07/01/2015 11:00 GMT+7

​Bãi khóa lan xuống miền Tây

NGUYỄN LONG TRẢO
NGUYỄN LONG TRẢO

TT - Vào những tháng cuối năm 1949, ở Sài Gòn chánh quyền bù nhìn của thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu đã bắt giam bảy học sinh Trường Pétrus Ký...

Cậu học trò cầm biểu ngữ (bên phải) dẫn đầu đoàn biểu tình của học sinh Sài Gòn chính là Phạm Xuân Ẩn, sau này trở thành nhà tình báo huyền thoại - Ảnh tư liệu
Cậu học trò cầm biểu ngữ (bên phải) dẫn đầu đoàn biểu tình của học sinh Sài Gòn chính là Phạm Xuân Ẩn, sau này trở thành nhà tình báo huyền thoại - Ảnh tư liệu

Khi ấy tôi đang học ở Trường Phan Thanh Giản - Cần Thơ. 

Việc này đã làm nổ ra phong trào bãi khóa rộng khắp, yêu cầu trả tự do cho các học sinh nói trên, và cuộc đấu tranh giữa học sinh với chánh quyền bù nhìn diễn ra thật quyết liệt. Phong trào đấu tranh này không chỉ sôi sục ở Sài Gòn mà đã lan rất nhanh đến các trường trung học ở miền Tây, như Trường trung học Mỹ Tho và Trường trung học Phan Thanh Giản - Cần Thơ, nơi tôi đang theo học.

“Tụi mình tính sao đây?”

Một buổi sáng khi đang trên đường đến trường thì thằng Kính là học sinh năm thứ tư đến gặp tôi nói: ”Ê Trảo! Học sinh Mỹ Tho đã bãi khóa rồi, tụi mình tính sao đây?”.

Không biết tại sao nó chọn đúng tôi mà hỏi, phải chăng dù học ở lớp dưới nhưng tôi lại lớn con, hay do nó đã nghe chuyện tôi từng chống lại nhà trường, hay có ai đã nói cho nó biết tôi là đứa từ vùng kháng chiến trở ra, hay là do sự chỉ đạo của ai đó?

Tin học sinh Sài Gòn bãi khóa thì tôi đã biết, nhưng tin Mỹ Tho bãi khóa thì mới. Cho dù đang đeo đuổi nguyện vọng phải học lên cao để lại trở vào kháng chiến, nhưng cái máu chống Tây nó đang chứa sẵn trong con người tôi, mà đây lại là một dịp nên hễ chạm là bật liền.

Tôi trả lời ngay: ”Phải làm chớ! Nhưng mà làm sao đây?”. Nó bèn kéo tôi đến gặp một thằng nữa tên Phương, cũng học sinh năm thứ tư, để cùng bàn.

Cho đến tận bây giờ tôi cũng không biết được lúc đó có ai lãnh đạo chỉ đạo gì tụi nó không, mà tôi cũng đâu có cần biết gì về việc đó, nhưng cứ có dịp chống Tây là làm.

Chúng tôi hợp thành ban lãnh đạo, chẳng có ai trưởng ai phó gì cả, chia nhau đi vận động học sinh các lớp bãi khóa bằng cách nói truyền miệng với nhau, nhưng cách đó không thể truyền đạt tới tất cả các học sinh, mà việc làm này cũng rất dễ bị bể nên chúng tôi quyết định thay bằng cách viết truyền đơn.

Hồi ở trong khu, tôi từng biết đến cách in bột, nên sau khi cùng nhau thống nhất nội dung, tôi ra chợ mua bột nếp, mực pô-ly-cọp-py và giấy trắng mang về nhà tôi để in ấn. Một mình tôi cày cục viết và in gần trọn đêm được vài trăm tờ, sáng hôm sau chia nhau đi nhét vào hộc bàn của các lớp để kêu gọi toàn thể học sinh cùng tham gia bãi khóa.

Mặt khác chúng tôi còn viết tay một số apphich vận động bãi khóa đem dán trên một số gốc cây trong thành phố.

Do tác động dồn dập của các nguồn tin về phong trào bãi khóa của học sinh các trường ở Sài Gòn rồi đến Mỹ Tho, và một số học sinh cũng đã được chúng tôi truyền tai vận động trước, nên phong trào bùng lên rất nhanh. Đại đa số học sinh cấp trung học đều hưởng ứng, không cắp sách đến trường. Đúng là một kết quả bất ngờ!

Bãi khóa

Khách quan mà nói, kết quả này sở dĩ có được không phải đơn thuần là do cuộc vận động của chúng tôi mà một phần rất quan trọng là sự đồng tình ủng hộ của cha mẹ học sinh.

Mọi người đều hết sức bất bình khi báo chí dồn dập đưa tin về việc bọn chúng đã bắt bớ học sinh sinh viên, và cuộc đấu tranh của học sinh sinh viên đã trở thành mối quan tâm chung của mọi người đã có tác động rất lớn đến tâm tư tình cảm của người dân thành phố Cần Thơ, cũng do đó mà không ai cố bắt buộc con em mình phải cắp sách đến trường khi phong trào bãi khóa ngày càng lan rộng.

Trong thời gian này chúng tôi luôn có mặt ở trường để theo dõi tình hình và rất mừng là phong trào đã duy trì khá tốt.

Song song theo đó chúng tôi lại tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trao đổi tin tức, mở các nhịp cầu giao lưu kết bạn... tại trường học, tạo ra một bầu không khí sôi nổi rất có sức thu hút đối với tuổi trẻ, trám vào thời gian nghỉ học.

Người ta bảo rằng các cuộc đấu tranh thường mang đến đồng cảm gắn bó nhau và quả là đúng như vậy. Sự đồng lòng tham gia các cuộc đấu tranh bãi khóa đã khiến mối quan hệ giữa học sinh ở các lớp trở nên gần gụi hơn, chan hòa hơn, khác hơn rất nhiều so với trước đây.

Bên cạnh đó cuộc bãi khóa còn có sức hút của các bạn nữ, nhất là những ”hoa khôi” trong trường. Đó là cô T., học sinh năm thứ tư, con gái một điền chủ ở Bạc Liêu, đẹp nhất trường, sau này tôi có dịp gặp lại khi cô cùng chồng là một bác sĩ đã cùng du học ở Pháp trở về Hà Nội trong thời kỳ còn chiến tranh.

Một cô nữa tên T., học năm thứ ba, sống trong gia đình của thầy Kiết, từng là người đẹp khi xưa của nhạc sĩ H.B., sau này có vào kháng chiến. Còn tôi thì đã kết thân với cô Lê Thanh Liễu, học dưới tôi một lớp cùng hệ Lycée, là con của ông Lê Văn Nghi, chủ Hãng xe Đại Đồng, mà lại là cháu ruột của thủ tướng Lê Văn Hoạch.

Trong trường hợp này tôi lại quên mất thân phận của mình, nhưng phải chăng đây là sự trong sáng vô tư trong tình cảm học trò, nên tình bạn này đã khắc sâu trong tâm trí tôi qua những năm tháng dài kháng chiến. Sau ngày giải phóng tôi có gặp lại cô tại Sài Gòn sau cả ngày lặn lội đi tìm kiếm ở Cần Thơ, gia đình con cái đề huề, hạnh phúc. Cô chỉ nhẹ nhàng trách tôi là tại sao lúc đó ra đi mà không nói một lời nào cả!

Một trong những bài hát được mọi người ưa thích lúc bấy giờ theo tôi nhớ là bài Học sinh hành khúc, với những câu rất hợp ý tưởng của học sinh như Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau/Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao/Lúc khắp quốc dân tranh đấu hi sinh cho nền độc lập...

Bài hát không có vẻ gì là chính trị nhưng lại rất chính trị. Nó nói toàn dân đang tranh đấu hi sinh cho nền độc lập, vậy thì đang đấu tranh chống ai để giành độc lập? Tuy không vạch mặt chỉ tên nhưng chẳng cần suy nghĩ thì ai cũng dư hiểu rằng đó là thực dân Pháp. Sống trong vùng kiểm soát của Pháp mà say sưa hát lên những câu hát như thế, chứng tỏ lòng yêu nước của đại đa số học sinh trong nội thành lúc đó thấm sâu đến nhường nào!

Nhạc sĩ Lê Thương
Nhạc sĩ Lê Thương

Học sinh hành khúc là một bài hát phổ biến trong học đường miền Nam. Bài hát này ra đời trong phong trào đấu tranh sôi sục của học sinh Sài Gòn năm 1949-1950. Tác giả ca khúc này là nhạc sĩ Lê Thương, một thành viên tích cực trong cuộc tranh đấu năm ấy.

Học sinh hành khúc
Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau.
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao.
Lúc khắp quốc dân tranh đấu hi sinh cho nền độc lập.
Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu.
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên!
Học sinh là mầm sống của ngày mai.
Nung đúc tâm hồn để noi chí lớn.
Theo các thanh niên sống vì giống nòi.
Liều thân vì nước, vì dân mà thôi.
Học sinh là người mới của Việt Nam.
Đã thoát xa một thời xưa tối ám.
Đem sức thanh tân chống mọi suy tàn
Học sinh làm sáng đời dân Việt Nam.

_____

Kỳ tới: Kéo lên Sài Gòn dự đám tang trò Ơn

NGUYỄN LONG TRẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên