Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Phúc - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam - tại Hội thảo về quản lý tốt hơn các bệnh mạn tính ở Việt Nam, ngày 22-1.
Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gặp nhiều thách thức
Theo ông Phúc, năm 2023, trong tổng số gần 175 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả nước, có trên 22,8 triệu lượt liên quan tới tăng huyết áp, tiêu tốn hơn 6.000 tỉ đồng. Tiếp sau là đái tháo đường, ung thư…
Trước đó, năm 2022, trên 4,6 triệu người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến tăng huyết áp. Đến năm 2023, con số này tăng lên gần 5 triệu người. Trong đó 97% là tăng huyết áp vô căn. Với đái tháo đường, năm 2022 khoảng 2,5 triệu người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tăng lên hơn 2,7 triệu người năm 2023.
Cơ quan bảo hiểm y tế ghi nhận năm 2023, số nam giới khám chữa bệnh ung thư phế quản, phổi trên 46.000 người, tiếp sau các loại ung thư gan/đường mật trong gan, đại tràng, dạ dày… Trong khi đó, phụ nữ chủ yếu khám chữa bệnh ung thư vú (khoảng 87.000 người), tiếp sau là ung thư phế quản/phổi, đại tràng…
Đặc biệt, ông Phúc nói số người khám chữa bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do rượu từ 50-59 tuổi chiếm tới 66%, trong đó 98% là nam giới.
Ông Lê Văn Phúc đánh giá hệ thống bảo hiểm y tế sẽ gặp nhiều thách thức về cân đối quỹ khi dân số già hóa, số người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường gia tăng, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về bệnh không lây nhiễm.
Bên cạnh đó, còn người bệnh nhập viện dù chưa cần thiết để tăng chi bảo hiểm y tế. Mức đóng bảo hiểm y tế rất thấp, chỉ khoảng 4,5% mức lương cơ sở và thu nhập (khoảng 60 USD).
"Chi bảo hiểm y tế chưa thực sự hiệu quả. Chi từ tiền túi còn cao, theo báo cáo của World Bank thì chi tiền túi ở Việt Nam còn trên 40%", ông bày tỏ.
"Người Việt đang Âu hóa bữa ăn"
Theo bác sĩ Eric Baseilhac - giám đốc quản lý kinh tế, tiếp cận và xuất khẩu Hiệp hội Dược phẩm Pháp, bệnh mạn tính ảnh hưởng đến 35% bệnh nhân được Bảo hiểm xã hội Pháp chi trả (ước khoảng 25 triệu người). Bệnh tim mạch chiếm gần 50%. Nguyên nhân do lão hóa, tiếp xúc nhiều nguy cơ không tốt với sức khỏe...
Bác sĩ Eric Baseilhac đánh giá trong bữa ăn người Việt có tỉ lệ chất béo nhiều hơn, tiêu thụ muối tới 20 gam/ngày (Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị không quá 5 gam/ngày) trong khi ăn ít rau. Đó là biểu hiện cho xu hướng Âu hóa bữa ăn của người Việt.
Nhiều người Việt ít vận động, kể cả đi bộ, trong khi tỉ lệ sử dụng rượu bia, thuốc lá lại cao, ô nhiễm không khí từ quá trình công nghiệp hóa gia tăng. Từ đó, nhiều bệnh nhân tử vong do mắc ung thư phổi, đột quỵ, Alzheimer, tiểu đường, xơ gan...
Bác sĩ Eric Baseilhac chia sẻ mô hình phòng ngừa tiểu đường ở Pháp: các dược sĩ ở nhà thuốc mời bệnh nhân từ 45 - 50 tuổi đo vòng eo, khai báo tiền sử bệnh, tỉ trọng ăn hoa quả, thậm chí là lấy mẫu đường huyết. Đó là những việc đơn giản, dễ khảo sát làm căn cứ cho bác sĩ xem xét, đánh giá và tư vấn, kê đơn hiệu quả.
Ngoài ra, Pháp còn kêu gọi chuyên gia y tế, nhân viên xã hội, y tá tự nguyện tham gia Cộng đồng chuyên gia y tế địa phương. Sau 7 năm triển khai, nước này có gần 800 tổ chức ở cơ sở để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân, phòng ngừa bệnh tật...
Kết thúc bài chia sẻ, ông Eric Baseilhac nói thêm suy tim là bệnh thường gặp, nghiêm trọng, tốn kém chi phí do 50% bệnh nhân phải tái nhập viện và 1/3 số người mắc tử vong. Do đó, ứng dụng thông minh về tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến trở thành "cánh tay" hỗ trợ đắc lực. Ứng dụng này chuyển số liệu nhịp tim, cân nặng... cho bác sĩ kịp thời, kéo theo số tử vong giảm 20%, tỉ lệ tái nhập viện giảm 37%.
Tuy vậy, điều đáng buồn là có rất nhiều người không tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, ví dụ một khảo sát nêu chỉ khoảng 50% người dân ở các nước thu nhập cao chữa bệnh lâu dài do đánh giá thấp hậu quả của bệnh, niềm tin vào thuốc chưa cao, lối sống không lành mạnh...
Do đó, bác sĩ Eric Baseilhac cho rằng cần nói cho bệnh nhân hiểu rõ nếu không chữa trị lâu dài thì số tiền mua thuốc, chữa bệnh rất cao. Đồng thời, người bệnh cần được hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ điều trị thường xuyên.
Tại hội thảo, đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nêu rõ bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường là chủ đề quan tâm toàn thế giới, đặt ra nhiều thách thức. Pháp sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu dược phẩm, phòng ngừa và chẩn đoán sớm bệnh mạn tính.
"Trong đào tạo, có hơn 3.000 bác sĩ Việt Nam được đào tạo qua các chương trình của Pháp", đại sứ Olivier Brochet nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận