11/02/2024 13:24 GMT+7

Nghĩ về hạt gạo Việt Nam năm 2030

Nhiều năm trước, khi hạt gạo Việt còn lận đận về giá, khó về thị trường, èo uột về thương hiệu, chất lượng, nhưng lại thường nằm trong top đầu về sản lượng xuất khẩu, nhiều người trách, nhất làm gì...

Nghĩ về hạt gạo Việt Nam năm 2030- Ảnh 1.

Nay thì gạo Việt vẫn đứng nhất, nhưng nông dân có thể hát vang "bài ca cây lúa" và nhìn về tương lai năm 2030.

Cái nhất ấy được lập lại trong năm 2023 với 8 triệu tấn gạo được bán ra thế giới, đem về gần 4,5 tỉ USD. Nhưng lần đứng nhất này rất khác: gạo Việt có giá cao nhất so với các nước xuất khẩu hàng đầu, người trồng lúa được mùa, được giá, tiền rủng rỉnh. Nhất vậy mới sướng!

Đâu bỗng dưng mà đứng nhất!

Có chứng kiến nông dân Nguyễn Anh Tuấn (52 tuổi, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) vừa làm đất vừa nghêu ngao "tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa và người trồng lúa cho quê hương..." mới cảm hết được cái nhất mà gạo Việt đạt được.

Ông Tuấn nói mình trông từng ngày, chờ nước rút để xuống giống. Làm lúa đã qua 74 vụ, dù siêng năng nhưng vẫn không khấm khá. Có lúc ông muốn bán ruộng. Nhưng cú vươn mình vừa rồi của gạo Việt đã làm ông đổi ý.

"Hơn 37 năm theo nghề trồng lúa, tui mới có được niềm vui trọn vẹn. Vui mà nước mắt muốn trào. À thì ra ngành gạo biết làm nông dân đâu ai bỏ ruộng", ông Tuấn trải lòng.

GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ, gọi năm 2023 là năm thắng lợi của gạo Việt.

Bởi trong nhiều năm, giá gạo Việt Nam không bằng Thái Lan. Nhưng từ năm 2019, tình thế đã khác, thế giới ngày càng mê gạo Việt.

Người có công lớn là kỹ sư Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25. Với danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, thông điệp được gửi đến bạn bè quốc tế: Việt Nam đã có giống lúa chất lượng. "Thái Lan giật mình và cả hoài nghi, vì sao Việt Nam làm được điều kỳ diệu như vậy. Chúng ta có quyền tự hào về điều này", GS Xuân chia sẻ.

Giờ đây gạo Việt đã vượt qua Thái Lan với những giống lúa chất lượng cao có thể trồng ba vụ/năm, năng suất 8 - 10 tấn/vụ, còn gạo ngon nhất của Thái Lan là Khao Dawk Mali trong nhiều thập niên chỉ trồng được một vụ/năm, năng suất khoảng 4 tấn/ha.

"Vị thế mới của gạo Việt là kết quả của một quá trình dài nỗ lực, không phải ăn may, yếu tố khách quan chỉ là một phần", Anh hùng lao động Hồ Quang Cua khẳng định.

Từ 30 năm trước, Việt Nam đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để định hướng chọn tạo những giống lúa mềm cơm. Nỗ lực lai tạo không biết mệt mỏi của nhiều nhà khoa học đã cho quả ngọt, đa số gạo Việt xuất khẩu là loại mềm cơm, rất được ưa chuộng.

Gạo Việt đã chuyển từ vị thế người bán cần sang người mua cần và đã vươn lên trong thương mại toàn cầu. Đó là nền tảng đời sống người trồng lúa Việt được cải thiện.
TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL)
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam trên 7,7 triệu tấn, với giá trị hơn 4,4 tỉ USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam trên 7,7 triệu tấn, với giá trị hơn 4,4 tỉ USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Vào đường đua mới, đích đến 2030

Sau thành công của Việt Nam, Thái Lan đang nỗ lực lai tạo để đưa ra thị trường những giống lúa mềm cơm. Chính phủ Thái Lan đã đầu tư mạnh mẽ cho giống lúa thơm có thể trồng 2 - 3 vụ/năm nhưng chưa có kết quả như mong muốn.

"Cuộc đua rồi đây sẽ rất quyết liệt, chúng ta phải kiên trì đường dài", ông Cua nói. Muốn giữ hạng cho gạo Việt, trước mắt phải duy trì phẩm chất giống và tăng cường kiểm soát chất lượng giống lúa. Về lâu dài phải có chính sách giúp doanh nghiệp phục tráng những giống lúa tên tuổi trước đây để làm giống lúa chủ lực.

"Giống giả, giống kém chất lượng còn xuất hiện, sẽ làm nhóm giống lúa mềm cơm của Việt Nam mất độ thuần, mất ngon, làm suy giảm giá trị hạt gạo Việt... Nói mà buồn, mình không thể cứ đôi ba năm lại thay giống lúa, giữ không bền như Thái Lan", ông Cua nói.

Tại Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2022 ở Phuket - Thái Lan, trả lời báo chí, ông chủ tịch danh dự Hiệp hội Lương thực Thái Lan đã khen cách làm của Việt Nam và trách Chính phủ Thái Lan quá chú trọng chính sách trợ giá cho nông dân mà thiếu quan tâm đầu tư nghiên cứu tuyển chọn ra giống lúa mềm cơm, nên hụt hơi so với Việt Nam.

Kỹ sư Cua kể lại câu chuyện của Thái Lan như là gợi ý về bài học mà gạo Việt không thể bỏ qua để kiên cường trên đường đua mới.

Và cuộc đua ấy càng thêm nhiều thử thách cùng muôn vàn cơ hội. Sự chuyển hướng sản xuất lúa từ lượng sang chất vẫn chưa đủ.

Hiện nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có chiến lược chuyển đổi cơ cấu giống lúa, từng bước tăng dần diện tích lúa chất lượng cao. Nhưng đâu chỉ có thế, đường đua luôn có những khúc quanh mới. Cả thế giới đang nói về biến đổi khí hậu, về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính...

Người trồng lúa phải hòa vào dòng chảy này. Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh hướng đến năm 2030 đang được nhiều tỉnh triển khai. Đó là tương lai của cây lúa, hạt gạo vào năm 2030. Những kỷ lục của năm 2023 chính là cú hích để người trồng lúa bước vào đường đua mới.

Người Việt phải ăn gạo ngon

Lâu nay, mọi người cứ nghĩ gạo ngon nhất phải dành cho xuất khẩu. Vì sao ngày Tết nhiều người mới mua được gạo ngon nhất để có bữa cơm ngon? Lạ!

Cuộc sống dần được cải thiện, chẳng lẽ dân mình - nơi có bếp ăn của thế giới - lại không được ăn món ngon!? Như ông Huỳnh Ngọc Nhã, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nói:

"Không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay người tiêu dùng trong nước cũng muốn ăn gạo ngon. Người trồng lúa phải thỏa mãn nhu cầu này, có vậy nông dân mới bán lúa được giá, thu nhập tốt hơn".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo Việt NamBộ trưởng Lê Minh Hoan: Cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Nhân sự kiện giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới; gạo ST25 lần thứ hai đoạt giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có bài viết gửi riêng Tuổi Trẻ Online về cơ hội vàng xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên