25/03/2023 08:56 GMT+7

Chuyên gia ẩm thực khuyên gì trong tháng Ramadan?

Các chuyên gia về ẩm thực và dinh dưỡng Singapore đã chia sẻ với Đài CNA một số lời khuyên về chế độ ăn uống hợp lý để các tín đồ Hồi giáo có thể trải qua lễ Ramadan một cách khỏe mạnh.

Chuyên gia ẩm thực khuyên gì trong tháng Ramadan? - Ảnh 1.

Người Hồi giáo chính thức bước vào tháng ăn chay hay còn gọi là tháng nhịn ăn Ramadan 2023 - Ảnh: ISTOCK

Từ ngày 22 và 23-3, người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu tháng ăn chay Ramadan năm 2023.

Và như vậy, các gia đình Hồi giáo sẽ phải thức dậy để chuẩn bị bữa ăn từ 5h sáng để có thể chuẩn bị và kịp ăn bữa sáng, hay còn gọi là bữa Suhoor trước khi mặt trời mọc, thường rơi vào khoảng trước 6h sáng.

Sau đó, mọi người sẽ kết thúc một ngày dài nhịn ăn bằng bữa Iftar diễn ra sau khi mặt trời lặn và thường rơi vào khoảng sau 19h.

Để các tín đồ Hồi giáo có thể duy trì một cơ thể khỏe mạnh trong suốt tháng lễ Ramadan, một số chuyên gia về ẩm thực và dinh dưỡng Singapore đã chia sẻ với Đài CNA một số lời khuyên về chế độ ăn uống hợp lý.

Cần làm gì để có bữa Suhoor ngon miệng hơn?

Theo phó giáo sư Asim Shabbir - chuyên gia tư vấn cấp cao, đồng thời là nhà sáng lập Trung tâm Quản lý và Phẫu thuật béo phì, cho biết việc con người cảm thấy no vào sáng sớm là điều tự nhiên vì khoảng thời gian giữa bữa Iftar và Suhoor là rất gần nhau.

Hơn nữa, lượng thức ăn được đưa vào cơ thể từ bữa tối hôm trước vẫn chưa kịp tiêu hóa hoàn toàn trước bữa sáng.

Chuyên gia ẩm thực khuyên gì trong tháng Ramadan? - Ảnh 2.

Suhoor là bữa ăn đầu ngày, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể trong suốt ngày dài nhịn ăn - Ảnh: ISTOCK

Bởi thức ăn cần ít nhất 4 đến 6 giờ để có thể đi qua dạ dày và tiêu hóa, đặc biệt là các loại thực phẩm chiên và chứa nhiều dầu mỡ lại càng mất nhiều thời gian hơn nữa để có thể tiêu hóa hết.

Chính lý do đó, ông Tey Beng Hea, chuyên gia tư vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồng thời cũng là phó giáo sư khoa nội tiết của Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong, khuyên các tín đồ Hồi giáo nên tránh ăn quá khuya trong tháng Ramadan.

Ngoài ra, phó giáo sư Tey cũng cho biết thêm cách tốt nhất để có thể cải thiện cảm giác ngon miệng trong bữa ăn sáng là phải ngủ đủ giấc, nghĩa là ngủ ít nhất 7 đến 8 giờ mỗi ngày.

Những chất dinh dưỡng có thể bị thiếu trong thời gian nhịn ăn

Theo chuyên gia dinh dưỡng Jaclyn Reutens, những người nhịn ăn có thể thiếu chất xơ, kali và canxi, nhóm chất dinh dưỡng chủ yếu được tìm thấy trong các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và sữa.

Chuyên gia ẩm thực khuyên gì trong tháng Ramadan? - Ảnh 3.

Chất xơ, kali và canxi là những chất dinh dưỡng thường bị bỏ qua trong suốt tháng lễ Ramadan - Ảnh: ISTOCK

Bởi theo phân tích của chuyên gia Reutens, thông thường mọi người có xu hướng ưa thích những thức ăn dễ tiêu hóa như cơm trắng hoặc các món mì, thay vì các loại rau hay ngũ cốc nguyên hạt vào bữa Suhoor.

Trong khi đó, sau một ngày dài nhịn ăn nên các tín đồ Hồi giáo thường có xu hướng chuẩn bị một bàn ăn thịnh soạn với cơm, mì, các loại thịt và cá vào bữa Iftar.

Cần làm gì để có hai bữa ăn lành mạnh và đầy đủ chất?

Theo các chuyên gia, đối với bữa Suhoor, mọi người nên tập trung nạp đủ năng lượng cần thiết để cơ thể hoạt động cả ngày dài.

Trong khi đó, mọi người nên tập trung vào việc bù đắp protein, vitamin và các khoáng chất cần thiết ở bữa Iftar để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng trong ngày.

Chuyên gia ẩm thực khuyên gì trong tháng Ramadan? - Ảnh 4.

Chúng ta chỉ cần ăn đầy đủ ở hai bữa Suhoor và Iftar là đã có thể bù đắp lượng năng lượng hao hụt trong suốt thời gian nhịn ăn - Ảnh: ISTOCK

Đặc biệt, các tín đồ Hồi giáo nên ăn các loại ngũ cốc hoặc đậu, vì những loại thực phẩm thuộc nhóm này giúp chúng ta no lâu hơn.

Ngoài ra, mọi người tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt vì muối sẽ khiến chúng ta cảm thấy khát nước, trong khi ăn quá nhiều đường có thể khiến năng lượng của chúng ta bị giảm sút.

Đặc biệt, theo tiến sĩ Reutens, mọi người nên tránh các món tráng miệng để giảm thiểu tối đa lượng đường nạp vào cơ thể.

Hơn nữa, mọi người cũng nên chú ý hạn chế lượng caffeine nạp vào cơ thể, vì caffeine sẽ làm cơ thể bị mất nước.

Đối với bữa Iftar, không nên ăn quá nhiều và hãy chú ý ăn nhiều rau nhất có thể, bởi nhiều người thường ăn rất nhiều các loại thịt vào bữa tối như một cách để bù đắp cho cơ thể sau một ngày dài nhịn ăn.

Liệu có nên “tranh thủ” giảm cân trong tháng lễ Ramadan hay không?

Theo các chuyên gia, các tín đồ Hồi giáo nhịn ăn trong suốt tháng lễ Ramadan chỉ khiến cơ thể bị thiếu hụt một phần glycogen dự trữ, mà lượng glycogen này hoàn toàn có thể nhanh chóng được bổ sung trong 2 bữa ăn Suhoor và Iftar.

Chuyên gia ẩm thực khuyên gì trong tháng Ramadan? - Ảnh 5.

Thực tế việc nhịn ăn trong tháng Ramadan không hề có tác dụng giảm cân, mà đôi khi lại càng khiến các tín đồ Hồi giáo tăng cân nhanh chóng - Ảnh: ISTOCK

Vì thế việc nhịn ăn trong tháng lễ Ramadan hoàn toàn không đủ để có thể hỗ trợ giảm cân, mà trái lại có khiến nhiều tín đồ Hồi giáo tăng cân sau lễ Ramadan.

Nguyên do bởi lượng thức ăn được nạp vào cơ thể thường thông qua bữa ăn Iftar ở cuối ngày khiến lượng calo dư thừa cao hơn, được tích tụ dưới dạng mỡ và khiến chúng ta tăng cân nhanh hơn thông thường.

Tháng Ramadan, người Hồi giáo ăn uống như thế nào?Tháng Ramadan, người Hồi giáo ăn uống như thế nào?

Từ ngày 22 và 23-3, tháng lễ Ramadan hay "tháng nhịn ăn" năm 2023 của các tín đồ Hồi giáo đã chính thức bắt đầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên