19/08/2023 10:50 GMT+7

Mạng xã hội là đề tài thời thượng trên màn ảnh

Đề tài mạng xã hội thời thượng, dễ gây tò mò với công chúng, nhất là trong bối cảnh thời đại nghe nhìn lên ngôi.

Streamer - phim Hàn Quốc về đề tài mạng xã hội - đang chiếu tại rạp Việt - Ảnh: ĐPCC

Streamer - phim Hàn Quốc về đề tài mạng xã hội - đang chiếu tại rạp Việt - Ảnh: ĐPCC

Khoảng chục năm gần đây, những bộ phim về đề tài này liên tục được phát sóng hoặc ra rạp tại Việt Nam, cả phim ngoại lẫn phim nội.

Khi thế giới ảo xâm chiếm cuộc sống

Mới đây, khán giả Việt được thưởng thức hai phim Hàn Quốc ra rạp đều có chủ đề về mạng xã hội là Livestream và Streamer. Trong Livestream, Dong Joo (Park Sun Ho) là một sinh viên vừa ra trường với tương lai rộng mở, có cô bạn gái Soo Jin (Kim Hee Jung) xinh đẹp.

Nhưng vì anh có sở thích xem những livestream tình dục cùng bạn bè, mối quan hệ giữa họ nảy sinh mâu thuẫn.

Còn Streamer xoay quanh hành trình khám phá tòa nhà bỏ hoang của năm streamer là Momo, Jun, Taku, Jaemin và Dasuel. Nơi đây từng là trung tâm phúc lợi người khiếm thị, đã ngừng hoạt động trong thời gian dài với nhiều lời đồn thổi về ma quỷ.

Năm streamer rủ nhau livestream tại tòa nhà này nhằm tìm hiểu chân tướng đằng sau cái chết của một streamer trước đó - người bị đồn đoán rằng chỉ đang dựng chuyện để câu view.

Ở mảng truyền hình, bộ phim Celebrity gây sốt khán giả Việt. Phim là hành trình của Seo A Ri (Park Gyu Young), vốn sinh ra trong giàu có.

Sau khi gia đình phá sản, cô phải nghỉ học đại học và làm công việc bán thời gian là giao hàng mỹ phẩm tận nhà.

Seo A Ri không sử dụng mạng xã hội, tránh xa thế giới ảo, cho đến khi cô nhận ra tiềm năng và sức ảnh hưởng của nó. Để trả thù những kẻ đã coi thường mình và phơi bày bộ mặt thật của thế giới người nổi tiếng, Seo A Ri lên kế hoạch từng bước để trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Với hình ảnh lung linh, bối cảnh xa hoa lộng lẫy, phim khắc họa đậm nét việc phân biệt giàu nghèo, áp lực phải thành công và hậu quả của việc bắt nạt trên mạng xã hội - những vấn đề nhức nhối ảnh hưởng đến tâm lý người trẻ.

Trong một xã hội ưa vật chất, thích những hào nhoáng bên ngoài, tình cảm chân thành giữa con người với con người bỗng trở thành một điều khan hiếm, xa xỉ.

Tại Việt Nam, đề tài mạng xã hội cũng được các nhà làm phim quan tâm và khai thác trong thời gian gần đây. Bộ phim Fanti của đạo diễn Andy Nguyễn xoay quanh câu chuyện của một hot girl trên mạng xã hội đang chập chững bước chân vào showbiz.

Phim lột tả những điều thực tế mà người trẻ hiện tại hay gặp phải: thích sống ảo, thói quen "ôm" điện thoại để đếm những lượt like, bình luận, gồng mình chứng tỏ bản thân trong xã hội.

Sắp tới, phim Việt về đề tài này còn có bộ phim Live - #PhátTrựcTiếp (dự kiến ra rạp ngày 15-9) của đạo diễn Khương Ngọc. Phim là câu chuyện về sự cạnh tranh khốc liệt để thu hút lượt view trong giới YouTuber, Streamer.

Fanti - phim Việt đề tài mạng xã hội - không gây được sự chú ý khi công chiếu - Ảnh: ĐPCC

Fanti - phim Việt đề tài mạng xã hội - không gây được sự chú ý khi công chiếu - Ảnh: ĐPCC

Còn nhiều thách thức

Tuy đề tài hấp dẫn nhưng những dự án phim về mạng xã hội ở thị trường điện ảnh Việt chưa thực sự được khán giả đón nhận. Fanti dù ý tưởng mới mẻ song doanh thu khá thấp, chỉ thu về hơn 1,1 tỉ đồng trong ba ngày cuối tuần công chiếu, trở thành phim Việt có doanh thu trong ba ngày chiếu mở màn thấp nhất từ đầu năm 2023 đến nay.

Trước đây, năm 2018 bộ phim Lời kết bạn chết chóc (đạo diễn Roland Nguyễn) do nam ca sĩ - diễn viên Thanh Duy đóng chính cũng không tạo được sức ảnh hưởng ở phòng vé.

Phim có thông điệp: Bạn sẽ điều khiển mạng xã hội hay để nó điều khiển bạn. Trong phim, đạo diễn chọn cách kể chuyện mới mẻ, xây dựng song song thế giới đời thực và mạng xã hội, từ đó khai thác góc tối của những nút "like" và "share".

Cũng theo biên kịch - đạo diễn Kay Nguyễn, ở Việt Nam mạng xã hội vẫn là đề tài quá mới nên nhà làm phim gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý kịch bản. Những bộ phim không được đón nhận có thể do cách xử lý bị cũ, chưa chặt chẽ về mặt logic nên khán giả chưa tiếp nhận.

Các bạn trẻ gen Z thường ăn ngủ ngụp lặn trên mạng xã hội hằng ngày, nên khi ra rạp, họ muốn được xem những gì mới mẻ, giúp họ trốn thoát thực tại. Nếu không tìm được điểm mới và khác biệt để khai thác, phim sẽ gặp khó khăn ngoài phòng vé.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (phim Dành cho tháng sáu, Mặt trời con ở đâu?) cho biết: "Thách thức của tất cả phim Việt Nam luôn chỉ có một, đó là phần kịch bản đã đạt được chất lượng so với mặt bằng chung của thế giới hay chưa. Nói chung, tôi nghĩ chúng ta phải vượt lên chính mình trước khi nói đến bất kỳ chuyện gì khác".

Nhận xét về trào lưu sản xuất các bộ phim có đề tài mạng xã hội, biên kịch - đạo diễn Kay Nguyễn (phim Mắt biếc, Người bất tử, Thiên thần hộ mệnh) nêu ý kiến với Tuổi Trẻ: "Mạng xã hội là đề tài có tính phổ quát nên nhiều nhà làm phim muốn làm về nó.

Trên thế giới cũng có nhiều bộ phim khai thác đề tài này được ưa chuộng và gợi sự tò mò khi lên màn ảnh".

Phim Việt đầu tiên về hiểm nguy bị rình rập trên mạng xã hộiPhim Việt đầu tiên về hiểm nguy bị rình rập trên mạng xã hội

Fanti, phim Việt thuộc thể loại thriller, kể về những người trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng bị một kẻ bí ẩn rình rập và đe dọa sự bình yên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên