05/04/2017 09:19 GMT+7

Chưa rõ động cơ vụ đánh bom tàu điện ngầm ở Nga

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ủy ban điều tra của Nga ngày 4-4 xác định kẻ đánh bom tàu điện ngầm ở St. Pertersburg là một người gốc Cộng hòa Kyrgyzstan, thuộc Liên Xô cũ, tên Akbarjon Djalilov.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân ở St. Petersburg - Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân ở St. Petersburg - Ảnh: Reuters

Reuters dẫn thông tin từ cơ quan này khẳng định Djalilov là một hành khách trên tàu trong khi Ngoại trưởng Kyrgyzstan Erlan Abyldaev cho hay thủ phạm là một kẻ đánh bom liều chết nhưng chưa rõ động cơ.

Lên kế hoạch kỹ lưỡng

Chính quyền St. Petersburg sáng 4-4 thông báo tất cả tuyến tàu và nhà ga của hệ thống tàu ngầm tại đây đã hoạt động bình thường trở lại sau vụ tấn công trước đó một ngày.

Nhưng cơn sốc lại bùng lên khi ga Sennaya Ploshchad một lần nữa bị đóng cửa trong ngày sau khi cơ quan chức năng nhận một cuộc gọi nặc danh cảnh báo nguy cơ tiếp tục bị tấn công. Cuộc điều tra vẫn tiếp diễn.

Theo Điện Kremlin, tổng thống Nga ngay trong đêm 3-4 đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các cơ quan an ninh và hành pháp để cập nhật thông tin về vụ tấn công. Ông Putin sau đó đến đặt hoa tại một trong những khu vực tưởng niệm ở St. Petersburg sáng 4-4.

Nga đã mở cuộc điều tra tổng lực đối với vụ tấn công.

Nghi can đánh bom Djalilov có tuổi đời rất trẻ, sinh năm 1995. Kyrgyzstan nhận được yêu cầu xác định danh tính nghi can từ các cơ quan an ninh Nga.

Truyền thông Kyrgyzstan cho biết nước này “đang duy trì liên lạc với các mật vụ Nga để điều tra thêm”. Trong khi đó, Ủy ban điều tra Nga cũng xác nhận kẻ đánh bom là Akbarjon Djalilov qua các mảnh thi thể của hắn tìm thấy ở hiện trường.

Các chuyên gia Nga nhận định đây là một vụ tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

“Có thể nói chắc rằng vụ tấn công hôm thứ hai là một hành động có chủ đích được chuẩn bị kỹ càng. Những hành động man rợ này một lần nữa cho thấy mục tiêu chính của những kẻ khủng bố là thổi bùng nỗi sợ và bất ổn cũng như gây rối loạn xã hội” - Sputnik dẫn nhận định của chuyên gia Boris Gryzlov.

Lãnh đạo Sergey Mironov của Đảng Just Russia cũng cho rằng vụ tấn công muốn thách thức khả năng của Tổng thống Putin và nước Nga trong việc bảo vệ công dân.

Theo giới phân tích, vụ nổ đầu tiên có thể đóng vai trò đánh lạc hướng an ninh. Sau vụ nổ, Nga cũng phát hiện thêm một thiết bị nổ ở ga Ploshchad Vosstaniya làm dấy lên nghi ngờ đây là một vụ tấn công phối hợp.

Quả bom thứ hai giấu trong một bình cứu hỏa chứa đến 1kg thuốc nổ TNT, gấp ba lần quả bom đã phát nổ trên tàu. Nga xác nhận Djalilov cũng chính là kẻ đặt bom tại nhà ga này.

Các nhóm Hồi giáo cực đoan

Chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố ở St. Petersburg nhưng giới phân tích cho rằng đây có thể là sự trả đũa của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khác đối với sự can thiệp của Matxcơva ở Chechnya và Syria.

Chuyên gia Peter Bergen, giảng viên Đại học Arizona, đặt nghi vấn đối với phiến quân Chechnya bởi nhóm khủng bố của thủ lĩnh người Chechnya Doku Umarov từng đánh bom đường tàu cao tốc nối St. Petersburg - Matxcơva và nhận trách nhiệm về vụ tấn công sân bay Domodedovo.

Nhưng IS, từng nhận đánh bom máy bay Metrojet của Nga ở Ai Cập năm 2015 làm chết 224 người, lại hoạt động mạnh hơn ở Nga thời gian gần đây.

Mới nhất vào cuối năm ngoái, cảnh sát Nga đã tóm được năm kẻ tình nghi chuẩn bị đánh bom Matxcơva sau khi IS đã ăn mừng nhiều vụ tấn công nhỏ trên khắp nước Nga.

Còn theo chuyên gia Jill Dougherty, cũng có khả năng thủ phạm là một nhóm lai giữa phiến quân Chechnya và IS. Theo tổng thống Nga, có từ 5.000 - 7.000 chiến binh Hồi giáo ở Nga và các nước thuộc Liên Xô tham chiến ở Syria.

Theo Guardian, Matxcơva đã phớt lờ việc những tay súng trong nước đến Syria, cho rằng chúng sẽ ít gây hại hơn khi ở nước ngoài. “Có thể sau khi những tên Chechnya bị biến chất và trở nên chuyên nghiệp hơn sau thời gian ở Syria trở về nhà và tấn công ở Nga” - bà Dougherty nhận định.

Cựu đặc vụ FBI của Mỹ Bobby Chacon cho rằng vụ tấn công không giống phong cách của IS. “Điều đầu tiên còn thiếu là tuyên bố nhận trách nhiệm của IS” - CNN dẫn lời ông Chacon, trong đó nhắc đến hai vụ tấn công cảnh sát ở Matxcơva năm ngoái đều được nhóm này nhanh chóng nhận trách nhiệm.

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 4-4 đã bác bỏ các nghi ngờ này, trong khi Điện Kremlin phủ nhận các suy diễn về việc vụ tấn công diễn ra trong thời gian ông Putin đang ở St. Petersburg.

Nhưng dù kẻ đứng sau là ai, Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 4-4 khẳng định vụ việc một lần nữa cho thấy cần phải “tăng cường các nỗ lực chung để chiến đấu chống lại loài quỷ dữ này”.

Theo phó chủ tịch Alexey Filatov của hội cựu binh nhóm chống khủng bố Alpha Group: “Cần phải dành nhiều nguồn quỹ hơn để phát triển mạng lưới và kỹ thuật tình báo của các cơ quan. Điều này hiệu quả hơn tất cả các biện pháp khác để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố”.

Số người chết tăng lên 14

Vụ tấn công xảy ra tối 3-4 trên chuyến tàu đi từ ga Sennaya Ploshchad đến Tekhnologichesky ở St. Petersburg làm rúng động nước Nga.

Tính đến ngày 4-4, số người chết sau vụ tấn công đã tăng lên 14 người, trong khi vẫn còn một số người bị thương trong tình trạng nguy kịch, theo Bộ trưởng y tế Nga Veronika Skvortsova.

Đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ đánh bom liều chết ở sân bay Domodedovo năm 2011 làm 37 người chết.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên