13/10/2023 09:08 GMT+7

Nâng tầm doanh nhân Việt

Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới có năng lực, trình độ, đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế.

Công nhân lắp ráp dây điện cho dòng xe Kia Seltos ở Công ty THACO, Chu Lai, Quảng Nam - Ảnh: HỮU HẠNH

Công nhân lắp ráp dây điện cho dòng xe Kia Seltos ở Công ty THACO, Chu Lai, Quảng Nam - Ảnh: HỮU HẠNH

Với nhiều quan điểm mang tính cởi mở, đột phá như không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tập trung tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt có thêm động lực để sẵn sàng vượt qua khó khăn, tiến vào giai đoạn 3 của chu kỳ phát triển có chiều dài 20 năm, góp phần đưa Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Sự động viên to lớn trong khó khăn

Theo TS Vũ Tiến Lộc - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, số liệu thống kê trong 9 tháng qua cho thấy cả nước có trên 160.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, gần 122.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh.

Tức là cứ 10 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có tới gần 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Đây là tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn nhất trong nhiều năm qua trong khi quy mô doanh nghiệp thành lập mới cũng đang suy giảm cả về số vốn đăng ký và lao động so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nói doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ đi trong "cơn bão" kinh tế thế giới khó khăn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, sản xuất nội địa suy giảm...

Doanh nghiệp Việt sau một thời gian gồng mình chống đỡ với đại dịch, nay lại tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn mới, thậm chí có mặt còn nặng nề hơn.

Trong bối cảnh đó, nghị quyết 4 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đưa ra nhiều định hướng để đồng hành, gỡ khó và nâng tầm doanh nhân.

"Lần này, nghị quyết đưa vào vấn đề phải bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế... cũng là một bước tiến mới, giúp doanh nhân thấy an tâm hơn", ông Lộc nhận xét.

Theo ông Lộc, nghị quyết đặt ra vấn đề nâng tầm doanh nghiệp, doanh nhân bởi yêu cầu giai đoạn mới, chúng ta cần xác định không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn hướng đến tham gia những khâu quan trọng, thậm chí dẫn dắt chuỗi cung ứng, đây là những bước đi rất quan trọng.

Muốn vượt bẫy thu nhập trung bình thì phải vượt bẫy chất lượng thể chế trung bình, do đó cần cải cách thể chế, tháo gỡ các nút thắt trong chồng chéo pháp luật, đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và khắc phục tâm lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.

Hiện nay, có tình trạng cán bộ co lại, nghĩ làm sao an toàn cho mình, nhưng như vậy thì đẩy hết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng việc Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết về phát triển đội ngũ doanh nhân là cam kết chính trị ở mức cao nhất, nhưng để cụ thể hóa chủ trương này cần sửa đổi đồng bộ hệ thống quy định về đầu tư, kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, giá lúa gạo liên tục dao động nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi. Dự kiến cả năm xuất khẩu gạo trên 4 tỉ USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Từ đầu năm đến nay, giá lúa gạo liên tục dao động nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi. Dự kiến cả năm xuất khẩu gạo trên 4 tỉ USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cam kết chính trị cao nhất với doanh nhân

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nghị quyết 41 ra đời đã khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển đất nước, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đây là lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng đề cập việc phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc. Điều này rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu hiện nay khi Đảng, Nhà nước chủ trương nâng cao tự cường của nền kinh tế.

Đây cũng là vấn đề liên quan đến an ninh, sự phát triển bền vững của đất nước, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

Việc ban hành nghị quyết 41 cũng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, đồng thời nâng tầm đội ngũ doanh nhân Việt Nam vươn tầm khu vực, toàn cầu, tham gia vào những khâu cao hơn, có ý nghĩa quyết định của chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt và làm chủ một số chuỗi. Đó là tầm vóc mới của doanh nhân Việt trong giai đoạn mới, ông Lộc cho biết thêm.

Cùng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá nghị quyết 41 vừa ban hành là cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất về thúc đẩy xây dựng đội ngũ doanh nhân xứng tầm trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới.

Điều này làm tăng niềm tin kinh doanh, khích lệ giới doanh nhân dấn thân hơn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

"Nhưng để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, kinh doanh lâu dài thì một môi trường kinh doanh ít rủi ro và an toàn, yểm trợ cho doanh nghiệp là rất quan trọng, đây cũng là đòi hỏi quan trọng cho giai đoạn phát triển sắp tới", ông Hiếu nhấn mạnh.

Nâng tầm doanh nhân Việt - Ảnh 3.

Tấm khiên bảo vệ doanh nghiệp

Ông Phạm Tấn Công, chủ tịch VCCI, cho rằng quá trình hình thành đội ngũ doanh nhân thời kỳ đổi mới kéo dài 20 năm đến 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO.

Tiếp theo là giai đoạn hội nhập quốc tế, kéo dài từ năm 2007 đến nay với những bước tiến mạnh mẽ về trình độ, năng lực từng bước tiệm cận khu vực và thế giới.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, nghị quyết 41 chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Để nâng tầm doanh nhân Việt như mục tiêu nghị quyết 41 đã đề ra, ông Hiếu kiến nghị nên rà soát lại toàn bộ thể chế về đầu tư kinh doanh. Sau rà soát cần bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định không rõ ràng, không phù hợp với thực tiễn kinh doanh, để giảm gánh nặng chi phí, giảm nguy cơ gây rủi ro cho doanh nghiệp.

Ông Lộc cũng nhận định rằng quá trình cải cách hành chính hiện nay chưa đạt yêu cầu đang là điểm cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế và bổ sung một số chế tài về kinh tế được nêu ra trong nghị quyết 41 lúc này rất cần thiết. Bởi điều này đã được nói nhiều, ghi trong nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Chính phủ nhưng đến nay vẫn là vấn đề bất an với doanh nhân.

Vì thế, việc Bộ Chính trị đưa chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế trong nghị quyết 41 sẽ giúp đội ngũ doanh nhân an tâm hơn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Đây là tấm khiên bảo vệ cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời gian tới. Hy vọng điều này cùng với chủ trương bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, muốn vượt lên vì sự phát triển của đất nước, ông Lộc bày tỏ.

Bàn về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế (VCCI) - cũng cho rằng chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế được ban hành là một tín hiệu tốt với môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng để cụ thể hóa chủ trương này không chỉ cần hoàn thiện chính sách mà cần cải thiện cả khâu thực hiện.

"Đã có chủ trương rồi thì cần bổ sung các quy định pháp luật cần thiết để mọi quan hệ kinh tế được xử lý đúng theo quan hệ dân sự, kinh tế.

Tâm lý của người kinh doanh luôn muốn sự an toàn, thân thiện nên cần sửa đổi Bộ luật Hình sự, các luật chuyên ngành theo hướng hạn chế xử lý hình sự. Song song với quá trình này cần bổ sung các chế định về kinh tế để xử lý các vụ việc phát sinh theo tinh thần nghị quyết đã đề ra", ông Tuấn nói.

* TS Nguyễn Quốc Việt (phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách):

Nhiều thách thức với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân tầm khu vực

Kỳ vọng về một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tương xứng với quy mô nền kinh tế là cần thiết nhưng để đạt được mục tiêu đã đề ra đến 2030 là tham vọng, bởi 98% doanh nghiệp (DN) hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Chúng ta có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, Chính phủ cũng đã có chính sách thúc đẩy 5 triệu hộ kinh doanh lên DN nhưng nhiều hộ kinh doanh không muốn lên.

Dù kinh tế Việt Nam đã kết nối với toàn cầu mạnh mẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu gần bằng 200% quy mô GDP, hàng loạt FTA đã được ký kết nhưng các DN FDI đang là chủ đạo, chiếm tỉ trọng lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

DN FDI cũng chiếm ưu thế trong sản xuất, tuyển dụng lao động. Các DN trong nước đang hoàn toàn lép vế trước các DN FDI.

Thực trạng này cho thấy cần nhìn thẳng vào những khó khăn của DN trong bối cảnh hiện nay. Để hiện thực hóa mục tiêu nghị quyết 41 trước hết cần hỗ trợ DN Việt, doanh nhân Việt có được chỗ đứng tại sân nhà, sau đó hợp tác cùng các DN FDI để lấn sân sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó cần có cơ chế hỗ trợ DN tái cấu trúc mô hình kinh doanh để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn mới của thế giới, xu hướng sản xuất trên thế giới, ví dụ như sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh doanh có trách nhiệm.

7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đội ngũ doanh nhân

- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

- Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

- Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Doanh nhân Việt của ngày mai

Mục tiêu đến năm 2030: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

(trích nghị quyết số 41-NQ/TW)

Doanh nhân mong mỏi điều gì?

* Ông Lê Hữu Nghĩa (giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành):

Tránh tâm lý lo ngại, sợ sai của cán bộ

Nâng tầm doanh nhân Việt - Ảnh 8.

Những vấn đề vướng ở các luật, nghị định là một phần, song cũng có nhiều vấn đề địa phương này làm được, địa phương khác lại "đứng hình" hoặc chuyển động chậm.

Đơn cử những thủ tục giải quyết thủ tục đầu tư, có những trường hợp đùn đẩy giữa các đơn vị, sở ngành khiến dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp lại gặp khó khăn, tốn kém.

Hay như ở TP.HCM, thực tế có những dự án mà việc giải quyết thủ tục sở này làm tốt, sở kia lại đình trệ.

Do đó, cần phải có những cơ chế để giải quyết, vừa quy trách nhiệm, người không làm, không trả lời văn bản phải chịu chế tài hoặc nếu không trả lời trong thời hạn nhất định được xem là đồng ý.

Thời gian qua, có tâm lý lo ngại, e sợ trong cán bộ, công chức do có những cán bộ bị xử lý, điều này cũng gây hệ lụy cho nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp.

Điều doanh nghiệp kỳ vọng là sớm khắc phục những điểm yếu này trong bộ máy, trợ lực cho doanh nghiệp phát triển.

* Ông Nguyễn Văn Đính (phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam):

Kỳ vọng gỡ rào cản về pháp lý

Nâng tầm doanh nhân Việt - Ảnh 9.

Các doanh nghiệp, doanh nhân nói chung đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản.

Bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã nỗ lực để vượt khó, từ việc tái cơ cấu doanh nghiệp, điều chỉnh phân khúc đầu tư, bán tài sản hoặc hạ giá sản phẩm, tăng chiết khấu... để có dòng tiền.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mong muốn có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ về mặt chính sách một cách tập trung, đúng người, đúng việc.

Trong đó, cần thúc đẩy nhanh các giải pháp về thể chế, hành lang pháp lý để làm sao gỡ những điểm nghẽn.

Hiện những rào cản pháp lý khiến dự án tắc, không được phê duyệt, dự án đắp chiếu, không thể bán hàng.

Vì vậy, nếu gỡ được pháp lý, ban hành những nghị định sửa được nhiều nghị định sẽ giúp khơi thông quy trình xử lý hồ sơ, thủ tục cho các dự án bất động sản và doanh nghiệp cũng chờ đợi các giải pháp này.

* Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM):

Mong muốn tiếp tục giảm VAT trong năm 2024

Nâng tầm doanh nhân Việt - Ảnh 10.

Các doanh nghiệp, doanh nhân đang trong giai đoạn hết sức khó khăn khi sức tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu đều giảm sút.

Tuy nhiên, các doanh nhân đều rất nỗ lực để chèo chống con thuyền kinh doanh của mình, cố gắng để cắt giảm chi phí, đảm bảo được đời sống tương đối ổn định cho người lao động.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn các chính sách tiếp tục kích cầu thị trường nội địa thông qua chính sách giảm VAT kéo dài trong năm 2024, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn để chuyển đổi số, sản xuất xanh trong dài hạn.

Riêng với ngành dệt may, đây là ngành đóng góp quan trọng trong xuất khẩu và công ăn việc làm cho người lao động, vì vậy chúng tôi cũng mong muốn có những sự trợ lực lâu dài, ví dụ như hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng một trung tâm về thiết kế thời trang, cung cấp nguyên phụ liệu, giúp doanh nghiệp nâng tầm trong cạnh tranh quốc tế.

* Ông Nguyễn Quốc Anh (chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM):

Doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư

Nâng tầm doanh nhân Việt - Ảnh 11.

Hiện dù khó khăn về đầu ra, song về dài hạn, các doanh nghiệp vẫn muốn mở rộng đầu tư kinh doanh.

Thậm chí, có những doanh nghiệp muốn đầu tư lớn nhưng gặp những rào cản về nguồn lực đất đai, thủ tục hành chính và cơ chế, chính sách.

Ngay cả doanh nghiệp của chúng tôi muốn mở rộng sản xuất, đăng ký một lô đất trong khu công nghiệp ở TP.HCM nhưng thời gian qua gặp vướng, không được giao đất.

Nguyên nhân là gặp khó trong khâu định giá đất, ai cũng sợ trách nhiệm khiến bất động sản đóng băng nhưng doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất cũng không có chỗ đầu tư.

Ngoài ra, vấn đề hoàn thuế hiện cũng khó khăn, cơ quan thuế ở địa phương dè dặt khiến nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn thuế số tiền lớn, có doanh nghiệp chưa được hoàn thuế đến 30% vốn điều lệ. Do đó, điều mà doanh nghiệp mong muốn, kỳ vọng là các thủ tục hành chính, các chính sách phải trợ lực tối đa cho doanh nghiệp.

Khi giám đốc tham gia... livestream để bán hàngKhi giám đốc tham gia... livestream để bán hàng

Đích thân doanh nhân - giám đốc điều hành tham gia livestream để giới thiệu sản phẩm và bán hàng, chủ tịch và tổng giám đốc công ty đưa sản phẩm ra nước ngoài tham gia triển lãm và trực tiếp giới thiệu với khách tham quan, tìm kiếm thị trường mới...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên