12/04/2014 08:53 GMT+7

Đi tìm "ngôi trường" của mình

H.GIANG - V.HÀ - H.HƯƠNG
H.GIANG - V.HÀ - H.HƯƠNG

TT - Có một số thông tin thực tế liên quan đến hai câu chuyện kể dưới đây là có ít nhất hơn một nửa trong khoảng 1 triệu bạn trẻ dự thi đại học hằng năm sẽ không vượt qua thử thách này.

Kỳ 1: Tôi học cách ước mơ Kỳ 2: Nghe tiếng tim rung giữa cảnh đời nghèo Kỳ 3: Sapa O’Châu của Tẩn Thị Su

9TlCLCfT.jpg
Đỗ Viết Tuấn - Ảnh: Hương Giang

Trong số đậu đại học sẽ có những người ngay lập tức hối tiếc về lựa chọn của mình. Nhưng rất may, đại học không phải là cánh cửa duy nhất để đi đến thành công.

Tuấn “handmade”

Phải mất một năm ở nhà vì trượt kỳ thi đầu tiên và hai năm theo đuổi ở Đại học Luật (Hà Nội), Đỗ Viết Tuấn mới “bứt” ra được con đường quen thuộc mà bạn và hàng trăm ngàn bạn bè cùng lứa đang theo đuổi: kiếm tấm bằng đại học bằng mọi cách. Nhưng khi ngồi trên giảng đường thì lại chán những giờ lên lớp, thấy mình không thuộc về nơi đó.

Cuối năm 2010, Tuấn xách balô vào TP.HCM để đi tìm một điều gì đó mới mẻ. “Lúc đó chỉ nghĩ là đi chơi để thay đổi không khí” - Tuấn nhớ lại. Ngã rẽ cuộc đời bắt đầu với suy nghĩ như vậy, nhưng giờ đây nhiều bạn trẻ đã biết đến chàng trai sinh năm 1991 qua chương trình truyền hình đầu tiên của Việt Nam hướng dẫn làm đồ thủ công ra đời trên YouTube, D.I.Y Let’s go.

Có lẽ điều quan trọng nhất khiến Tuấn thành công với D.I.Y Let’s go chính là được làm thứ mình thích. Tuấn “có hứng” với đồ thủ công từ nhỏ, khi bắt đầu thu lượm que kem khách hàng bỏ lại tại quầy tạp hóa của mẹ để xây một ngôi nhà đồ chơi. Nhưng ý nghĩ tận dụng sở thích của mình chỉ đến với Tuấn khi tình cờ xem chương trình về đồ thủ công trên VTV2. “Lúc ấy mới biết cái mình thích làm được gọi là đồ thủ công, là handmade” - Tuấn cười.

Không chỉ hướng dẫn cách làm, Tuấn cùng nhóm chủ lực khoảng chín người khác đã phát triển ý tưởng này thành các hội chợ thủ công đến một loạt trường đại học, mở lớp dạy làm đồ thủ công. Thậm chí Tuấn còn đang trong quá trình xây dựng quán cà phê thủ công để vừa bán cà phê, vừa đỡ mất công đi thuê địa điểm dạy và quay phim! Tuấn cũng kết hợp với cao thủ handmade khác ở Hà Nội là Nguyễn Phương Nam để tổ chức các lớp học ở Hà Nội và TP.HCM.

Nhưng thành công không tự tìm đường đến cửa nhà. Tuấn vẫn còn nhớ những tháng đầu tiên tự lập ở đất Sài thành, chẳng mấy chốc đã tiêu sạch những đồng tiền cuối cùng mang từ Hà Nội vào và phải bắt đầu sắp xếp cuộc sống của mình trong vỏn vẹn 1,8 triệu đồng - số tiền lương hằng tháng mà Tuấn kiếm được ở quán Pizza Hut khu phố Tây.

Lần đầu tiên trong đời, Tuấn biết thế nào là hàng giờ rửa bát, dọn dẹp dài đằng đẵng, những cuốc lết bộ giữa đêm về nhà trọ, vài lần bị người quen qua mạng lừa mất tiền, điện thoại... “Cuộc sống không dễ dàng như mình tưởng” - Tuấn nói khi ngồi nhìn lại quãng đường hơn ba năm bươn chải ở đất Sài Gòn.

Điều buồn nhất là những cuộc cãi vã qua điện thoại với bố mẹ. Cái tết đầu tiên Tuấn không về. Bố mẹ vẫn thi thoảng gọi điện hỏi thăm cậu con trai cả, nhưng lần nào đầu dây ở Thanh Hóa cũng kết thúc bằng cách thuyết phục Tuấn về nhà, thi đại học lại...

Cô đơn, không có người thân, bạn thân bên cạnh, nên những lúc mất phương hướng Tuấn đã tìm đến những người bạn tinh thần ở chỗ làm Pizza Hut, báo Mực Tím và bạn bè ở D.I.Y Let’s go để chia sẻ và xin lời khuyên. Tuấn tự nhận ưu điểm lớn nhất của mình và có lẽ cũng là một phần lý do Tuấn làm được điều mình thích là đã không ngại chia sẻ, không ngại nói ra tâm tư và suy nghĩ của mình với đồng nghiệp, bạn bè.

Nhưng phải nhờ đến báo chí thì cuối cùng những nỗ lực tự thân vận động của Tuấn mới thuyết phục được bố mẹ ở Thanh Hóa. Năm 2013, chương trình Ngược chiều của kênh VTV6 tìm về tận nhà ở Nông Cống phỏng vấn bố mẹ, hàng xóm... về Tuấn.

7HSoQX1F.jpg
Thiện Học - Ảnh: Việt Dũng

Cánh cửa đại học đóng lại, cánh cửa khác mở ra

Thiện Học sinh năm 1994. Thế giới mở ra qua Internet cho cậu học sinh THPT thuở đó là báo Hoa Học Trò, Mực Tím, là những thành tích khủng của các bạn đồng lứa ở những miền đất khác... “Những điều kỳ diệu ở Hà Nội, TP.HCM đã thôi thúc mãnh liệt. Em đã tự học rất nhiều kỹ năng khác nhau như viết email, làm việc với người khác... như thế nào. Học tự tìm thông tin, tài liệu và say mê đọc về kiến thức makerting, thương mại, chứng khoán, tìm hiểu cả Luật sở hữu trí tuệ...

Với giấc mơ khác người ở thời học sinh, Học đã ngồi viết kế hoạch kinh doanh của riêng mình. Nhưng Học không thể thực hiện giấc mơ ở vùng quê nghèo yên ả mà cần phải ra đi. Học nghĩ con đường duy nhất khi đó là “quyết tâm ôn thi để được học ở Hà Nội hoặc TP.HCM”.

Nhưng ước mơ sụp đổ khi cùng lúc Học rớt sạch ba trường đăng ký dự thi, chỉ còn cánh cửa học cao đẳng theo nguyện vọng bổ sung của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. Ba mẹ làm ăn xa ở Lào, Học một mình đi mua chậu, mùng, nồi niêu, cõng một đống đồ trên lưng để đón xe khách vào Sài Gòn. Rồi cũng không tìm thấy hứng khởi từ giảng đường, Học xin bảo lưu và bắt đầu bước chân vào cuộc đời tự lập thật sự, nhận làm đủ mọi thứ trong khả năng của mình, từ marketing đến thiết kế quán cà phê.

Từ những lúc phải chạy qua siêu thị Family Mart mua mì gói và dùng ké nước nóng ở đó, Học dần tự chủ được chi tiêu trong cuộc sống, tăng dần thu nhập cũng như kinh nghiệm và quan hệ của mình. Rồi Học bắt đầu làm qua mạng cho khách hàng ở Hà Nội, là một phòng vé đang cần tiết kiệm chi phí quảng cáo và marketing.

Có những thành công nho nhỏ, mức lương đủ sống, điều mà trước khi đặt chân tới thành phố Học tưởng như là giấc mơ. Nhưng rồi Học lại vác balô lên, rời TP.HCM ra thủ đô để bước lên một nấc công việc cao hơn cho công ty quảng cáo lớn. “Không phải chỉ vì công việc đó hấp dẫn, mà mình muốn môi trường có cơ hội hơn cho năng lực của mình” - Học giải thích.

Nhưng điều khiến Học tâm huyết nhất là một dự án làm riêng với đội ngũ SIK Team, một nhóm gồm các kỹ sư công nghệ thông tin trẻ tuổi, khởi đầu là Nguyễn Mạnh Thắng (1983). Hiện nay nhóm đang tập trung xây dựng mảng truyền thông (SIK News), quảng cáo dựa trên các kênh truyền thông (SIK Ads) và thương mại điện tử SIK (e-commerce). Một trong các sản phẩm mà nhóm tâm đắc và chờ đợi nhất là cổng thông tin điện tử đóng vai trò như một diễn đàn dành cho những cá nhân/nhóm làm từ thiện hoặc quan tâm đến công tác thiện nguyện.

“Nhiều thành viên xuất phát từ dân công nghệ thông tin nên việc định hướng triển khai các sản phẩm liên quan đến truyền thông, người dùng chưa được tốt” - Thắng nói. Và đó chính là khoảng trống mà Thiện Học khỏa lấp được khi tham gia đội ngũ SIK Team. Thắng cho biết hiện tại Học đang có đóng góp lớn trong việc phân tích, sắp xếp thứ tự ưu tiên các sản phẩm sẽ ra mắt.

Tuấn từ Thanh Hóa ra Hà Nội rồi vào TP.HCM lập nghiệp. Học từ Khánh Hòa vào TP.HCM bôn ba rồi ra Hà Nội. Những bạn trẻ như Tuấn, Học đều đang tìm cách khẳng định chỗ đứng của mình sau khi cánh cửa đại học đóng lại.

Cả hai đều thẳng thắn khẳng định: không khuyến khích bạn trẻ từ bỏ ước mơ vào đại học, nhưng đó không phải là con đường duy nhất, đôi lúc thậm chí cũng không phải cách tốt nhất để đi đến thành công. Nhưng điều quan trọng hơn cả là thành công cũng không có đường tắt dành cho những ai muốn đến đích dễ dàng, nhanh chóng. Thành công chỉ đến khi bạn tìm được sở trường, đam mê của mình và nỗ lực học hỏi, làm việc nghiêm túc để theo đuổi đến cùng đam mê đó.

“Những trải nghiệm cho em thấy mỗi người có một trường đại học cho mình. Trường đại học của em là cuộc sống, trong từng công việc em trải qua và sắp trải qua” - Học chia sẻ.

Kỳ tới: Giảng viên không bằng cấp

H.GIANG - V.HÀ - H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên