07/11/2023 09:13 GMT+7

Dự án chậm tiến độ: Vì sao 'có tiền mà không xài'?

Cùng một quy định nhưng mỗi nơi, mỗi cơ quan hiểu một cách khác nhau đang gây ra những vướng mắc, bất cập trong thi hành chính sách, tạo nên những rào cản khiến việc triển khai nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.

Trung tâm ví giặm Nghệ Tĩnh đã xây dựng gần 70 tỉ đồng phải “đắp chiếu” vì thiếu vốn  - Ảnh: DOÃN HÒA

Trung tâm ví giặm Nghệ Tĩnh đã xây dựng gần 70 tỉ đồng phải “đắp chiếu” vì thiếu vốn - Ảnh: DOÃN HÒA

Vì thế, sớm hoàn thiện thể chế, ngăn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm là những yêu cầu được đặt ra cho cả Quốc hội và Chính phủ ngay tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn ngày 6-11.

Vướng vì quy định mỗi nơi hiểu một kiểu

Phiên chất vấn sớm được hâm nóng khi đại biểu Trần Chí Cường - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nêu vấn đề các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa... đều phải từ nguồn vốn đầu tư công.

Việc này gây chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận có vướng mắc bất cập của luật và cần phải có giải thích luật của Thường vụ Quốc hội để các bộ ngành triển khai yên tâm thực hiện.

heo ông, quy định thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn chưa rõ đã tạo nên vướng trong quá trình thực hiện. Bộ Tài chính cũng đã có ba lần trình các cấp, gồm cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng nội dung này vẫn chưa được trình ra Quốc hội để sửa đổi và hướng dẫn cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì cho rằng vướng mắc trên "có lẽ không hẳn do Luật Đầu tư công, mà có vướng ở Luật Ngân sách nhà nước". Bởi việc sửa chữa, nâng cấp các dự án tài sản công hiện triển khai bình thường, chỉ dự án xây mới phải thực hiện quy trình theo Luật Đầu tư công.

Vì vậy, Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép dự án dưới 15 tỉ đồng được thực hiện theo chi thường xuyên.

Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ không hài lòng và nói thêm ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư. Ông cho hay sau rà soát các cơ quan Quốc hội khẳng định và trả lời Chính phủ rằng trong thực tiễn không có văn bản pháp luật, trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên, chi đầu tư là căn cứ vào giá trị số tiền.

"Không phải trên 15 tỉ đồng là đầu tư công, còn dưới 15 tỉ đồng là chi thường xuyên. Chúng ta chi lương, giáo dục và đào tạo là chi hàng trăm tỉ đồng, đây là tính chất khoản chi chứ không phải căn cứ vào giá trị của khoản chi", ông nói.

Ông Huệ đề nghị Chính phủ rà soát xem có vướng mắc trong Luật Ngân sách hay không. Kết quả là cũng không thấy báo vướng mắc gì. Do đó, Quốc hội đưa việc giải quyết nghị quyết đặc thù chi thường xuyên, đầu tư ra khỏi chương trình dù Chính phủ trình ba lần.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng vấn đề này đã tranh luận nhiều, tại diễn đàn Quốc hội, bộ trưởng Bộ Tài chính từng nói "từ nay không nêu lại vấn đề này" nhưng hôm nay bộ trưởng nói lại.

"Vì đã ba lần chúng tôi đã trả lại văn bản này cho Chính phủ. Có liên quan gì đến Luật Ngân sách hay không trong lần rà soát này, Bộ Tài chính cũng không nói có vấn đề gì phải rà soát", ông Huệ thông tin.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tổ rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Quốc hội làm việc độc lập, tổng hợp từ các bộ ngành, địa phương từ 500 văn bản, thông tư, nghị định đến Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Nhưng không hề có một bộ nào nói gì về vấn đề này.

Ông nói thêm rằng nếu có vướng mắc sẽ sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Còn nếu chưa rõ sẵn sàng có giải thích vấn đề, nguyên nhân nằm ở đâu.

Nêu ý kiến thêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh những gì thuộc về danh mục đầu tư công đều đã rõ và không phải tất cả đều phải quy về đầu tư công. Ông nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến nên đề nghị chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách có văn bản gửi báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Trong trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ mà có yêu cầu giải thích, lúc đó Thường vụ Quốc hội mới giải thích pháp luật.

"Tôi đã nói Thường vụ Quốc hội không giải thích một điều khoản đã rõ hoặc tự nhiên đi giải thích một việc mà không ai yêu cầu", ông Huệ nói và nhấn mạnh nếu nghị định với thông tư không phù hợp với luật thì phải sửa nghị định và thông tư.

Địa phương khổ vì quy định bất cập

Ông Trương Quốc Huy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cũng cho hay trước đây Quốc hội đã "mở" cho phép lấy từ chi thường xuyên với các công việc nhỏ, cấp bách nhưng sau đó lại yêu cầu chuyển về thực hiện theo trình tự, thủ tục đầu tư công.

"Nếu không sửa, các địa phương không dám làm vì vi phạm quy định về đầu tư công", ông Huy nói thêm.

Cùng với đó, ông Huy cho rằng có thể xem xét quy định việc lập dự toán, phân bổ ngân sách với các khoản sửa chữa, nâng cấp tài sản công từ 15 tỉ đồng trở xuống lấy từ chi thường xuyên còn từ 15 tỉ trở lên thực hiện đầu tư công. Như vậy, việc thực hiện sẽ dễ và quy trình ngắn hơn.

Một đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nêu ra một vướng mắc khác là có địa phương có nguồn lực sẽ xây dựng được vốn với từng dự án nhưng với các địa phương không có vốn mà do trung ương bố trí thì lại khó khăn.

"Bây giờ bảo có dự án mới bố trí vốn và bố trí vốn phải có dự án. Nhưng các địa phương không có vốn mà do trung ương bố trí thì không biết sẽ có bao nhiêu. Điều này cực kỳ khó cho địa phương", vị này nói.

Ông cho rằng đáng lý cần cho địa phương làm trước công tác chuẩn bị đầu tư rồi nếu Quốc hội quyết thì có ngay nguồn để dự án triển khai được ngay.

Cũng nhìn nhận thực tế vướng mắc phát sinh tại TP.HCM, đại biểu Trần Anh Tuấn, trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng các quy định để phân định việc chi thường xuyên và chi đầu tư cần mang tính tương đối. Bởi có nhiều công trình và dự án không thể phân biệt và tách biệt rõ được hai khoản mục này.

Trong khi đó, đây đều là nguồn lực của Nhà nước, chi thường xuyên hay chi đầu tư cũng là "tiền từ túi nọ sang túi kia" nên nếu cứng nhắc và khắt khe để yêu cầu phải làm theo quy định, quy trình thủ tục sẽ gây vướng mắc rất nhiều.

Vì vậy, việc sửa đổi các quy định hiện hành cần hướng tới cơ chế điều hành ngân sách linh hoạt, tăng cường giám sát để các đơn vị thực thi đúng quy định, không để lãng phí và thất thoát nguồn lực của Nhà nước.

Các địa phương gặp nhiều vướng mắc trong sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện các dự án nâng cấp sửa chữa mở rộng  - Ảnh: T.M.

Các địa phương gặp nhiều vướng mắc trong sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện các dự án nâng cấp sửa chữa mở rộng - Ảnh: T.M.

Cần thay đổi hướng tiếp cận

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng những vướng mắc bất cập trong quy định của pháp luật được nêu trên là không mới, khi tình trạng có tiền không tiêu được, có vốn không giải ngân được do những ách tắc trong thủ tục và quy định.

Những bất cập trong thể chế, chính sách cũng đã được nêu ra, nhưng theo đại biểu Cường, vướng ở luật hay nghị định, thông tư đôi khi lại không được nhận diện và chỉ rõ.

Theo ông Cường, hướng gợi mở là cần thay đổi quan điểm tiếp cận luật pháp. Tức là không phải cầm tay chỉ việc mà chỉ đưa ra yêu cầu để thực hiện và các đơn vị thực thi phải có trách nhiệm vận dụng, mang lại kết quả tốt nhất. Khi đó mới không vướng luật pháp.

Không xác định đúng, kéo dài thời gian

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương cũng nhìn nhận đang có vướng mắc. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết theo quy định hiện nay việc lập dự toán, phân bổ ngân sách với các khoản sửa chữa, nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm thủ tục đầu tư công.

Điều này dẫn đến địa phương gặp ách tắc, vướng, không có cơ sở pháp lý, căn cứ lập dự toán, thanh toán, thực hiện chi nguồn thường xuyên cho các hạng mục mang tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp...

"Chẳng hạn công trình trường học, tuyến đường bị hư hỏng hay các công trình gặp bão, lũ... cần sửa ngay nhưng không thực hiện được ngay mà phải thực hiện theo quy trình thủ tục đầu tư công.

Tuy nhiên, để đầu tư công phải có vốn trung hạn và có dự án mới được bố trí hằng năm, đồng thời phải thông qua HĐND. Điều này dẫn đến mất rất nhiều thủ tục, thời gian. Còn nếu cho phép lấy ở chi thường xuyên thì khi thấy vấn đề cấp bách có thể quyết định làm ngay. Điều này giúp giảm bớt thủ tục, thời gian", ông Huy nói.

Bên cạnh đó, ông Huy chỉ rõ trong lập quy hoạch phân khu 1/5.000 phải có dự án đầu tư công hay đơn thuần một quy hoạch 1/500, chỗ nhỏ cũng phải lập dự án đầu tư công. Như vậy rất mất thời gian và nếu cho phép lấy chi thường xuyên sẽ đỡ mất thời gian, thủ tục.

Lỗi từ thông tư 65 của Bộ Tài chính?

Giải trình thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng sau khi Luật Đầu tư công sửa đổi năm 2019 và Luật Ngân sách nhà nước 2014 có hiệu lực, Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn.

Vấn đề chỉ phát sinh từ năm 2021 khi bộ này ban hành thông tư 65, không điều chỉnh các vấn đề về sử dụng nguồn chi thường xuyên cho các nội dung chi đầu tư. Vì thế từ 2022 đến nay, các địa phương, bộ ngành đều vướng mắc, không có cơ sở pháp lý để lập dự toán, thanh toán và thực hiện các khoản liên quan chi từ nguồn thường xuyên cho hạng mục có tính chất đầu tư.

Theo ông Mạnh, bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân dẫn đến vướng mắc là tại khoản 1 điều 6 của Luật Đầu tư công, nhưng quy định này dựa vào tính chất để phân loại hai dự án đầu tư công, chứ không định nghĩa dự án là gì.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định trong các cuộc họp không có quy định cấm sử dụng khoản chi thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư", ông nói và nhìn nhận "ở đây có cách hiểu rất khác nhau".

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) trong tranh luận đồng tình với Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh về vướng mắc chính trong chi nâng cấp, cải tạo dự án là thông tư 65/1 của Bộ Tài chính.

Ông Hậu nói hiện hầu hết địa phương gặp vướng mắc này, như việc sửa chữa và nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm theo thủ tục đầu tư công, nếu chi thường xuyên thì phải "tìm cái tên cho ít bị để ý đến giải trình nhỏ to với cơ quan chức năng".

Ông cho rằng đây là ví dụ cụ thể cho nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm những việc cần phải làm. Ông đề nghị Bộ Tài chính giải thích cho cụ thể "để không cơ quan nào có thể bắt bẻ việc chi thường xuyên thế này".

Ngoài ra, Luật Ngân sách cũng có vấn đề là trước đây quy định chi thường xuyên cho dự án có tính chất đầu tư và đến năm 2015 thì bỏ nội dung này.

"Nên sửa luật theo hướng đưa chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào luật và sửa ba luật là Ngân sách, Tài sản công, Đầu tư công", ông Hậu nêu và đề xuất phương án một luật sửa nhiều luật với nội dung này.

Trăn trở quản lý tài sản công

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6-11, nhiều ý kiến đại biểu đã bày tỏ trăn trở về giải pháp quản lý hiệu quả tài sản công, trong đó bao gồm cả tài sản của doanh nghiệp thực hiện theo đối tác công - tư (PPP).

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nêu tình trạng khi sắp xếp đơn vị hành chính, việc xử lý các cơ sở nhà đất có nơi thì thiếu trụ sở làm việc, có nơi lại để tài sản công lãng phí. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thì trăn trở về việc xã hội hóa, việc thực hiện đối tác công - tư hiện chưa có quy định mua lại tài sản của doanh nghiệp đầu tư như các dự án BOT...

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc quản lý tài sản công thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các cấp, của cơ quan trực tiếp quản lý tài sản. Cả nước hiện đã xử lý, sắp xếp được 90% tài sản công nhưng vẫn còn gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công bỏ không tạo sự lãng phí.

Về hình thức Nhà nước mua lại trạm BOT, công trình của tư nhân trong Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa có quy định. Vì vậy, vừa qua có một số nhà đầu tư BOT đề nghị Nhà nước mua lại dự án nhưng chưa thực hiện được, để giải quyết thì Quốc hội cần ban hành, bổ sung luật.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thì bày tỏ hy vọng trong thời gian sớm nhất Chính phủ sẽ trình Quốc hội để tháo gỡ cho tám dự án BOT. Trong đó năm dự án đề nghị Nhà nước mua lại và ba dự án đề nghị hỗ trợ.

Các dự án này có trước khi quy định về đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực, để giải quyết cần tổng chi phí hơn 10.000 tỉ đồng. Hiện nay cần rà soát để có cơ sở pháp lý, làm rõ các nội dung như dùng nguồn vốn nào.

Ngoài tám dự án BOT của trung ương thì các địa phương có bao nhiêu dự án BOT cần giải quyết, vấn đề vướng mắc của dự án tại địa phương là gì..., bộ đang rà soát để có báo cáo tổng thể.

Giải quyết các vấn đề hiện tại thế nào?

Ngoài phần chất vấn và trả lời chất vấn về việc sử dụng vốn, các đại biểu còn đặt ra nhiều câu hỏi và các "tư lệnh ngành" nói gì?

Sẽ sớm có trạm dừng nghỉ trên cao tốc

- Đại biểu NGUYỄN HỮU THÔNG (Bình Thuận): Nhiều tuyến cao tốc đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí trạm dừng chân, người dân đi qua không biết "giải quyết nỗi buồn vệ sinh môi trường" như thế nào?

- Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THẮNG: Tôi nhận trách nhiệm và chia sẻ với người dân đi trên các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ. Hiện nay bộ đã quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư để xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Sau này khi đầu tư cao tốc thì trạm dừng nghỉ sẽ được tiến hành song song với quá trình xây dựng đường.

Có cán bộ địa phương bảo vệ sai phạm

- Đại biểu MA THỊ THÚY (Tuyên Quang): Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp nhiều năm qua và đã có nhiều vụ án được phanh phui, điều tra. Đề nghị cho

biết trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

- Bộ trưởng Bộ TN&MT ĐẶNG QUỐC KHÁNH: Các địa phương có vai trò rất lớn trong việc kiểm tra, giám sát việc này. Bởi khoáng sản trên địa bàn khai thác, chở bằng ô tô nhưng sau khi các vụ án, vụ việc xảy ra thì phát hiện vấn đề liên quan đến cán bộ địa phương là có hệ thống bảo vệ việc này nhưng khi phát hiện ra không bắt.

Thời gian tới bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép.

Liệu có xảy ra những vụ như SCB?

- Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp): Hiện nay có 4-5 ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, xin thống đốc cho biết liệu có khả năng sắp tới xảy ra những vụ giống như SBC nữa không để khách hàng có tiền gửi yên tâm?

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NGUYỄN THỊ HỒNG: Việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cực kỳ khó và với các ngân hàng này đã xin các cấp có thẩm quyền về chủ trương. Hiện đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tốc độ quy định tối đa 80km/h   - Ảnh: HẢI ĐĂNG

Tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tốc độ quy định tối đa 80km/h - Ảnh: HẢI ĐĂNG

Sẽ nâng tốc độ giới hạn tối đa cao tốc từ 80 lên 90km/h

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay hiện nay đối với Việt Nam đã có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với bốn giới hạn tốc độ. Cao nhất là 120km/h, 100km/h, 80km/h và thấp nhất là 60km/h. Tất cả tiêu chuẩn này được đặt ra phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật.

Nhiều tuyến đường của chúng ta nếu đầu tư một cách đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy được 120km/h. Ông cũng cho hay với các đoạn, tuyến có độ nhám thì từ 100km/h có thể nâng lên 120km/h.

Ông Thắng nói thêm vừa qua các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiên cứu và thấy rằng với những tuyến đường hiện nay đang quy định 80km/h có thể nâng lên 90km/h, còn các dải tốc độ lớn hơn vẫn phải chấp hành tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Bộ cũng điều chỉnh lại tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến trong quý 1-2024 sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90km/h.

"Bệnh sợ trách nhiệm" - 50 năm trước và hiện nay'Bệnh sợ trách nhiệm' - 50 năm trước và hiện nay

Biểu hiện cụ thể của tình trạng sợ trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay có nhiều điểm giống với những biểu hiện mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra cách đây 50 năm, rõ nhất là trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai...


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên