Ai cũng mong muốn vấn đề này được cải thiện, nhưng thực tế việc khám bệnh theo bảo hiểm y tế (BHYT) rất khó để hài lòng, tại sao?
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến lãnh đạo bệnh viện, cơ quan BHXH TP.HCM, người bệnh...
- Bạn đọc tên Lan:
Lấy số thứ tự đến 4 lần
Tôi đi khám bệnh theo BHYT định kỳ tại một bệnh viện hạng 1, trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Mỗi lần đi khám, tôi ra khỏi nhà lúc 5h30 và đến bệnh viện khoảng 6h, nhưng đến 11h - 11h30 mới về tới nhà.
Thủ tục khám BHYT tại bệnh viện quá rườm rà: bắt đầu lấy số thứ tự, đến xếp hàng đợi số thứ tự của phòng khám, lên phòng khám chờ, bác sĩ khám 3-7 phút. Sau đó lấy toa thuốc rồi xuống quầy tính tiền nộp đơn thuốc, ngồi chờ gọi tên trả tiền hay không trả tiền; tiếp tục lấy số thứ tự, nộp đơn thuốc vào quầy, ngồi chờ tới số thứ tự/chờ gọi nhận thuốc rồi về.
Như vậy phải mất 4 lần lấy số thứ tự và chạy lên chạy xuống lầu nhiều lần.
Với quy trình khám BHYT như vậy, người già hoặc người tàn tật, bệnh nặng rất vất vả. Không chỉ vậy, có lúc bị nhân viên y tế la mắng. Chúng tôi bệnh tật, mỏi mệt, khó khăn mới khám BHYT mà phải chờ đợi mòn mỏi, chịu đựng như vậy, kêu trời không thấu.
- Ông Nguyễn Thành Tâm (giám đốc Bệnh viện quận 1, TP.HCM):
Ứng dụng công nghệ
Mỗi ngày Bệnh viện quận 1 tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh nhân khám BHYT, trong đó chủ yếu là người cao tuổi, mắc bệnh mãn tính. Bệnh viện luôn luôn cải tiến chất lượng quy trình khám bệnh BHYT từ khâu đăng ký khám đến khám bệnh, khám cận lâm sàng, trả kết quả, phát thuốc..., để ngày càng rút ngắn tổng thời gian khám bệnh BHYT.
Theo kết quả khảo sát của bệnh viện, tổng thời gian trung bình một bệnh nhân đến khám BHYT mất khoảng 60 phút, nếu có khám cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm, đo điện tim...) thì kéo dài khoảng 120 phút. So với thời gian trước, quy trình hiện nay đã giảm thời gian chờ đợi khoảng 30 - 60 phút.
Để có kết quả này, bệnh viện đã tập trung nguồn lực, phân công thêm nhân lực để đón bệnh nhân khám BHYT trước 7h vì đây là khoảng thời gian bệnh nhân đến nhiều nhất trong ngày. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình khám chữa bệnh, từ khâu làm thủ tục đăng ký khám đến đóng tiền đồng chi trả... Tuy nhiên, bệnh nhân tại bệnh viện chủ yếu là người cao tuổi nên lúc đầu bệnh viện gặp nhiều khó khăn.
Lúc này bệnh viện đã tăng cường nhân sự để hỗ trợ, hướng dẫn bệnh nhân trước khi họ dần quen quy trình của bệnh viện (cách 28 ngày, bệnh nhân sẽ tái khám, nhận thuốc mới).
Ngoài ra, bệnh viện luôn có các ki ốt khảo sát, ghi nhận sự hài lòng của người bệnh. Bất kỳ ý kiến không hài lòng của bệnh nhân, bệnh viện đều ghi nhận, tiếp thu và khắc phục kịp thời.
- Đại diện Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM):
Cải tiến quy trình để rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân
Là bệnh viện hạng 1, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh nhân đến khám và nhận thuốc BHYT. Bệnh viện cũng nhận các ý kiến phản hồi không hài lòng khi khám, nhận thuốc BHYT tại bệnh viện, trong đó nhiều nhất là phải di chuyển nhiều.
Đây là điều khó khăn của bệnh viện, nhưng khó có thể thay đổi được do bố trí địa lý, cơ sở vật chất hiện hữu từ lâu như vậy.
Bệnh viện đã cố gắng khắc phục bằng cách tập trung vào việc cải tiến quy trình, áp dụng công nghệ thông tin... để rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân khám BHYT tại bệnh viện.
- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):
Điều chỉnh lại quy trình khám bệnh
Đến nay không chỉ khám BHYT mà khám bệnh bình thường vẫn còn tình trạng người bệnh phải chờ đợi vì số lượng bệnh nhân đến khám quá đông so với năng lực tiếp nhận và giải quyết của bệnh viện.
Việc bệnh nhân mất nhiều thời gian đi khám chữa bệnh còn phụ thuộc vào thời gian chờ kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, nội soi... Khi có những kết quả xét nghiệm, siêu âm..., bác sĩ mới chỉ định thuốc cho bệnh nhân.
Điều này nằm trong quy trình chuẩn chuyên môn, không thể nào rút ngắn hay "đốt cháy" giai đoạn được.
Như khi người bệnh xét nghiệm máu cần một khoảng thời gian nhất định để máy chạy và cho kết quả. Hay khi siêu âm phải mất 10-20 phút. Nếu rút ngắn thời gian này, không những kết quả không chuẩn xác mà bệnh nhân cũng phàn nàn.
Ở nước ngoài, quy trình khám bệnh BHYT hay khám chữa bệnh thông thường cũng giống như nước ta, người bệnh cũng phải chờ đợi.
Theo tôi, việc rút ngắn thời gian khám bệnh cho bệnh nhân các cơ sở y tế cần rà soát và điều chỉnh quy trình khám bệnh thuận lợi cho bệnh nhân và tăng cường cải cách thủ tục hành chính, trong đó đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện bệnh án điện tử như: trang bị đầu đọc tần số cao để đọc căn cước công nhân gắn chip hoặc thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, hoặc quét mã QR trên thẻ BHYT giấy.
Trong việc tiếp nhận đăng ký khám cần áp dụng thanh toán không bằng tiền mặt hoặc sử dụng mã QR trong thanh toán viện phí; liên thông các phần mềm quản lý trong bệnh viện như phần mềm thống kê viện phí, phần mềm quản lý xét nghiệm, phần mềm quản lý cấp thuốc... Mở thêm các quầy phát thuốc, quầy thu viện phí để tránh chờ đợi.
Ngoài ra ngành y tế cũng đang triển khai đề án nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, trong đó đưa các bệnh mãn tính không lây về tuyến y tế cơ sở (các trạm y tế phường, xã) sẽ góp phần giảm tải y tế tuyến trên cũng như giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
93,3 triệu người Việt tham gia BHYT
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia BHYT đạt trên 93,3 triệu người, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, trên 93% dân số được bảo vệ sức khỏe từ BHYT, vượt 0,15% so với nghị quyết 01 của Chính phủ.
Ngoài ra tỉ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 39%, khoảng 18 triệu người. Trong đó số tham gia tự nguyện gần 1,83 triệu người.
Bộ Y tế vừa đưa dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT. Nhiều người mong thông tư sẽ sớm được thông qua để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Đặc biệt cần làm sao để người bệnh tham gia BHYT khi mua thuốc bên ngoài phải đảm bảo chất lượng, cùng giá như trong bệnh viện và thủ tục hoàn trả tại cơ quan bảo hiểm xã hội nhanh chóng, đơn giản.
Ngán ngẩm khi nhắc tới khám BHYT
* Dù có thẻ BHYT vì bắt buộc phải mua khi đi làm nhưng bạn đọc Trung Kim cho biết ít khi dùng tới. Mỗi lần đi khám bệnh là cả một nỗi ám ảnh quá sợ. Đang bệnh mà ngồi chờ đợi cả ngày còn bệnh thêm để lấy được vài viên thuốc rẻ tiền, nên mỗi lần bệnh là ra hiệu thuốc mua 5 ngày thuốc uống cho nhanh.
* Bạn đọc Thành Công cho rằng mỗi khi nhắc tới khám BHYT định kỳ là bệnh nhân như anh quá ngán ngẩm. Là bệnh nhân ngoại trú, cứ hằng tháng 28 ngày hoặc 21 ngày đi tái khám là phải ngồi chờ đợi, nhất là khâu chờ làm thủ tục đăng ký khám và khâu chờ kêu tên vào khám là vô cùng bức xúc, chán nản.
Ở bất kỳ bệnh viện công nào cũng vậy. Đây là chuyện thường ngày ở huyện đã tồn tại từ lâu. Không biết có phép màu nào để cải thiện tình hình?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận