08/01/2015 10:30 GMT+7

​Kéo lên Sài Gòn, dự đám tang trò Ơn

NGUYỄN LONG TRẢO
NGUYỄN LONG TRẢO

TT - Trong thời kỳ bãi khóa, chúng tôi đã được sự đồng tình và giúp đỡ của nhiều vị trí thức, trong đó không ít người thuộc hàng có tên tuổi ở Cần Thơ.

 

Học sinh tập trung trước Trường Pétrus Ký chuẩn bị cho cuộc tuần hành - Ảnh tư liệu

Những người hỗ trợ

Ðó là bác sĩ Thuấn, người cố vấn đặc biệt của chúng tôi, khi cần hỏi việc gì, vào bất cứ lúc nào ông đều sẵn sàng tiếp đón chúng tôi một cách ân cần, lịch sự. Trong từng vụ việc ông đều có những lời chỉ dẫn hết sức bổ ích, những hành động hỗ trợ tích cực.

Vì ông là một trí thức có uy tín của Cần Thơ nên những lời nói và việc làm của ông đối với phong trào bãi khóa của học sinh đã tác động đến nhiều trí thức khác, trong đó có cả các phụ huynh học sinh, nên rất nhiều người hoặc ủng hộ, hoặc lừng khừng chớ không thấy ai đứng ra phản đối.

Ðó là thầy giáo dạy văn Phạm Văn Kiết, người rất có uy tín trong trường, đã tỏ thái độ dứt khoát đứng về phía học sinh, nên cũng có tác động tích cực đối với các thầy giáo khác.

Sau này được biết thầy đã ra vùng giải phóng, tham gia Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN, với chức vụ bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Ðó là tất cả các thầy giáo Trường Phan Thanh Giản, những người luôn muốn có mặt học sinh để mà dạy, không ai mong học sinh nghỉ học để được nghỉ ”xả hơi”, nhưng không thầy nào đứng về phía chánh quyền để trực tiếp hoặc gián tiếp ngăn cản học sinh bãi khóa, ngược lại còn có vị ”xúi” chúng tôi “cứ làm tới nữa đi”.

Còn đối với viên tỉnh trưởng Cần Thơ, theo nhận xét riêng của tôi thì không biết vô tình hay hữu ý mà thái độ ”xìu xìu ển ển” trong việc thực thi chức trách của một tỉnh trưởng đã ít nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chúng tôi.

Một ngày nọ ông đã tới tận trường chúng tôi triệu tập học sinh và phụ huynh đến, vừa nói cứng vừa thuyết phục, yêu cầu học sinh thôi bãi khóa và trở lại trường để học tiếp.

Còn nhớ lúc đó tôi cố nhón người lên cao trong đám đông và chất vấn lại: ”Chẳng lẽ việc bãi khóa của chúng tôi vừa qua là sai hết sao?”. Ông ta bèn xoa dịu, nói chẳng qua vì quyền lợi lâu dài của học sinh và phụ huynh mà thôi.

Tan cuộc, trên đường về nhà bỗng có một người mà tôi cho là mật thám chặn tôi lại hỏi: ”Ê lúc nãy mày nói cái gì vậy?”. Anh ta nói tiếp: ”Tao đâu có quên mày là thằng cao nhòng, mặt mày mụn không mà còn chối gì nữa?”.

Có lẽ anh ta chỉ muốn dọa thôi nên nói xong rồi bỏ đi, tôi mừng hết biết.

Sau đó chúng tôi còn tổ chức đêm biểu diễn văn nghệ của học sinh nhằm tiếp tục cổ vũ phong trào. Lần này có lẽ nhằm lấy lòng chúng tôi nên viên tỉnh trưởng đã cho mượn hẳn tiền sảnh trong dinh để ca hát, diễn kịch.

Nhớ lúc đó tôi có đến nhà thăm chị Bảy Phượng vốn là cán bộ của Hội Phụ nữ dân chủ mà tôi từng quen khi đang còn trong chiến khu Ðồng Tháp Mười, chị từ trong bưng ra ở nhà người anh ruột là một thiếu úy trong quân đội Pháp để sinh con. Khi nghe kể chuyện chị nhắc nhở: ”Coi chừng tụi nó trói bằng dây chuyền vàng đó nghen em!”.

Sau này nghĩ lại không biết sao sờ sờ một viên tỉnh trưởng ở đó mà suốt trong thời gian dài của cuộc bãi khóa, không một lần xảy ra việc truy xét bắt bớ những người cầm đầu, hoặc có hành động trực tiếp ngăn cản học sinh bỏ học.

Có người bảo rằng ông là một nhân vật bất đắc dĩ của thời cuộc, mê đá gà hơn làm tỉnh trưởng. Có đúng như thế không, hay còn có lý do nào khác? Nếu ông là người ngấm ngầm ủng hộ kháng chiến thì sao, mà điều đó cũng có thể lắm chớ? Có lẽ chỉ có ông mới tự biết mình mà thôi.

Học sinh khắp nơi về tham dự đám tang Trần Văn Ơn -  Ảnh tư liệu

Lên Sài Gòn

Thế rồi xảy ra vụ đàn áp cuộc biểu tình của học sinh sinh viên Sài Gòn ngày 9-1-1950, giết chết học sinh Trần Văn Ơn và làm bị thương nhiều học sinh sinh viên khác. Tin này đã gây xúc động mạnh không chỉ trong giới học sinh chúng tôi mà là khắp các giới trong thành phố Cần Thơ.

Và khi nghe tin sẽ tổ chức đám tang của Trần Văn Ơn không khí càng trở nên sôi động hơn, tuy không hề có cuộc vận động nào nhưng có rất nhiều người rậm rịch chuẩn bị lên Sài Gòn để tham dự.

Chúng tôi đã tổ chức một đoàn đại biểu lên Sài Gòn dự đám tang Trần Văn Ơn, một đám tang tôi tin chắc là lớn chưa từng có ở Sài Gòn, mà theo như báo chí phỏng đoán thì có khi đến gần cả triệu người tham gia.

Tôi thì không thể đoán chắc số lượng bao nhiêu, chỉ biết rằng lúc tốp đi đầu đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi để di hài Trần Văn Ơn, thì nghe đâu tốp cuối vẫn chưa ra khỏi nơi bắt đầu xuất phát là Trường Pétrus Ký, nay là Trường Lê Hồng Phong. Dòng người đi chật cả đường và liên tục có thêm những người mới nhập vào.

Những ngày đó trong khuôn viên Trường Pétrus Ký đặc nghẹt vòng hoa của nhiều tầng lớp trong xã hội, mà nếu tôi nhớ không nhầm thì có cả vòng hoa của những người trong chánh quyền Sài Gòn. Việc tổ chức cũng thật quy củ trật tự...

Vì chúng tôi là đoàn đại biểu của một trường bạn ở tỉnh xa là Cần Thơ nên được xếp đi trong tốp đầu của dãy người làm thành hàng rào danh dự, bên cạnh đó là chiếc xích lô chở di ảnh Trần Văn Ơn.

Hôm sau chúng tôi lại tìm đến mộ anh để thắp những nén nhang tưởng niệm, sau đó đi thăm những học sinh bị thương đang nằm tại Bệnh viện Sài Gòn. Chúng tôi thấy trên mặt bàn cạnh giường bệnh của mỗi bạn đều chất đầy hoa quả, là quà tặng của đông đảo người đến thăm.

Ðiều này một lần nữa chứng tỏ sự thương yêu ủng hộ nhiệt tình của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đối với phong trào học sinh sinh viên. Còn tôi thì nghĩ thầm trong bụng rằng mấy đứa này coi vậy mà sướng, mới trầy vi tróc vảy sơ sơ mà được hưởng vinh quang như những chiến sĩ đang chiến đấu hi sinh nơi trận tiền!

Thật bất ngờ là mấy hôm sau tôi lại được một người bạn tặng tấm ảnh chụp được lúc tôi đang bước đi, tay trong tay hai bạn khác, do anh tình cờ nhận ra và mua trong số những ảnh chụp được bày bán tại bùng binh chợ Bến Thành. Tôi coi tấm ảnh này là một kỷ vật trong thời đấu tranh học sinh và cất giữ suốt mấy mươi năm chiến tranh.

Sau này khi trở về công tác tại TP.HCM, tôi đã nhờ đồng chí Phạm Phương Thảo trao lại cho Thành đoàn TP.HCM để đưa vào bộ sưu tập hình ảnh lưu niệm của phong trào.

Sau đám tang Trần Văn Ơn, chúng tôi nghĩ có nên tiếp tục bãi khóa hay không, nhằm đạt yêu sách nào? Còn việc hình thành một tổ chức kháng chiến nào đó trong lòng đô thị thì tôi chưa nghĩ đến.

Trong lúc đó thì cha mẹ học sinh ngày càng sốt ruột về sự học hành của con em, không ít học sinh cứ nghỉ học mãi mà không có một mục đích rõ ràng cũng dần dần thối chí. Chỉ có một số ít qua cuộc đấu tranh này đã quyết định chọn con đường đi mới là ra bưng kháng chiến. Những anh chị em mà chúng tôi hết sức mừng rỡ khi bất ngờ gặp lại nhau trong chiến khu và đã mãi trở thành những đồng chí đồng đội của tôi.

Thế rồi học sinh trong trường đã lần lượt trở lại lớp theo ý muốn của cha mẹ và một phần vì lo ngại có thể bị đuổi học. Trước tình hình này chúng tôi quyết định thôi không yêu cầu bãi khóa nữa, mà không quyết định cũng không được!

Một lần nữa tôi lại in bột làm truyền đơn đem phát tán trong học sinh với suy nghĩ một là để cho người ta yên tâm đi học trở lại, hai là để người ta coi như ban lãnh đạo vẫn còn tồn tại. Cũng rất may là cái ban lãnh đạo ”tự phong” này vẫn còn có ”uy”, nên sau đó thấy mọi người trở lại trường không chút e ngại. Và như vậy là phong trào đã tạm kết thúc.

________

Kỳ tới: Những ngày tháng tuổi trẻ sục sôi

NGUYỄN LONG TRẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên