11/10/2023 18:31 GMT+7

Lãnh đạo Vietjet, FPT, TH... đề nghị gì khi gặp Thủ tướng nhân Ngày Doanh nhân?

Tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra kiến nghị thúc đẩy vai trò doanh nghiệp trong tình hình mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân trong buổi gặp mặt - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân trong buổi gặp mặt - Ảnh: VGP

Bày tỏ niềm vui khi vào ngày 10-10, Bộ Chính trị đã thông qua nghị quyết về phát huy vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - chủ tịch Tập đoàn Sovico, cổ đông sáng lập của Hãng hàng không Vietjet Air - nói mong rằng tiếp tục nhận được sự định hướng, các chương trình cơ chế chính sách mở ra tạo điều kiện hỗ trợ, tạo thêm động lực, tạo thêm nữa niềm tin cho doanh nghiệp Việt Nam vững bước tiến lên phía trước với tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Mong sớm ban hành luật

Tuy vậy, có những doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trước tác động của kinh tế thế giới. 

Ông Đinh Hồng Kỳ - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chủ tịch Công ty Secoin - cho hay ba năm trở lại đây do gặp bất lợi chung của kinh tế thế giới nên sản lượng xuất khẩu giảm sút. Tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước giảm do thị trường bất động sản đóng băng.

"Những chuẩn mực kinh doanh toàn cầu đang thay đổi khiến doanh nghiệp phải bước lên tầm mới hoặc phải tự loại mình ra khỏi sân chơi” - ông Kỳ hy vọng bất động sản sang năm tới thị trường phục hồi nhờ sự cố gắng của doanh nghiệp và việc chung tay góp sức của Chính phủ  sẽ vượt qua khó khăn.

Đại diện cho doanh nhân nữ, bà Thái Hương - chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) - chia sẻ trước tác động của COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới nhưng không có thành viên hiệp hội nào phải dừng sản xuất. 

Các lao động trong doanh nghiệp thành viên được quan tâm hỗ trợ và không một ai phải nghỉ việc, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, bà Hương bày tỏ mong muốn một số luật cần được ban hành sớm, gồm Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước, Luật Nhà ở… để doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động một cách chuyên nghiệp, mang lại lợi ích chung theo hướng phát triển bền vững. 

Đồng thời cần xây dựng quy chuẩn, trình Quốc hội Luật Dinh dưỡng cho người Việt. 

Phó tổng giám đốc VPBank thông tin về các gói vay vốn lãi suất từ 5% và tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc - Ảnh: VGP

Phó tổng giám đốc VPBank thông tin về các gói vay vốn lãi suất từ 5% và tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc - Ảnh: VGP

Cần hỗ trợ về vốn, giảm lãi suất, thuế phí

Bà Phạm Thị Nhung - phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - chia sẻ rằng doanh nghiệp đã thành công huy động hàng tỉ USD nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế. Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, mới đây ngân hàng đã dành một gói vay trị giá 13.000 tỉ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm để hỗ trợ khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh. 

Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng của VPBank từ đầu năm tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành.

Đồng thời, VPBank cũng là một trong những ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. Bà Nhung cho hay đến nay ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu.

Còn theo Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc với hai siêu cường thế giới, cả Mỹ và Trung Quốc.

Đặc biệt, ông cảm ơn các cơ quan nhà nước đã ký 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sắp ký 3 hiệp định tiếp theo. Điều này tạo nên cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn với các nước, có môi trường tự do sáng tạo phát huy năng lực của mình.

"Chính phủ đã thương yêu doanh nghiệp thì thương yêu nhiều hơn, đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn tháo khó khăn hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn, hạ dài hơn nữa" - ông Bình bày tỏ.

Thủ tướng cám ơn sự đóng góp của doanh nhân với đất nước

Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cám ơn sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước và khẳng định Đảng, Nhà nước đã tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh để các doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm làm ăn.

Trong lúc khó khăn, ông kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Đảng, Nhà nước để vượt qua, cùng đưa ra giải pháp quản lý, điều hành tốt, hạn chế thách thức.

Theo đó, Chính phủ sẽ cụ thể hoá Nghị quyết 41 để cùng với doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đúng hướng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp.

Có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vì vừa có vẫn có một bộ phận cán bộ trì trệ, sợ trách nhiệm dẫn đến ách tắc công việc, Thủ tướng nói Chính phủ đang nỗ lưc giải quyết tình trạng này.

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Tình hình kinh doanh, tài sản, nộp ngân sách của 676 doanh nghiệp nhà nướcTình hình kinh doanh, tài sản, nộp ngân sách của 676 doanh nghiệp nhà nước

Cả nước đang có 676 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 50 - 100% vốn điều lệ. Qua 9 tháng đầu năm, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên