29/12/2023 09:46 GMT+7

Luật Bảo vệ môi trường: cần sát thực tế hơn nữa

Tại Hội thảo khoa học 30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường (do Đại học Luật TP.HCM tổ chức), các chuyên gia đã có những phân tích và góp ý cho Luật Bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn. Một chung cư tại TP.HCM có hai thùng riêng để phân loại rác cho cư dân bỏ vào. - Ảnh: T.T.D.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn. Một chung cư tại TP.HCM có hai thùng riêng để phân loại rác cho cư dân bỏ vào. - Ảnh: T.T.D.

Sau bốn lần luật này được sửa đổi, bổ sung, luật vẫn còn chưa theo sát những phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc này cần được ghi nhận để điều chỉnh. Tuổi Trẻ trích các ý kiến từ hội thảo góp ý cho Luật Bảo vệ môi trường.

- PGS.TS Lưu Quốc Thái (giảng viên khoa luật thương mại Đại học Luật TP.HCM):

Phải nâng tầm yếu tố phát triển bền vững

Sau gần 30 năm kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên năm 1993 được thông qua và có hiệu lực, Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực trong công cuộc bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên trong khoảng 10 năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp.

Đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gene bị thất thoát. Hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng gây hậu quả nghiêm trọng.

Do đó phát triển bền vững là nguyên tắc quan trọng nhất của Luật Bảo vệ môi trường. Chúng ta có rất nhiều luật để phát triển bền vững: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm sản, Luật Tài nguyên nước...

Chúng ta cần xem xét lại, giải thích rõ trong luật về nhu cầu hiện tại, tương lai. Các cơ chế mới trong luật 2020 cần được quy định cụ thể để thành hiện thực. Đồng thời phối hợp nhiều luật mới đảm bảo thực hiện hiệu quả.

- Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương):

Luật chưa theo sát thực tiễn

Bình Dương là tỉnh lựa chọn sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đảm bảo môi trường là yếu tố quan trọng, chúng tôi định hướng thành đô thị xanh. Tuy nhiên chúng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức. Điển hình là vụ chôn lấp trái phép rất lớn trong năm qua. Việc xác định thiệt hại rất mất thời gian, thiếu cơ chế xử lý. Luật đã có nhưng để thực thi còn nhiều khoảng trống về pháp lý.

Một vấn đề khác của Bình Dương là chúng tôi tiếp nhận phản ánh của cử tri về xả thải trái quy định. Bình Dương có các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp. Trong khu công nghiệp thì chúng tôi kiểm soát được nhưng ngoài khu công nghiệp thì khó. Xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt của người dân cũng là vấn đề nan giải.

Năm 2024, tỉnh sẽ thông qua chính sách quan trọng là di dời các khu, cụm công nghiệp ngoài khu công nghiệp từ huyện phía nam lên phía bắc. Chúng tôi có thể áp dụng Luật Bảo vệ môi trường nhưng để thực hiện thì phải rà soát nhiều luật liên quan. Chính sách đặc thù thì HĐND tỉnh có thể quyết nhưng không được trái luật của trung ương. Và điều này có khả năng đối diện rủi ro pháp lý.

HĐND tỉnh rất quan tâm phân loại rác và có nhiều dự án do Nhật tài trợ. Nhưng thực tế các doanh nghiệp đều thắc mắc các sản phẩm tái chế sao không được các dự án công sử dụng.

Còn phân loại rác theo luật mới cũng rất khó (phân loại rồi lại đổ chung). HĐND tỉnh cũng chất vấn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Do đó chúng tôi mong khi các chuyên gia đóng góp nghị định, luật thì lưu ý hơn các vấn đề từ thực tế để các địa phương có thể thuận lợi hơn khi thực thi.

- PGS.TS Vũ Thanh Ca (nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam):

Luật cần có lộ trình cụ thể

Hiện nay chúng ta đưa ra quy định hay nhưng cơ sở khoa học thực hiện chưa phù hợp. Luật để làm nhưng sức ép quá người ta khó làm trong thực tế, như việc phân loại rác là ví dụ. Tương lai cần xem xét lại để đảm bảo các quy định pháp luật cần có lộ trình thực hiện. Tất cả các hệ thống phải liên thông thì mới thực hiện hiệu quả.

Một vấn đề nữa là quyền tiếp cận của người dân với các vấn đề môi trường. Các cơ sở lớn phải quan trắc hằng ngày, hằng giờ gửi về trung tâm quan trắc và công khai lên các trang web để người dân biết.

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã có tiến bộ nhưng còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi.

Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 1993 tính đến nay đã tròn 30 năm, quy định các vấn đề cơ bản và trải qua các lần sửa đổi năm 2005, 2014 và hiện hành là 2020 thì dần đáp ứng được vấn đề môi trường ngày càng phức tạp, căng thẳng.

PGS TS Phạm Hữu Nghị

(giảng viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM)

Luật Bảo vệ môi trường được thông qua dù chuyên gia còn băn khoănLuật Bảo vệ môi trường được thông qua dù chuyên gia còn băn khoăn

TTO – Chiều 17-11, với 443/466 đại biểu có mặt tán thành, dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thông qua dù vẫn còn ý kiến đại biểu và chuyên gia bày tỏ băn khoăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên