27/08/2023 11:57 GMT+7

Khi quán cầy tơ vắng dần - Kỳ 7: Những tiệm cầy cuối cùng ở 'thành phố không thịt chó'

Cuối năm 2021, TP Hội An ký cam kết hành động với Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws để đặt mục tiêu đưa Hội An trở thành đô thị đầu tiên trên cả nước không tiêu thụ thịt chó mèo.

Tiệm thịt cầy với dòng chữ tiếng Anh sát các điểm du lịch phố cổ Hội An - Ảnh: B.D.

Tiệm thịt cầy với dòng chữ tiếng Anh sát các điểm du lịch phố cổ Hội An - Ảnh: B.D.

"Dùng dằng nửa nghỉ, nửa lại không"

Sự kiện tưởng rất bình thường này đã dậy sóng và nhận được sự ủng hộ rần rần từ dư luận. Chúng tôi trở lại "thành phố không thịt chó này" và chứng kiến những câu chuyện buồn vui đan xen.

Chủ quán thịt chó Minh Nguyệt nằm cách không xa trung tâm phố cổ Hội An là ông Phạm Văn Quyết nói một câu rất "thơ": "Dùng dằng nửa nghỉ, nửa lại không" khi thấy người của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hội An đến vận động nghỉ bán thịt chó, chuyển đổi ngành nghề.

15h, quán thịt chó của ông Quyết cùng vợ là bà Trần Thị Nguyệt - hai người quê gốc miền Bắc - vẫn kéo cửa ra vào bằng tấm lưới B40. Nhưng đứng từ ngoài vào đã thấy sau gian bếp, khói bếp cuộn lên mang theo mùi đặc trưng của thịt chó. Bên kia tiệm này là những khu lưu trú hạng sang, xe du lịch, xe điện tấp nập đón khách nước ngoài tham quan khu phố cổ.

Ông Quyết thấy người đến vận động chuyển đổi kinh doanh thì gãi đầu, cười mà giống mếu. "Tôi biết chị đến đây làm gì rồi. Tôi cũng đang tính đây. Nhưng nói thật là rất vất vả, vì cái nghề này nó đã theo vợ chồng tôi suốt 16 năm, là lý do vợ chồng từ Hà Nam vào đây làm ăn" - ông Quyết nói.

Trong tấm bản đồ thống kê các cơ sở tiêu thụ thịt chó của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hội An, quán của vợ chồng ông Quyết là một trong ba tiệm cuối cùng ở thành phố này còn hoạt động. 

Quán Minh Nguyệt của họ ở vị trí "nhạy cảm" nhất khi cách vài bước chân là các khu lưu trú dành cho du lịch, bên kia đường dập dìu khách Tây. Vì thế, khi đề án nói không với thịt chó mèo được triển khai, quán này cũng được "chấm" đầu tiên để đặt quyết tâm vận động chủ quán chuyển nghề khác.

Chiều 24-8, khi dẫn chúng tôi đến tấm bảng "Đặc sản thịt cầy Bắc Minh Nguyệt" - bà Ngô Thị Chung, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hội An, tới sát tấm bảng và chỉ hàng chữ bằng tiếng Anh phía dưới là "dog meat". Theo bà Chung, quán thịt cầy của họ sau nhiều thời gian vận động đã bắt đầu xuôi ý, việc ngưng kinh doanh chỉ còn là thời gian.

"Họ rất hiểu chuyện vì sao Hội An lại không muốn tồn tại quán thịt chó ngay trong lòng phố. Thực tế đó là mưu sinh gắn bó bao năm, nhưng bà con sẵn lòng nghỉ bán để tìm việc khác. Điều họ băn khoăn ở đây không còn là vấn đề nên hay không, mà là sẽ được hỗ trợ chuyển đổi ra sao", bà Chung nói.

Vợ chồng ông Quyết kể cách đây 16 năm, sau thời gian nuôi vịt ở quê lỗ triền miên, trong một lần vào Hội An chơi ông Quyết có đến một quán thịt chó rìa phố cổ và gọi một tô "bún mận". "Thấy tô bún chỉ ba miếng thịt cầy mà giá tới 7.000 đồng lúc ấy thì lãi quá nên tôi về kéo vợ vô đây mở quán. Ngoài quê tôi ăn thịt chó là chuyện rất bình thường", ông Quyết kể.

16 năm ông mở quán thịt cầy ở Hội An thì khách "Tây" lẫn ta đều đủ cả, đặc biệt là khách Hàn Quốc. Đó là lý do vì sao ông viết thêm dòng chữ "dog meat" dưới biển hiệu. Tuy nhiên, ông Quyết thừa nhận tình hình kinh doanh ngày càng vắng.

"Từ khi Hội An tuyên truyền không ăn thịt chó mèo tới nay thì thật sự quán rất vắng khách. Tôi bán bình quân ngày 30 - 40kg. Biết là không nên có quán thịt cầy nằm ở gần phố cổ thế này, nhưng khách vẫn lai rai. 

Người ta sang trọng thì nhậu tiền hàng triệu, quán tôi đa số khách đều là dân lao động, thợ hồ, cuối ngày "cầm chút tiền vẫn vào quán lai rai được", bà Nguyệt, vợ ông Quyết, trầm giọng.

Panô tuyên truyền không ăn thịt chó mèo được đặt tại các trục đường thành phố Hội An - Ảnh: B.D.

Panô tuyên truyền không ăn thịt chó mèo được đặt tại các trục đường thành phố Hội An - Ảnh: B.D.

Hay, nhưng không dễ

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hội An là đơn vị được TP Hội An giao nhiệm vụ phối hợp với Four Paws thực hiện đề án vận động ngưng bỏ kinh doanh thịt chó mèo. Bà Ngô Thị Chung nói rằng trước năm 2021, Hội An có nhiều quán thịt chó nằm rải rác khắp các phường, nhưng theo xu hướng tất yếu của thành phố du lịch, các tiệm thịt chó dần gỡ bảng, chủ quán tìm việc khác.

Năm 2021, khi Four Paws vào Hội An đã khảo sát, dù chưa đặt vấn đề nhưng đã có một tiệm tiếp tục gỡ biển hiệu, ngưng kinh doanh. Con số tiệm thịt chó ở Hội An chỉ còn lại ba, một ở phường Cẩm Phô, một ở phường Thanh Hà và một tiệm khác. 

Bà Chung nói rằng lý do mà Four Paws cùng Hội An muốn chọn nơi đây là thành phố đầu tiên trên cả nước không thịt chó mèo là bởi Hội An có diện tích nhỏ, cư dân sống gắn liền với du lịch, số hàng quán kinh doanh món ăn này không lớn, người dân cũng không có nhiều thói quen ăn thịt chó. Nếu thành công, Hội An sẽ là mô hình dẫn dắt.

Bà Chung cũng khẳng định rằng từ trước tới nay Hội An cũng không có nguồn giết mổ ngay tại chỗ, mà nguyên liệu cho các quán thịt chó được lấy từ các nơi khác. Lượng chó trong toàn thành phố duy trì ổn định quanh mốc 2.500 con. 

"Chính xác tới nay là 2.568 con. Dự án của Four Paws có nhiều hợp phần, bao gồm tiêm chủng miễn phí cho chó mèo, tuyên truyền cho cộng đồng và vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó mèo", bà Chung nói.

Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp nói thêm rằng khi đề án được ký kết, du khách và người dân tán thưởng rất nhiệt liệt. Các đơn vị cũng bắt tay thực hiện ngay nhưng "công cụ" duy nhất chỉ là đi vận động chứ không ép buộc. 

Đều đặn người Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cùng cán bộ xã phường xuống tận nơi ghi nhận tình hình thực tế và trò chuyện với người bán lẫn người ăn để vận động không tiêu thụ thịt chó mèo. 

Công việc diễn ra bền bỉ suốt gần hai năm vòng đời dự án, dù đã có ít nhiều thay đổi nhưng bà Chung vẫn nói tiệm thịt cầy vẫn còn con số 3.

"Nhận thức và chấp nhận thay đổi là cả quá trình. Không dễ để người dân từ bỏ nghề vốn đã gắn bó với họ hàng chục năm và trở thành thói quen mỗi ngày. Nhưng ít nhiều qua hai năm thì thấy khách ăn đã vãn dần, các chủ tiệm từ phản đối cương quyết, thậm chí xua đuổi cán bộ khi xuống vận động thì nay bà con đã bắt đầu ngồi xuống để lắng nghe, đề xuất hướng ra", bà Chung nói.

Vận động không được thì... tiếp tục vận động

Chúng tôi đi một vòng TP Hội An và bắt gặp những hình ảnh đối lập kế bên các cửa hàng cầy tơ. Trong nỗ lực vận động dân bỏ thói quen ăn thịt chó, những panô tuyên truyền với nội dung "Chó mèo là bạn, không phải thức ăn. Hội An - thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó mèo" được đặt ở các ngã tư đường.

Nhưng cũng gần những panô này, những tiếng cụng ly tách tách vẫn phát ra, những bộ bàn ghế nhựa với la liệt xương xẩu, mùi mắm tôm, mùi rượu đế vẫn tồn tại đằng sau biển hiệu "đặc sản thịt cầy" dựng trên lề đường.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng nói rằng với Hội An, việc vận động không tiêu thụ thịt chó mèo là hướng đi đúng để góp phần bảo vệ hình ảnh đô thị di sản.

"Biện pháp lâu dài vẫn là vận động. Tới nay gần hết hai năm dự án nhưng theo tôi được nắm thì có hai trong ba chủ tiệm thịt chó đã xuôi xuôi, đồng thuận chuyển đổi ngành nghề rồi. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con hết khả năng. Tiệm nào không ngưng thì vận động tiếp, Hội An sẽ nỗ lực làm bằng được", ông Hùng khẳng định.

*************

Tại sao không ăn thịt chó? Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thời nay, đã có những tâm sự rất thấu đáo về ẩm thực, văn hóa, văn minh, chứ không đơn thuần là "xui xẻo".

>> Kỳ tới: Chó mèo là bạn, không phải thức ăn

Khi quán cầy tơ vắng dần - Kỳ 6: Thịt cầy vẫn lên mâm cỗ quêKhi quán cầy tơ vắng dần - Kỳ 6: Thịt cầy vẫn lên mâm cỗ quê

"Cỗ bàn ở thành phố mới có tôm càng, cua bể, chứ ở quê chúng tôi thì món gì dân quê thấy ngon đều đãi khách được. Ấy thế, cỗ cưới của chúng tôi mới có thịt chuột và cả cái "anh" thịt chó" - Tạ Văn Trung, ở Kiến Xương (Thái Bình), cười chia sẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên