lại đi.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

AI cũng sẽ chào thua

* Câu chuyện nào trong đó là đáng nhớ nhất với ông?

- Nhớ mãi mãi là một ngày tháng 9-1980 tôi đến Giá Rai, Bạc Liêu và được một anh cán bộ thông tin văn hóa cho biết ở đây còn một người cháu ngoại của ông Mười Chức, nhân vật chính trong cuộc nổi dậy đồng Nọc Nạn năm 1928.

Mừng hơn bắt được vàng, tôi đòi phải đi ngay dù được cho biết nhà ông Tư Đang ở sâu trong đồng. Đạp xe rồi lội ruộng cả chục cây số, anh cán bộ giới thiệu xong rồi về, mình tôi ở lại. Trình bày hết lẽ, ông Tư Đang chẳng nói năng, chỉ lấy ra chai rượu, tôi săm sắn nhóm lò nướng mấy con khô.

Cuộc rượu tới khuya, ruộng đồng tối mịt mùng chẳng lé loi ánh điện, cả tôi lẫn chủ nhà đều lăn ra ngủ mệt. Mờ sáng hôm sau ông Tư Đang dậy sớm nấu cơm, nắm mang đi ruộng. Tôi thức rồi mà chẳng dám nói, bụng nghĩ kỳ này công cốc, về không.

Nào ngờ, ông vuốt thẳng bộ quần áo, rót chén nước trà, châm mấy nén nhang cắm lên bàn thờ khấn vái rồi rút xuống một ống tre.

Ông cẩn trọng mở ra, rút cuộn giấy bên trong đưa cho tôi: "Ngồi đó chép đi, qua mần ruộng về sẽ lấy lại".

Ông vác cuốc ra đồng, tôi lôi giấy bút ngồi chép đến đổ mồ hôi, bụng đói réo sôi. Bài vè Mười Chức hơn 800 câu kể tường tận vụ án đồng Nọc Nạn như một bản án với thực dân Pháp, như bài báo xuất bản miệng trong dân gian từ những năm 1930 đã được sưu tầm như vậy.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

Dân ca Nam Bộ được hiện đại hóa, song hành cùng các thể loại khác trong những đêm hòa nhạc của giới trẻ - Ảnh: T.T.D.

* Thật là thú vị, và có lẽ ông thường gặp may mắn như thế...

- Tôi là một người tò mò, luôn ham muốn tìm hiểu, học hỏi, say mê mọi thứ liên quan đến văn hóa, và tôi luôn ý thức phải khai thác kho tàng văn hóa dân gian thật bài bản, khoa học.

Đi điền dã, sưu tầm, nghe qua có vẻ như lang thang ta bà nhưng thật ra trước khi đi tôi đã làm những cuộc tiền nghiên cứu từ địa lý đến lịch sử, chọn địa điểm chắc chắn "sẽ có chuyện" để đi, và chính sự chuẩn bị tư liệu, kiến thức nền đó sẽ cho mình chuyện để nói, để khơi gợi, tìm ra ngọc vàng khuất lấp.

Sưu tầm được rồi, mang về phải nghiên cứu lại lần nữa, đối chiếu với tư liệu, chú giải, đánh giá... May mắn trong công việc là có, nhưng phải chuẩn bị mới đón được và tận dụng được may mắn.

Như khi ghi lại một câu hò cấy lúa, phải thăm hỏi xem lúa nơi này thời đó cấy mấy vụ một năm, cấy - gặt lúc nào, thời tiết, địa hình ra sao, bối cảnh lịch sử, xã hội, đời sống nông dân thời bấy giờ...

Thấu rõ những vòng tròn đồng tâm đó rồi, cái tâm ở giữa là câu hò mới hiện lên đầy đủ ý nghĩa, giá trị của nó. Tôi gọi đây là cách "tiếp cận xuyên thấu" để hiểu văn học trong bối cảnh thực, không được lấy cái mình đã biết hay tự nghĩ ra để áp đặt vào.

* Vâng, và đó là những việc mà sẽ không bao giờ có ứng dụng công nghệ hay trí tuệ nhân tạo nào thay thế được...

- Có lẽ vậy, nhưng tôi không cho phép mình lạc hậu, không cho mình thỏa mãn trong tri thức. Tôi đọc tất cả các thể loại báo chí, sách vở, cả Mực Tím, Hoa Học Trò để biết thế giới đang vận động ra sao, giới trẻ đang tiến bộ thế nào.

Nay mắt không đọc nhiều được nữa, tôi nghe YouTube. Học thường xuyên, tư tưởng sẽ luôn mới, những gì viết ra, làm ra sẽ có giá trị, hay ít ra sẽ không gây hại cho xã hội.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết (nguyên phó giám đốc, phó tổng biên tập Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ):

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là một người rất tâm huyết với việc tìm hiểu, sưu tập và khảo cứu về văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng.

Ông có hàng trăm chuyến đi điền dã theo yêu cầu công việc lúc chưa nghỉ hưu, sau này tự mình rong ruổi đến các thôn xã, các tỉnh thành Nam Bộ, gặp gỡ trò chuyện với rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề.

Từ những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ mà riêng ký ức về nó đã có thể viết nên một quyển sách rất thú vị, ông có cả một kho tư liệu quý về văn hóa dân gian Nam Bộ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng: Tìm vàng trong đất, làm giàu cho đời- Ảnh 10.

Một phần kho tư liệu ấy được ông sắp xếp, luận giải và công bố trong bộ Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ.

Bộ sách góp phần làm phong phú kho tàng văn học dân gian của dân tộc. Bộ sách cũng sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về các khía cạnh lịch sử văn hóa - xã hội, về đất và người Nam Bộ qua nhiều thời kỳ.

Huỳnh Ngọc Trảng là tác giả rất cẩn trọng trong công việc. Văn phong giản dị, nhưng ông rất kỹ lưỡng cân nhắc khi lựa chọn từ ngữ.

Làm việc với ông rất thú vị, chúng tôi luôn học được, nghe được những điều hay, điều lạ bên ngoài trang bản thảo.

Từ câu chuyện của ông, chúng tôi thường bật ra một đề tài mới. Hàng chục cuốn sách về văn hóa đã liên tục ra đời như vậy...

Tết Thanh minh vào đầu năm do chịu ảnh hưởng từ Trung QuốcTết Thanh minh vào đầu năm do chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc

TTO - Tết Thanh minh có lẽ là lễ lớn sau Tết Nguyên đán, dù không được xếp lịch nghỉ lễ nhưng đây vẫn được coi là dịp quan trọng để hội ngộ gia đình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên