Tiếp viên tại nhà hàng Triều Tiên ở TP. HCM chơi đàn trong một buổi biểu diễn mỗi đêm một lần. Nhà hàng Triều Tiên vẫn sử dụng chiếc TV nhỏ, mở nhạc "karaoke" để biểu diễn - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Mỹ và các đồng minh lâu nay đã áp lệnh trừng phạt nặng nề lên Triều Tiên, và mọi thứ sẽ càng tồi tệ hơn nếu yết hầu kinh tế của Bình Nhưỡng bị bóp mỗi lúc một chặt.
Hết hạn thị thực
Trong một nền kinh tế bị phong tỏa, người Triều Tiên trước giờ vẫn có cách kiếm tiền, đóng góp vào ngân sách nhà nước: lao động ở nước ngoài.
ABC News ngày 23-3 (giờ Mỹ) dẫn số liệu thống kê ước tính có 100.000 người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài. Số lượng này bao gồm kinh doanh nhà hàng, khai thác mỏ, công nghệ thông tin, lâm nghiệp và sản xuất.
Nhóm lao động này được cho luôn gửi phần lớn tiền lương - tổng cộng khoảng 1,2-2,3 tỉ USD về nước mỗi năm, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS).
Và với các gói trừng phạt mới, năm 2019 sẽ là lúc ngành kinh doanh nhà hàng chịu tác động nặng nề.
Hiện nay, khảo sát không chính thức cho thấy Triều Tiên có khoảng 130 nhà hàng có liên hệ với chính phủ trải dài khắp châu Á, Nga và một số nơi khác.
Tại Việt Nam, Triều Tiên cũng có một số nhà hàng, nhưng đã đóng cửa chi nhánh TP.HCM vào năm 2017. Hiện ở Hà Nội vẫn còn một chi nhánh.
Năm 2017, lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cấm các nước không được cấp thị thực lao động cho người Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa các lao động Triều Tiên ở nước ngoài bắt đầu phải chuẩn bị cho ngày hồi hương khi thị thực hết hạn năm 2019 này.
Tuần trước, Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin chính quyền Trung Quốc đã siết chặt thị thực đối với người Triều Tiên.
Bên trong nhà hàng Triều Tiên có gì?
Ông Benjamin Habib, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe, nói thêm rằng hệ thống các nhà hàng Triều Tiên nằm trong số những hoạt động minh bạch nhất của Triều Tiên ở nước ngoài.
Nhưng đáng lưu ý là ngành này chỉ như bề nổi trong tảng băng chìm của nền kinh tế phi chính thức Triều Tiên.
"Khả năng cung ứng ngoại tệ cho chính quyền của nhánh nhà hàng là rất nhỏ. Nhà hàng tư nhân có thể cung cấp từ 30.000-300.000 USD mỗi năm", ông Habib nói.
Dù lớn hay nhỏ, vẫn có thể nói rằng với một đất nước bí ẩn trên truyền thông như Triều Tiên, việc các nhà hàng nước này vắng bóng - nếu đúng như vậy, sẽ là một điều đáng tiếc.
Đơn giản vì với những ai từng bước chân vào nhà hàng Triều Tiên, họ sẽ khó quên phong cách đặc trưng tại đây.
Những món ăn có phần na ná văn hóa ẩm thực Hàn Quốc do có cùng nguồn gốc, dù vậy vẫn có một số loại cá và cách chế biến tạo ra nét khác biệt.
Món cá được quảng cáo "chỉ có ở Bình Nhưỡng" phục vụ tại nhà hàng Triều Tiên. Nguyên liệu còn lại thì sử dụng tại Việt Nam - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Món canh sườn bò có mùi vị đặc biệt của nhà hàng Triều Tiên - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Điểm đặc trưng nữa là các nhân viên Triều Tiên - hầu như toàn nữ, ai cũng sở hữu khả năng ca múa, chơi được nhiều nhạc cụ.
Ở TP.HCM, nhà hàng Triều Tiên cũng giữ phong cách đặc trưng phục vụ nhạc "sống" từ khoảng 7h-8h tối mỗi ngày.
Ngoài các ca khúc truyền thống, ca sĩ kiêm bồi bàn Triều Tiên cũng rất chịu khó học tiếng địa phương để hát nhạc địa phương.
Đàn organ, đàn ghita điện, hát, múa..., hầu như bất kỳ nhân viên nào tại nhà hàng Triều Tiên đều thông thạo các món này. Họ thường biểu diễn xong một ca khúc, sau đó đổi vai trò cho nhau - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Màn độc tấu ấn tượng và là "show chính" của buổi diễn - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Trong một lần trải nghiệm tại nhà hàng Triều Tiên, phóng viên Tuổi Trẻ Online được biết phục vụ bàn và nhân viên nơi này đều là sinh viên tốt nghiệp ngành nhà hàng - khách sạn.
Họ được đào tạo bài bản, sau đó phân phối về các chi nhánh nhà hàng Triều Tiên để vừa làm vừa rèn luyện, sau đó có thể xoay tua đến các địa điểm khác.
ABC News trong khi đó cho biết các nhân viên nhà hàng này trên thực tế thường là những người xuất thân từ các gia đình có uy tín trong giới trí thức Triều Tiên, và công việc phục vụ nhà hàng được xem là vinh hạnh ở Bình Nhưỡng.
Justin Hastings, chuyên gia ở Đại học Sydney, nói rằng điều kiện làm việc tại các nhà hàng này tốt hơn rất nhiều so với các nghề khác.
"Họ được trả lương cao (thậm chí so với tiêu chuẩn địa phương), và sau cùng chừng 80% lương gửi ngược về Triều Tiên", ông Hastings nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận