Đây là kết quả cuộc khảo sát do Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters thực hiện tháng 7-2023 và vừa công bố. Đáng chú ý tỉ lệ này cao hơn với ba quốc gia khác cùng khu vực cũng được khảo sát lần này là Indonesia, Philippines và Singapore với tỉ lệ lao động muốn hồi hương lần lượt là 60%, 62% và 58%.
Kinh tế ổn định và khởi sắc
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, sự phát triển ổn định với nhiều lĩnh vực khá nổi bật trong nước giúp củng cố quyết định muốn trở về của một bộ phận người Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Theo Robert Walters, trong số những người khảo sát cho rằng yếu tố kinh tế tác động tích cực đến họ, có đến 66% nói họ tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là lý do quan trọng hàng đầu khiến họ lựa chọn quay về.
Thêm vào đó, các chính sách được chính phủ ban hành gần đây khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động kinh doanh cũng là một động lực cho việc trở về. Những chính sách này góp phần tạo môi trường kinh tế sôi động và cạnh tranh, mở ra cơ hội cho người Việt ở nước ngoài muốn khẳng định bản thân và góp phần phát triển quê hương.
Ngoài ra, tỉ lệ giữa mức lương và chi phí sinh hoạt tại Việt Nam cũng là yếu tố hấp dẫn đối với 44% người tham gia khảo sát. Nhiều ý kiến trả lời khảo sát cho rằng trở về có thể sẽ giúp họ có cuộc sống thoải mái và chất lượng hơn.
Chị Loan (35 tuổi), một lao động tự do tại Kuala Lumpur (Malaysia), cho biết đang "chạy đua nước rút" để hoàn tất kế hoạch hồi hương vào cuối năm 2024. Dù trở về quê hương song chị Loan nói cũng cần thận trọng, chuẩn bị đầy đủ (tiền tích lũy, tiếng Anh, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc).
"Theo dõi báo đài nhiều thấy kinh tế trong nước những năm qua khởi sắc. Mình qua đây dù gì cũng là dân nhập cư, khá áp lực, lương cao nhưng phí sinh hoạt cũng đắt đỏ nên cũng phải tằn tiện lắm", chị Loan nói.
Văn hóa gần gũi, gia đình gắn kết
Kết quả cùng khảo sát này còn cho thấy các yếu tố khác khiến mong muốn quay về của người lao động Việt Nam ở nước ngoài tăng cao. 62% nói sự gắn kết cảm xúc, xã hội và văn hóa quê nhà thôi thúc họ trở về (tăng 13% so với lần khảo sát vào năm 2021). Ngoài ra, 40% người tham gia cho biết muốn về nước để tiện chăm sóc và gần gũi gia đình, người thân.
Điều này cho thấy quyết định "về hay ở" không chỉ là cơ hội nghề nghiệp, thu nhập mà người lao động đề cao giá trị gia đình và quê quán. Anh Trọng Hoàng - kỹ sư phần mềm tại Singapore - nói dịch COVID-19 giúp anh nhận ra việc được ở cạnh gia đình, người thân còn lớn hơn tất cả.
Xu hướng làm việc từ xa trong dịch bệnh khá thịnh hành, giúp anh có thể làm cùng lúc nhiều công việc, thu nhập tăng dù đang ở bất cứ đâu. "Ba năm nữa, khi tích lũy đủ số tiền mong muốn và học thêm một bằng kỹ sư nữa, tôi sẽ về nước để được ở cạnh gia đình nhưng vẫn làm việc cho các tập đoàn bên này", anh Hoàng nói về kế hoạch của mình.
Kết quả khảo sát này cũng có thể xem là cơ hội thu hút nhân lực cho các đơn vị trong nước ít nhất là năm năm tới. Khảo sát cũng chỉ ra các yếu tố về công việc, mức lương và phúc lợi mà nhóm nhân lực này quan tâm.
Về mức lương, 27% người tham gia khảo sát cho biết họ có thể chấp nhận giảm lương 30% hoặc ít hơn so với mức hiện tại khi trở về. Trong khi đó, 26% cho biết muốn có mức lương phù hợp kinh nghiệm và vai trò của họ cũng như mặt bằng chung của thị trường lao động. Nhưng cũng có 22% trả lời cần phải bằng lương hiện tại sau thuế và 19% muốn cao hơn lương hiện tại.
Khảo sát được thực hiện với người lao động Việt Nam ở nước ngoài từ nhiều ngành nghề khác nhau: công nghệ thông tin, dịch vụ chuyên nghiệp, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, năng lượng và tái tạo, bán lẻ...
Thứ tự ưu tiên theo khảo sát cho thấy khi trở về, người Việt làm việc ở nước ngoài muốn có cơ hội tham gia vào những dự án hấp dẫn, trải nghiệm thực tế và có trách nhiệm cụ thể trong công việc. Họ dành ưu tiên cho các doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, phong cách lãnh đạo tạo điều kiện để nhân tài phát triển, cơ hội thăng tiến rộng mở...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận