13/10/2023 09:31 GMT+7

Để biến di sản Huế thành tiền

"Định hướng bảo tồn di sản không chỉ là khư khư giữ lấy những di sản đang hiện hữu mà phải biết biến những giá trị đó thành tiền".

Bản quy hoạch bảo tồn di tích Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia - Ảnh: NHẬT LINH

Bản quy hoạch bảo tồn di tích Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia - Ảnh: NHẬT LINH

Đó là phát biểu của PGS Đặng Văn Bài (phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Hội thảo giúp lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế lắng nghe góp ý về bản quy hoạch bảo tồn di tích vừa được tỉnh hoàn thành trước khi trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 1-2024.

Bản quy hoạch cũng đang lấy ý kiến của người dân tại số 15 Lê Lợi (TP Huế).

Đô thị Huế trực thuộc trung ương

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn quy hoạch trưng gần 200 trang phóng to của bản quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích cố đô Huế.

KTS Lê Quang Minh (Công ty TNHH MTV MQL và các đối tác - đơn vị tư vấn lập quy hoạch) cho biết quy hoạch này được lập ra dưới góc nhìn định hướng phát triển di sản Huế là động lực để địa phương này trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Quy hoạch xác lập quần thể di tích cố đô Huế thành năm vùng gồm: 

- Khu vực 14 di tích di sản UNESCO; 

- Khu vực tái tạo di sản và tương tác phát triển; 

- Công viên quốc gia Tam Chủ Sơn; 

- Khu vực cảnh quan văn hóa sông Hương và các chi lưu; 

- Các khu vực đón tiếp và dịch vụ trung tâm được thiết lập, tổ chức trên cơ sở chuyển hóa không gian chức năng, cảnh quan hiện hữu, xen cài các khu vực chuyên đề theo đặc trưng di sản, khu vực phát triển mới...

Quy hoạch cũng chỉ ra được mối liên hệ với các di sản trên thế giới. PGS Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận xét bản quy hoạch đồ sộ và chi tiết giúp hình dung rõ diện mạo đô thị Huế trực thuộc trung ương vào năm 2025.

"400 tỉ là quá ít"

PGS Đặng Văn Bài (phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho rằng quy hoạch bảo tồn cần gắn liền với lợi ích kinh tế.

Theo ông Bài, việc biến di sản thành tiền và dùng tiền này đầu tư lại cho di sản, cho kinh tế của tỉnh mới là cách bảo tồn bền vững.

"Hiện nay một năm Huế thu hơn 400 tỉ đồng tiền bán vé tham quan các di tích là quá ít. 

Huế là tỉnh duy nhất giữ cho mình khối di sản triều Nguyễn đồ sộ, được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Quy hoạch cần làm rõ hơn về chiến lược phát triển kinh tế, phải xem di sản là một loại hàng hóa đặc biệt", ông Bài nói. 

Đồng thời quy hoạch cần quan tâm đến lợi ích của cộng đồng người dân sống gắn với những di sản.

GS Hoàng Đạo Kính cho rằng đơn vị tư vấn đã khá ôm đồm khi nhồi nhét quá nhiều thông tin trong một bản quy hoạch bảo tồn di tích.

Theo ông Kính, quy hoạch cần xoáy vào vấn đề cụ thể là bảo tồn để tránh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, kéo dài được tuổi thọ của di sản.

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ghi nhận những ý kiến nhằm hoàn thiện quy hoạch.

Theo PGS Đặng Văn Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu kỹ hơn về các quy hoạch xây dựng công trình kiến trúc, cảnh quan dọc sông Hương của vua Gia Long và người Pháp để lại.

"Đó là những quy hoạch giá trị để hiểu hơn những di sản dưới triều Nguyễn và có những định hướng bảo tồn, phát huy giá trị cho phù hợp", ông Bài nói.

30 năm quần thể di tích Huế được vinh danh là di sản thế giới30 năm quần thể di tích Huế được vinh danh là di sản thế giới

Tối 17-6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm quần thể di tích cố đô Huế và 20 năm nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là di sản thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên