26/10/2022 10:24 GMT+7

Hơi ấm người dưng - Kỳ 3: Tấm lòng của Thảo 'còi'

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Lòng tốt vốn không có ranh giới, vì vậy một số bạn trẻ dù không dư dả nhưng luôn sẵn lòng gieo hạt mầm yêu thương cho cuộc đời đẹp hơn.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 3: Tấm lòng của Thảo còi - Ảnh 1.

Ánh Thảo bén duyên hoạt động thiện nguyện đã hai năm

Trường hợp Phạm Thị Ánh Thảo (27 tuổi, ngụ Đồng Nai) là một câu chuyện về lòng tốt dung dị như thế.

Cô công nhân ưa việc thiện nguyện

Đêm muộn, ấp Ràng khá heo hút thuộc xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TP.HCM), Ánh Thảo loay hoay xem lại các việc cho chương trình thiện nguyện của nhóm mình. 

Buổi chiều, cô đã chạy xe máy hơn 80km từ TP Biên Hòa, ghé đón một tình nguyện viên khác ở khu vực Suối Tiên. Sau đó, cô chạy qua điểm tập trung ở Củ Chi này để sáng mai khởi hành sớm.

Vóc người nhỏ nhắn, Thảo cùng các thành viên khác vừa kiểm các phần quà, vừa xem lại danh sách người tham gia. Xong, cô quay sang lo liệu chỗ ngủ cho tình nguyện viên. 

Hết ngó nghiêng bên này, cô lại "chỉnh đốn" công việc bên kia, giọng trong trẻo pha trò. Lần đầu làm nhiệm vụ điều phối chính nhưng cô gái trẻ tỏ ra khá chu toàn.

Sáng hôm sau, Thảo cùng các thành viên khác nhanh chóng mỗi người một việc. Người trò chuyện với các cụ già ở địa phương, người phân phát các phần quà. 

Gương mặt lấm tấm mồ hôi, cô lại quay sang phụ gói bánh tét để địa phương gửi tặng đồng bào miền Trung sau đợt bão lũ. Khi được hỏi có mệt không, Thảo nhoẻn miệng cười và tiếp tục chọc ghẹo mọi người để ai cũng hứng khởi làm việc.

Thảo trải lòng: "Tôi đã tham gia những chuyến thiện nguyện tương tự, có chuyến tổ chức vui chơi trung thu cho trẻ em ở TP.HCM, có chuyến đi gói bánh tét ở Kiên Giang. Được đi nhiều tôi thấy vui và thấy cuộc sống cũng ý nghĩa hơn. Ngoài việc có thể làm chút gì đó giúp đỡ người khác, tôi tự nhủ đi một ngày đàng, học một sàng khôn...".

Tấm lòng quý hơn bạc tiền

Luôn nở nụ cười nhưng nhắc đến cuộc sống riêng, Ánh Thảo bộc bạch rằng cảnh nhà cũng khó khăn nên từ nhỏ cô đã nghĩ đến chuyện kiếm tiền phụ giúp gia đình. 

"Nhà tôi ở vùng sâu vùng xa Đồng Nai. Những năm tiểu học tôi hay theo mẹ đi hái điều thuê, đan giỏ lục bình. Tôi còn nhớ cảnh mẹ con đi lượm hạt điều trên sườn đồi buổi chiều, thấy thương nên người ta trả tiền công cho tôi luôn...", Thảo kể.

Lên cấp III, mùa hè thay vì đi học thêm, đi chơi như bạn bè cùng trang lứa, Thảo xuống TP Biên Hòa tìm việc thời vụ. 

Cô nói: "Tôi dùng số tiền kiếm được để đóng tiền học, mua quần áo, sách vở để mẹ bớt lo toan. Đó có lẽ là lý do khi học đại học ở Đồng Nai xong, với suy nghĩ đơn giản muốn một công việc đủ sống, tôi đã thử đi làm công ty may". 

Sau hai năm ở trọ tại TP.HCM, cô chuyển về TP Biên Hòa sống cùng chị gái.

Cái duyên đến với hoạt động thiện nguyện của Thảo cũng rất tình cờ. Cô tâm sự: "Năm 2020, tôi tham gia một cộng đồng của các bạn trẻ và quen biết chị Huỳnh Thanh Thảo. Chị hay đứng ra tổ chức các chương trình thiện nguyện".

 Hiểu Thanh Thảo là một cô gái xương thủy tinh giàu nghị lực, cô quyết định tham gia chuyến thiện nguyện đầu tiên trong đời vào hai năm trước: tổ chức vui trung thu cho trẻ em ở nhà của Thanh Thảo thuộc ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.

Tuổi trẻ vất vả nhưng cũng thật đẹp khi có những chiều tan ca, Ánh Thảo như con chim nhỏ hào hứng chạy xe lên nhà Thanh Thảo để phụ giúp việc thiện nguyện. 

Ngày mưa gió, cô cũng không ngại lên đường dù đến nơi, đôi khi người đã ướt mèm. Dường như cô luôn sẵn câu nói "không sao đâu, vui mà" khi ai đó hỏi han...

Thảo tâm sự rằng trước đây cô là người ít nói, gặp người mới quen sẽ ít khi chuyện trò thân mật. 

"Dần dần, qua những chuyến đi, tôi cảm thấy bản thân cũng cởi mở hơn", cô trải lòng. Cô xem những việc mình làm chỉ là những điều bé nhỏ, không thấm vào đâu so với nhiều tấm lòng khác...

Hơi ấm người dưng - Kỳ 3: Tấm lòng của Thảo còi - Ảnh 2.

Ánh Thảo (phải) giúp đỡ Thanh Thảo trong hoạt động thiện nguyện - Ảnh: Y.TRINH

Thảo chị, Thảo em

Nhắc đến Thanh Thảo, người đã gieo duyên cho mình đến với việc thiện nguyện, Ánh Thảo cho biết cô coi đó là người chị thân thiết. 

Do bệnh xương thủy tinh, Thanh Thảo không thể đi đứng như người bình thường. Với sự nỗ lực và tình yêu cuộc sống, Thanh Thảo đã lập ra thư viện mini Cô Ba hoạt động miễn phí ở ngôi nhà của mình, cùng với việc dạy học, tạo quỹ học bổng... giúp học sinh nghèo ở địa phương. 

Cô gái mạnh mẽ đã đi nhiều nơi, tham gia nhiều khóa học, nhiều chương trình hội thảo nhằm có đường hướng giúp đỡ cho những ai gặp cảnh ngộ như mình.

Cảm phục nghị lực sống đó, Ánh Thảo cũng dần yêu thích công việc thiện nguyện và trong hơn hai năm qua, cô phụ giúp về tinh thần cho Thanh Thảo trong khả năng của mình. 

Khi Thanh Thảo ra Hà Nội nhận giải thưởng liên quan người khuyết tật cách đây hai năm, Ánh Thảo đã đi cùng người chị "xã hội". 

Lần đầu ẵm chị lên máy bay, cô hơi khó xoay xở vì chị cũng nặng hơn 30kg. 

"Nhưng sau đó tôi quen dần, chăm sóc và muốn phụ chị những việc linh tinh khác trong sinh hoạt", cô nói. Mới đây, cô cũng vừa "tháp tùng" chị mình một chuyến ra Hà Nội, và tranh thủ khám phá thủ đô.

Trong một số chuyến thiện nguyện, Thảo chị, Thảo em - như cách gọi vui của mọi người - cùng các thành viên khác bàn kế hoạch, chuẩn bị mọi thứ. Việc "chat chit" đêm muộn hoặc "sấp mặt" chuẩn bị từ những thùng sữa, hộp kem đánh răng, cho đến túi đựng quà... là bình thường. 

Ánh Thảo cũng không ngại xin nghỉ phép ở công ty nếu chuyến đi trúng các "ngày thứ" (ngày làm việc trong tuần). Dường như ngày phép trong năm cô đã dành hết cho những việc không tên nhưng mang lại niềm vui ý nghĩa này.

Nói về người em quen biết hai năm nay, chị Thanh Thảo cho biết Thảo "còi" - biệt danh mà chị đặt cho Ánh Thảo - là cô gái nhiệt tình và làm gì cũng cẩn thận. 

"Nhờ bé Thảo kiểm quà, chuẩn bị đồ đạc, tôi yên tâm vì không sợ quên thứ gì. Đợt vừa rồi giờ chót tôi bận không đi được, em cùng với các thành viên khác đã giúp tôi thu xếp nhiều thứ...", chị chia sẻ.

Hai chị em cũng thường có những giờ phút cười đùa vui vẻ, những tấm hình "selfie" hài hước. Ba mẹ của Thảo chị cũng xem Thảo em như con cái trong nhà khi tận tình nấu cho cô và thành viên nhóm những bữa cơm ấm cúng. 

Thảo chị - một người đã quên đi nỗi bất hạnh của bản thân và Thảo em - một người san sẻ nỗi niềm đó bằng cách dành thời gian, công sức phụ giúp. Họ như những giọt nước dù bé nhỏ góp phần làm dịu mát cuộc đời.

Chiều muộn, sau khi trở về từ chuyến đi, Ánh Thảo "xung phong" pha cà phê cho mọi người uống để tỉnh táo chạy xe về, vì có người về xã gần đó, người về quận 12, quận Bình Thạnh... 

Xong đâu đó, cô gái nhỏ mặc áo mưa, chạy xe gần 100km về hướng TP Biên Hòa khi ngoài đường đã lên đèn. 

Tinh thần thiện nguyện của cô dù mới nảy nở nhưng là một minh chứng nếu muốn cho đi, ta có thể bắt đầu với những điều bé nhỏ...

Thư viện mini Cô Ba - nơi Thảo "còi" gắn bó hai năm nay - đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, nhiều chuyến đi đến với những mảnh đời khốn khó. Huỳnh Thanh Thảo (Thảo chị) như một đóa xương rồng thủy tinh, mạnh mẽ vượt qua số phận và truyền cảm hứng thiện nguyện cho những thành viên trong nhóm.

Thành viên nhóm chủ yếu quen nhau qua mạng, có người U60, có các bạn trẻ, và cả những em nhỏ đi cùng mẹ là thành viên để nuôi dưỡng tình yêu thương con người.

Thành lập năm 2009, thư viện mini Cô Ba không đơn thuần là nơi đọc sách miễn phí, dạy học cho trẻ nghèo, kết nối tổ chức các chương trình thiện nguyện, mà còn được biết đến với quỹ học bổng "Cô Ba ấp Ràng" và quỹ trợ vốn cho người khuyết tật.

Nói về nhóm thiện nguyện của mình, Thảo chị chia sẻ: "Những người trẻ như tôi, như Thảo "còi" đang ngày ngày góp mật cho đời, sống không lãng phí tuổi trẻ. Chúng tôi mong thế hệ kế tiếp sẽ có thêm động lực để sống ý nghĩa hơn...".

--------------------------------

Trong lúc đi làm ruộng bà Y Thảo thấy bé gái sơ sinh bị bỏ rơi nên "nhặt" về nuôi. 12 năm sau, đứa "con nhặt" ngày nào nay đã là cô nữ sinh lớp 7 xinh xắn...

>> Kỳ tới: Đứa con “nhặt” của mẹ nghèo

Hơi ấm người dưng - Kỳ 2: Đem hơi ấm đến người không nhà Hơi ấm người dưng - Kỳ 2: Đem hơi ấm đến người không nhà

TTO - Cơn gió mùa đầu tiên kèm theo mưa phùn, giá rét đã làm đêm Hà Nội tới nhanh hơn thường ngày. Ở góc phố quen thuộc, bà Nguyễn Thị Liên (còn gọi bà Gái) đang ngồi ăn tối trong chiếc áo mưa mỏng. Bữa ăn của một người dưng tặng cho bà...

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên