29/06/2015 19:51 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 10 - Viếng thăm Việt Nam với tổng thống Pháp

GS TRẦN VĂN KHÊ
GS TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Năm 1993 có một sự kiện hết sức quan trọng đối với tôi là được tổng thống Pháp François Mitterrand mời vào phái đoàn Pháp đi cùng ông trong chuyến công du chánh thức sang Việt Nam.

GS Trần Văn Khê (giữa), NSND Phùng Há (trái) và nhạc sĩ Vĩnh Bảo năm 1989 - Ảnh tư liệu

Khi mới nghe tin tôi vô cùng ngạc nhiên, không biết ai đã đưa tên tôi vào danh sách này? Về sau tôi nghe nói rằng đầu tiên văn phòng Phủ tổng thống chọn lựa tên tuổi của hơn 60 người Việt Nam đang sanh sống tại Pháp và sau khi sàng lọc mới trình lên tổng thống Mitterand danh sách cuối cùng để đích thân ông chọn lựa.

Hôm đó tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại, người đầu dây tự xưng:

- Đây là văn phòng của tổng thống. Chúng tôi xin nói chuyện với giáo sư Trần Văn Khê.

- Dạ tôi đây! Thưa có chuyện chi?

- Xin báo với giáo sư, tổng thống sắp có một chuyến công du đến Việt Nam. Trong lần công du này tổng thống có mời 30 người khách cùng đi, trong đó có giáo sư. Nếu giáo sư đồng ý xin vui lòng trả lời cho chúng tôi biết để ghi tên vào danh sách của phái đoàn.

Tất nhiên tôi nhận lời ngay không chút do dự. Thơ mời chánh thức được một viên sĩ quan của Phủ tổng thống ăn mặc chỉnh tề đem trao tận tay tôi với thái độ hết sức trân trọng và lịch sự.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>> Kỳ 3: Đất khách quê người
>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống
>> Kỳ 5: Chuyện gia đình
>> Kỳ 6: Bôn ba bốn biển năm châu
>> Kỳ 7: Quy cố hương
>> Kỳ 8: Những cuộc tao ngộ thú vị
>> Kỳ 9: Một chuyến đi Bắc Triều Tiên 

>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1
>> Hồi ký Trần Văn Khê phần 2

Hôm sau một sĩ quan khác đem đến cho tôi một bao thơ lớn, trong đó gồm tất cả các thiệp mời dự tiệc chiêu đãi trong suốt thời gian ở Việt Nam, trên mỗi thiệp đều có ghi: “Tổng thống và bà Mitterrand vinh hạnh mời giáo sư tham dự buổi chiêu đãi”. Kèm theo là danh sách những khách mời với chương trình hoạt động và làm việc của chuyến đi. Ngoài ra còn có tài liệu ghi lại những nét khái quát về đất nước Việt Nam, cả địa lý, lịch sử và văn hóa để người đi có một khái niệm tổng quát về nơi mình sắp đến thăm. Nhìn cả một phong thơ dày cộm tôi thấy rõ rằng chuyến đi được chuẩn bị rất công phu.

Tới ngày đi, tôi đón taxi nhưng khi nhìn thấy địa chỉ thì người tài xế cho biết:

- Người thường không được vào vùng này của phi trường Roissy.

- Không sao, anh cứ đi vì tôi có giấy mời tới đó.

Quả nhiên khi xe vừa chạy đến nơi thì thấy lính gác đứng đầy và xua tay ra hiệu phải đi chỗ khác. Tôi nói với người tài xế:

- Anh cứ ngừng lại đây chờ tôi.

Tôi xuống xe đưa giấy mời, lập tức mấy người lính đứng nghiêm chào và cho xe chạy tiếp vô trong. Xe ngừng trước một một dinh thự rộng lớn, bước vào bên trong tôi thấy đã có đông người đứng quanh các bàn tiệc bày biện sẵn, gồm các bộ trưởng, viên chức chánh phủ, những người khách mời cùng với đoàn tùy tùng đi theo tổng thống. Một lát sau Thủ tướng Berégovoy đến. Ông bắt tay chào từng người và nói:

- Trước hết tôi xin thay mặt Chánh phủ Pháp cám ơn quí vị đã nhận lời mời của tổng thống đi chuyến công du này và thay mặt Hội đồng chánh phủ kính chúc quí vị lên đường bình an.

Đến tận lúc đó tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên, nghĩ bụng chuyện này cũng lạ quá, mình là công dân Việt Nam, hiện đang hưu trí, vậy mà bỗng nhiên giờ này tôi đứng đây, được thủ tướng Pháp đích thân tới chúc thượng lộ bình an. Chuyện đó quả là ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi còn đang nghĩ ngợi mông lung thì cửa mở và tiếng một người dõng dạc xướng lên “Tổng thống đến” rồi ông Mitterand xuất hiện, miệng tươi cười, tiến tới thân mật bắt tay từng người:

- Hết sức cám ơn quí vị đã nhận lời mời đi với tôi trong chuyến công du này. Mong rằng chuyến đi không làm quí vị quá mệt mỏi và hy vọng những chuyến gặp gỡ sắp tới sẽ đem lại lợi ích cho quí vị.

Ông mời mọi người cùng nâng ly, lát sau một viên sĩ quan bước vô trịnh trọng chào báo tin:

- Đã tới giờ khởi hành, xin kính mời tổng thống và quí vị chuẩn bị lên máy bay.

Cánh cửa phòng mở ra, phía bên ngoài là chiếc chuyên cơ của tổng thống đậu sẵn, có thảm đỏ trải dài từ cửa phòng đến tận máy bay. Đoàn người theo chân tổng thống tiến đến phi cơ, vừa bước ra bên ngoài thì đoàn quân nhạc trỗi lên bài quốc ca Pháp. Tôi lại tự nhủ: “Lạ thật, một công dân Việt Nam như mình, không địa vị, không chức tước mà giờ đây được tháp tùng tổng thống, được cả đội quân nhạc của Phủ tổng thống đánh bài quốc ca đưa tiễn!”. Sau bài quốc ca, ban nhạc tiếp tục tấu một bản quân nhạc vui tươi cho đến khi cả đoàn lên hết trên máy bay.

Chuyên cơ của tổng thống thường khi là máy bay Concorde, lần này có lẽ vì phái đoàn đông thêm cả đội ngũ báo chí nên Ban tổ chức sắp đặt trang trí một máy bay Airbus thành chuyên cơ với phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ của tổng thống và một phòng riêng của bà Mitterrand. Lần đó không có mặt bà Mitterand, nghe nói vì lý do sức khỏe (nhưng thật ra hình như bà có chuyện không vui) nên giờ chót không đi. Các bộ trưởng ngồi ở một khoang riêng, khách mời ngồi tiếp theo phía sau và dãy sau cùng dành cho báo chí. Ghế ngồi trên chuyên cơ thật đặc biệt, êm ái và rộng lớn hơn cả những ghế hạng nhứt của máy bay dân dụng, trên mỗi ghế có gắn sẵn tên từng vị khách. Mỗi dãy chỉ có bốn ghế và một cô tiếp viên đặc trách lo việc tiếp đãi nước uống, thức ăn. Tất nhiên thức ăn trên chuyến bay toàn là những món sơn hào hải vị để chiêu đãi thượng khách, từ trứng cá hồi đến gan ngỗng cùng đủ thứ rượu.

Trên máy bay tôi hội ngộ hai đồng nghiệp là giáo sư Georges Condominas, một nhà dân tộc học cha Pháp mẹ Việt, đã từng sống trên dãy Trường Sơn rất lâu. Người thứ hai là Trịnh Xuân Thuận, giáo sư Việt Nam sanh sống bên Mỹ đang dạy ngành vật lý thiên văn tại Đại học Virginia. Đây là một nhân vật tiếng tăm trên thế giới, mặc dầu dạy học bằng tiếng Mỹ nhưng chuyên viết sách bằng tiếng Pháp và rất được người Pháp ưa chuộng vì sách của ông tuy đề cập đến những chuyện cao siêu trên trời dưới đất nhưng văn phong nhẹ nhàng, giản dị và đầy chất thơ.

Trong chuyến đi tuy ngồi cách xa nhau nhưng ba chúng tôi thường gặp nhau chuyện trò. Anh Condominas có nhiều dịp về Việt Nam nghiên cứu về dân tộc học. Anh Trịnh Xuân Thuận thì rời Việt Nam đã mấy chục năm nay mới về nước lần đầu. Anh rất hân hoan và hy vọng có dịp trở về thăm quê nhà tại một tỉnh miền Bắc.

Thỉnh thoảng trong chuyến đi, chúng tôi cũng gặp tổng thống và được ông đứng lại chào, vui vẻ hỏi han. Tôi nghĩ cũng lạ, khi ở bên Pháp muốn gặp ông thật vô cùng khó khăn, bỗng nhiên nay mình gặp dễ dàng, lại còn nói chuyện thân tình như bà con lâu ngày gặp lại.

Chuyến bay khởi hành từ Paris trực chỉ Hà Nội chớ không quá cảnh nơi nào và sau hơn 12 giờ bay đến Hà Nội đúng giờ đã định. Mỗi người được hướng dẫn tới chiếc xe dành cho mình, xuống máy bay thì đi thẳng lên xe ngồi, thủ tục xuất nhập cảnh đã có người lo. Tôi đi trên xe số 6 cùng với đại tướng Tổng tư lệnh quân đội Pháp, ông cũng đồng thời cai quản cả vùng Invalides. Chúng tôi tự giới thiệu với nhau rồi viên đại tướng tâm sự:

- Ngày xưa tôi từng là tù binh tại Điện Biên Phủ. Trở lại Việt Nam lần này tôi rất háo hức vì nghe nói sẽ có đến viếng Điện Biên Phủ. Nhưng ước mong lớn nhứt của tôi khi qua đây là được dịp gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người tuy không cùng chiến tuyến nhưng tôi vô cùng kính trọng và mong mỏi được diện kiến.

- Tôi được biết sẽ có một buổi tiệc do đại sứ quán Pháp thay mặt chánh phủ Pháp chiêu đãi. Nếu có dịp thuận tiện tôi sẽ trình bày với Ban tổ chức sắp xếp cho đại tướng được ngồi gần đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Nếu được vậy thì thật tuyệt vời!

Trong những lần về nước tôi vẫn lui tới đại sứ quán Pháp nên có quen biết vị tùy viên văn hóa. Ngoài ra trong Ban tổ chức tiếp đón đoàn chánh phủ Pháp cũng có người Việt Nam nên tôi đến gặp họ nói sơ qua nguyện vọng của ông đại tướng Pháp. Nhờ vậy tôi biết chắc chắn Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến dự buổi chiêu đãi và là một trong những thượng khách của chánh phủ Pháp.

Tôi cũng đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1980 trong lần về nước nói chuyện về Nguyễn Trãi, lần đó trong buổi chiêu đãi đại tướng đến gặp tôi nói:

- Nghe anh nói chuyện âm nhạc thời đại của Nguyễn Trãi, biết được nhiều chuyện lý thú quá.

Vì vậy khi gặp đại tướng trong buổi chiêu đãi lần này tôi tới chào ông:

- Xin phép giới thiệu với đại tướng đây là tổng tư lệnh quân đội Pháp muốn được gặp gỡ nói chuyện với đại tướng vì trước đây ông ấy có tham gia trận Điện Biên Phủ.

Đại tướng vui vẻ bắt tay cười nói với viên tổng tư lệnh và cùng nhau nhắc lại chuyện cũ một cách thoải mái. Ban tổ chức sắp xếp cho hai người ngồi cùng bàn, vậy là viên tổng tư lệnh quân đội Pháp vô cùng mãn nguyện.

Tôi ngồi cùng bàn với giáo sư Vũ Khiêu cũng là người nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam. Bàn nào cũng gồm có thành viên của hai phái đoàn Việt Nam lẫn Pháp và dĩ nhiên tôi thuộc về phái đoàn Pháp. Đây cũng là điều khiến tôi thấy lạ lẫm! Từ nhiều năm nay tôi thường xuyên về nước nghiên cứu làm việc như một công chức chuyên viên của chánh phủ Pháp nhưng là một công dân Việt Nam. Bỗng nhiên hôm nay, trên sân khấu trường đời tôi phải đóng một vai hoàn toàn khác hẳn, phải đi đứng, tiếp xúc, xử sự với cương vị một thành viên trong chuyến công du chánh thức của vị nguyên thủ một quốc gia đến viếng xã giao... tổ quốc mình.

Khi vừa tới Việt Nam, tôi hỏi Ban tổ chức:

- Tôi có thể quay phim chuyến đi để kỷ niệm được không?

- Tại sao ông cần phải quay, chính người ta phải quay phim ông chớ ông quay người khác làm chi?

- Không, người ta quay thì tôi lại không có hình giữ kỷ niệm. Do đó tôi muốn quay mà không biết theo qui chế tổ chức tôi có quyền làm vậy không?

- Qui chế không đề cập đến việc này, do vậy ông cứ làm theo ý mình vì ông là khách.

Lần đó tôi là người độc nhứt trong phái đoàn có đem theo máy quay nhỏ thâu được những thước phim đặc biệt trong chuyến đi đáng ghi nhớ này.

Tại Hà Nội, phái đoàn ở tại khách sạn Tây Hồ. Ban tổ chức Việt Nam đối với tôi cũng có phần ưu ái. Khi tới nơi, bộ ba chúng tôi cùng đi với nhau nhưng rồi anh Condominas và anh Trịnh Xuân Thuận được hướng dẫn lên trước, còn một mình tôi đứng lại. Sau đó tôi lại được đưa lên tầng lầu đối diện, tôi thắc mắc không hiểu tại sao mình không được xếp ở chung với các bạn thì được Ban tổ chức cho biết:

- Phòng bên đây đẹp và lớn hơn nhiều nhưng chỉ có ít phòng, nếu mọi người ở hết thì không đủ. Do đó chúng tôi chỉ mời riêng giáo sư, từ phòng này có thể ngắm được bao quát cả phong cảnh rất đẹp của hồ Tây.

Quả nhiên nơi dành cho tôi hết sức tiện nghi gồm mấy phòng rất rộng rãi, tôi ấm lòng nghĩ rằng đó cũng là tình của người trong nước đối với tôi và cám ơn Ban tổ chức. Tuy tôi là người Việt nhưng cũng vẫn phải có một người thông dịch riêng - một người Pháp biết tiếng Việt - để được hướng dẫn việc đi đứng di chuyển và chương trình làm việc hàng ngày.

Có một chuyện đặc biệt làm tôi rất cảm động trong bữa dự tiệc chiêu đãi tại Phủ chủ tịch Nhà nước Việt Nam. Chờ quan khách tiến vào hết bên trong, tôi và anh Trịnh Xuân Thuận đứng lại trên tấm thảm đỏ trải dài phía bên ngoài và nói với nhau: “Mấy thuở mình được đi vào Phủ chủ tịch trên thảm đỏ, anh chụp tôi một tấm hình, tôi chụp anh một tấm để kỷ niệm”. Vào Phủ chủ tịch rồi thì phái đoàn chia ra hai bên Pháp và Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó chủ tịch nước, từ bên phái đoàn Việt Nam bước qua bên phía phái đoàn Pháp để bắt tay tôi. Tôi cúi chào và đưa chị trở về phía đoàn Việt Nam, chị Bình đưa tôi đến giới thiệu với Chủ tịch Lê Đức Anh:

- Đây là anh Trần Văn Khê, mặc dầu ở trong phái đoàn Pháp nhưng anh mang quốc tịch Việt Nam và đã về nước làm việc nhiều lần.

Ông chủ tịch trả lời:

- Tôi có biết và đã nghe nói nhiều về anh Khê.

Bỗng nhiên tôi đứng trong phái đoàn Pháp mà không ở yên như người ta, đi qua đi lại chào hỏi nhiều người, kể ra cũng trái với qui định vì trong những nghi lễ đón tiếp chánh thức, ai được sắp ở đâu phải ở yên nơi đó chớ không được di chuyển. Nhưng may mắn mọi người đều thông cảm mà không có ý kiến phiền hà gì tôi.

Khi vô Sài Gòn cũng vậy, tôi ngồi phía bên phái đoàn Pháp, rất nhiều bạn bè tôi ngồi đối diện phía phái đoàn Việt Nam. Tại miền Nam phái đoàn được sắp xếp ở tại khách sạn Rex, tất cả các nhân viên tại đây đều mặc quốc phục trong thời gian tiếp phái đoàn.

Đêm đầu tiên Tổng thống Mitterand muốn dùng cơm tại nhà hàng của chị luật sư Nguyễn Phước Đại ở đường Nguyễn Du. Người nào không tháp tùng theo tổng thống thì lên lầu thượng khách sạn Rex dùng bữa tiệc gồm các món ăn truyền thống Việt Nam. Tôi vẫn thường xuyên ghé ăn ở nhà hàng của chị Nguyễn Phước Đại, đi với bạn bè hoặc do chính chị mời riêng nên hôm đó tôi ở lại khách sạn, được ăn tối ngoài trời trên sân thượng với những thức ăn dân tộc đặc sắc như chạo tôm, chả giò, bì cuốn, gỏi cuốn, tất cả đều rất ngon.

Hôm tổng thống Mitterand cùng phái đoàn Pháp đi bộ dọc con đường Nguyễn Huệ, đông đảo người dân thành phố tụ tập niềm nở đón chào. Tôi cũng đi lẫn trong phái đoàn, bỗng nhiên nghe có người kêu: “Chú Hai! Chú Hai!”. Tôi quay lại thì thấy cháu Minh Quyên, con của người anh họ tôi là Đặng Minh Trứ đang đứng bên lề đường nhìn thấy tôi rối rít gọi rồi chạy lại chào. Đi thêm một đoạn lại nghe kêu: “Thầy ơi! Thầy ơi!”, thì ra là Michiko, cô sinh viên Nhựt Bổn làm luận án cao học về ca khúc của Trịnh Công Sơn bên Pháp, chạy tới chào tôi. Chung quanh tôi là vô số những cánh tay đưa ra mong được có dịp một lần bắt tay chào mừng Tổng thống Mittérrand.

Chuyến công du diễn tiến tốt đẹp và vui vẻ trong suốt chuyến đi. Ngày trở về gặp lúc tiết trời Paris lạnh buốt thấu xương. Máy bay cũng hạ cánh ngay bên cạnh tòa nhà riêng như hồi đi. Mặc dầu đã rất khuya nhưng Tổng thống Mitterand vẫn lịch sự đứng ngay tại cửa dinh bắt tay từng người chào từ biệt: “Cám ơn ông đã đi theo chuyến công du của tôi. Xin chúc ông nhiều sức khỏe”, giống như một người chủ nhà nồng hậu ân cần từ giã khách.

Những ngày sau đó tôi được mời lên phủ tổng thống gặp hai người cố vấn đặc biệt của tổng thống. Họ cho biết:

- Chúng tôi mời tất cả khách đi trong chuyến công du vừa qua vui lòng ghi lại cảm tưởng và trả lời một số câu hỏi để góp ý kiến giúp nhà nước hình thành một chánh sách đối với Việt Nam thiết thực và có hiệu quả hơn.

Những câu hỏi dành cho tôi là về lãnh vực văn hóa. Tôi viết một báo cáo ngắn gọn trong đó đưa ra vấn đề cấp học bổng cho người Việt Nam, đề xuất những hoạt động về mặt âm nhạc, về trao đổi văn hóa giữa hai nước.

Đây quả là một trong những chuyến đi mà tôi không chờ đợi nhưng mang lại nhiều thú vị nhứt. Không hiểu do cơ duyên nào mà tôi được tham dự một chuyến công du đến chính đất nước Việt Nam của mình, thật là một giấc mơ đẹp trong cuộc đời!

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)
**********

Kỳ 11: Nói chuyện trên đất Mỹ

GS TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên