16/09/2020 15:45 GMT+7

Điều lệ trường tiểu học: Khi giáo viên được chủ động

THẢO THƯƠNG ghi
THẢO THƯƠNG ghi

TTO - Nhiều giáo viên bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng thông tư 28 ban hành điều lệ trường tiểu học vừa được Bộ GD-ĐT thông qua, trong đó có nội dung giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy.

Cô Châu Thanh Trúc (giáo viên Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM):

a4

Giáo viên cần đầu tư nhiều

Tôi rất hoan nghênh với một trong những điểm mới trong điều lệ trường tiểu học là giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy. 

Nếu như trước đây bó buộc nhất nhất phải tuân thủ sách giáo khoa hay sách hướng dẫn giáo viên, dạy 1 tiết phải dứt điểm 1 tiết, tuân theo kế hoạch chung của chương trình... thì bây giờ giáo viên có thể tự xây dựng kế hoạch dạy học cho lớp mình, biết được tình hình lớp như thế nào để lựa chọn phương pháp phù hợp.

Ngoài ra, thầy cô còn chủ động được thời gian, lựa chọn ngữ liệu, vẫn nội dung đó nhưng chọn ngữ liệu khác chứ không bám y chang ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Về khó khăn, tôi nghĩ cái mới thường sẽ rất lạ. Vì lạ nên phải dò dẫm từng bước, giáo viên cần đầu tư rất nhiều, phải tự nâng cao kiến thức cho mình mỗi ngày.

Cô Phạm Kim Hoa (giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM):

a2

Thoáng và thuận lợi

Giáo viên được chủ động lên kế hoạch giảng dạy, theo tôi là hoàn toàn thuận lợi chứ không khó khăn. Trong quá trình dạy học có rất nhiều khía cạnh, ví dụ ngày hôm đó đầu giờ thường học môn toán, vì đầu giờ các em có nhiều năng lượng để tiếp thu. 

Nhưng có những hôm lớp nhiều em vắng chẳng hạn, mà tiết toán hay tập làm văn là những tiết quan trọng, mình thay đổi, đẩy lùi lại, xếp sang ngày hôm sau. Vì những tiết này các em cần giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ.

Còn ở những giờ học sinh vắng nhiều, giáo viên linh động dạy những tiết mà các em vắng có thể đọc sách ở nhà và tự tìm hiểu được. Hơn nữa, sự chủ động xây dựng kế hoạch còn giúp giáo viên chủ động bồi dưỡng dạy thêm kỹ hơn, tăng thêm chứ không phải cứ gói gọn trong 1 tiết học. Những môn ít tiết, nếu lượng kiến thức không nhiều thì dành thời gian tăng cường cho toán, tập làm văn.

Vì thế, với bản thân tôi, chủ động xây dựng kế hoạch để giáo viên như được "khoán" kiến thức là điểm mới rất thoáng và thuận lợi.

Cô Nguyễn Thanh Thảo (giáo viên một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM):

a3


Riêng mà vẫn chung

Tôi nghĩ không riêng gì tôi mà tất cả giáo viên chắc hẳn sẽ thích, bởi được chủ động điều chỉnh thời gian, lượng kiến thức, phương pháp tiếp cận, ngữ liệu, vận dụng nguồn tham khảo... để truyền đạt, hướng dẫn cho từng em học sinh, phù hợp năng lực mỗi em cũng như mặt bằng chung của lớp mình.

Tuy nhiên, khi áp dụng tôi e rằng sẽ có lấn cấn. Tự chủ động là riêng mỗi giáo viên, nhưng cũng phải có sự thống nhất chung của tổ, khối ở trường. Nghĩa là riêng nhưng mà vẫn chung, giáo viên tổ, khối có thể chia sẻ, hiến kế những ý tưởng, những kế hoạch của mình để áp dụng trong trường.

Điều lệ trường tiểu học mới: Giáo viên rộng quyền hơn Điều lệ trường tiểu học mới: Giáo viên rộng quyền hơn

TTO - Theo thông tư 28 ban hành Điều lệ trường tiểu học vừa được lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt, giáo viên trường tiểu học không còn chờ "cầm tay chỉ việc" như trước.

THẢO THƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên