03/11/2023 10:15 GMT+7

Chủ động ứng phó với thuế carbon

Các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn nước rút để chuyển đổi sản xuất, giảm phát thải carbon hoặc trao đổi tín chỉ carbon. Nếu chậm chân, các sản phẩm của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh, thậm chí vấp phải các rào cản tại những thị trường xuất khẩu.

Ngành dệt may sẽ phải thay đổi công nghệ để tăng cạnh tranh khi đưa sản phẩm vào các thị trường áp dụng thuế carbon - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngành dệt may sẽ phải thay đổi công nghệ để tăng cạnh tranh khi đưa sản phẩm vào các thị trường áp dụng thuế carbon - Ảnh: NGỌC HIỂN

Các chuyên gia đã khuyến cáo như vậy khi cho biết không những yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện phải khai báo mức phát thải theo yêu cầu của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), EU còn đến các DN Việt để đo lượng phát thải carbon đối với các ngành nghề thậm chí chưa nằm trong danh sách CBAM.

Đầu ra thêm khó bởi thuế carbon

Sắt thép là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp từ CBAM khi cơ chế này áp dụng chính sách các nhà xuất khẩu phải kê khai phát thải vào EU kể từ tháng 10.

Giai đoạn bắt buộc mua chứng chỉ phát thải CBAM và mở rộng ngành hàng sẽ bắt đầu từ sau năm 2026. Theo các DN, khi châu Âu áp thuế carbon sẽ ảnh hưởng rất lớn về giá thành sản phẩm tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng Việt tại các thị trường, nhất là châu Âu.

Xác định xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thép đến EU là mục tiêu, song một số DN ngành thép vẫn chần chừ hoặc đang chuyển đổi sản xuất để đáp ứng CBAM ở mức sơ khởi.

Một trong những vấn đề DN quan tâm ở cơ chế CBAM là lượng phát thải được EU tính toán cho mỗi sản phẩm nhập khẩu bao gồm phát thải trực tiếp và phát thải gián tiếp.

Trực tiếp là từ quá trình sản xuất, có tính tới cả lượng phát thải từ nguyên, nhiên liệu đầu vào. Phát thải gián tiếp là từ việc tiêu thụ điện, trong đó điện từ năng lượng tái tạo hay nhiệt điện cũng có tác động rất lớn.

Các nhà nhập khẩu của EU yêu cầu DN Việt phải báo cáo phát thải khí nhà kính của sản phẩm, được bên thứ ba thẩm định theo tiêu chuẩn mà EU đang áp dụng.

Mức giá thẩm định môi trường dao động từ 13.000 - 41.000 USD/lần, giá trị trong 3-5 năm. Bên cạnh đó, công nghệ luyện thép cắt giảm khí CO2 vẫn còn quá sơ khai và chưa thể nhân rộng ít nhất là trước năm 2030, nên chi phí sản xuất cao.

Theo tính toán của một DN, nếu luyện thép dùng khí hydro có thể giảm gần như 100% khí thải, nhưng chi phí sẽ cao hơn tới 425 USD/tấn so với công nghệ sản xuất thép truyền thống.

Còn làm thép bằng khí gas tự nhiên, độ giảm phát thải không cao bằng khí hydro, đổi lại chi phí sẽ rẻ hơn. "Chưa kể, giá bán thép xanh sẽ cao hơn thép thông thường, khách hàng liệu có chấp nhận chi phí mua thép giá cao hơn?", một doanh nghiệp bày tỏ lo lắng.

Chuẩn bị cho bước đi dài hạn

GS.TS Lương Đức Long, phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết giá mỗi tín chỉ carbon tại châu Âu khá cao, lên tới hơn 90 USD/tấn CO2 nên nếu phải chịu thuế, đây sẽ là khoản rất nặng nề cho các DN sản xuất.

Do đó, các DN cần sớm có các giải pháp chuyển đổi xanh để ứng phó với việc đánh thuế. Việc chuyển đổi xanh trong sản xuất xi măng thường là giảm hàm lượng clinker (thành phần chính của xi măng), giảm thải trong quá trình nung clinker hoặc giảm tiêu hao điện trong sản xuất.

Tuy nhiên theo ông Long, việc giảm hàm lượng clinker rất khó bởi không khách hàng nào muốn mua xi măng ít clinker. Chính vì vậy, các DN nên tập trung vào giảm phát thải trong quá trình nung hay giảm tiêu thụ điện trong quá trình sản xuất.

Chẳng hạn, có thể sử dụng các nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu hóa thạch bằng nguyên liệu sinh khối, rác thải công nghiệp... Tuy nhiên, các phương pháp này cần công nghệ cao, chi phí lớn.

Trong khi đó, theo ông Phạm Công Thảo - phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép VN, về lâu dài các DN thép cần sản xuất thép xanh. Tuy nhiên đây là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính cũng như sự chủ động của DN rất lớn, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới.

Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 trong năm 2050. Do đó, nhiều DN lớn trong ngành thép như Hòa Phát đang từng bước sản xuất thép thân thiện môi trường.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết việc nghiên cứu thép xanh là bước đi dài hạn của nhãn hàng này bởi đây là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, G7 cũng đang làm thép xanh theo nhiều phương pháp.

Nhìn nhận còn nhiều khó khăn CBAM nhưng theo ông Long, DN hoàn toàn biến thách thức thành cơ hội để hiện đại hóa trong ngành thép với công nghệ tiên tiến, phát triển bền vững.

Ông Nghiêm Xuân Đa - chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cho rằng về lý thuyết, ngành thép còn nhiều tiềm năng để giảm phát thải thông qua áp dụng công nghệ mới khi sử dụng năng lượng hydro, lò nung điện tái tạo...

Tuy nhiên, các DN cần được hỗ trợ từ chính sách để hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững với giá thành phù hợp mặt bằng thị trường.

Doanh nghiệp thép phải chuyển đổi để thích nghi với thuế carbon. Trong ảnh: một trong những quy trình sản xuất thép của doanh nghiệp Việt - Ảnh: A.N.

Doanh nghiệp thép phải chuyển đổi để thích nghi với thuế carbon. Trong ảnh: một trong những quy trình sản xuất thép của doanh nghiệp Việt - Ảnh: A.N.

Thẻ thông hành tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Việt Thắng Jeans - cho biết dù chưa nằm trong nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhưng các DN dệt may xuất sang châu Âu đã được phía châu Âu sang đo lượng phát thải.

Trong đó, phía châu Âu đã cử đơn vị đến thẩm định, đo lượng phát thải từng loại máy móc của DN này trong ba ngày liên tiếp vào tháng 9 vừa qua.

"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục dùng năng lượng mặt trời, dùng nồi hơi điện cũng như tiếp tục dùng các thiết bị sản xuất, công nghệ sản xuất EU..., lượng phát thải sẽ ở trong ngưỡng cho phép.

Nếu không chuyển đổi, khi sản phẩm vượt mức phát thải cho phép sẽ bị đánh thuế 86 USD/tấn CO2, với quy mô mỗi ngày sản xuất lớn, phát thải lên đến 14 tấn/ngày, tương đương DN phải đóng lên đến 30 triệu đồng/ngày", ông Việt chia sẻ.

Phía EU có phần mềm quản lý tự động, DN sản xuất bao nhiêu sẽ được phía EU tính toán ngay lượng phát thải, kiểm soát thực tế sản xuất.

Do đó, các DN xuất khẩu phải nỗ lực giảm phát thải, không thể "lờ mờ" như hiện nay. "Chúng tôi có kế hoạch chuyển đổi công nghệ để giảm lượng phát thải về dưới ngưỡng không chịu thuế, phần dôi dư sẽ bán cho DN khác", ông Việt cho biết.

Theo ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xanh hóa là xu hướng toàn cầu và dệt may không đứng ngoài cuộc chơi này.

Phần lớn các DN kéo sợi, dệt may, thời trang Việt đang tích cực chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường... nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thị trường cao cấp.

Ông Huỳnh Thành Trung, giám đốc Công ty tư vấn giải pháp hệ thống và công nghiệp Leanwares, cho rằng chứng chỉ xanh được xem như thẻ thông hành để các DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Do đó các DN Việt cần tập giảm phát thải khí nhà kính hoặc tìm cách trung hòa carbon thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn hoặc bù lại bằng cách trồng rừng", ông Trung khuyến cáo.

Sắt, thép, xi măng, phân bón... nằm trong "tầm ngắm" của CBAM

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1-10.

Theo cơ chế này, các nhà xuất khẩu vào EU đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ phát thải CBAM nếu lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn của EU.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đăng An - giám đốc VP Carbon Solutions - cho biết trong giai đoạn chuyển tiếp, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất, bao gồm xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện.

Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Cuối giai đoạn này (năm 2025), châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi.

Ông Phùng Hà (phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam):

Phải có chiến lược sản xuất mới

Giá tín chỉ carbon hiện không rẻ trong khi việc giảm bớt amoniac (nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón) cũng đắt đỏ.

Do đó, các DN phân bón có định hướng tham gia thị trường quốc tế cần chủ động thích ứng, hoạch định kế hoạch, chiến lược sản xuất mới.

Cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các chính sách, định hướng để khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực cho DN chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp hướng tới đáp ứng các quy định khi các thị trường xuất khẩu sẽ áp dụng CBAM.

Ông Bùi Huy Bình (chủ tịch HĐQT Công ty CP giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc TraceVerified):

Cần tận dụng nguồn vốn để chuyển đổi công nghệ

Các DN cần tận dụng nguồn vốn từ các quốc gia phát triển thông qua các chương trình Chính phủ Việt Nam đã ký kết để chuyển đổi và phát triển xanh.

Cụ thể, có thể tham khảo cơ chế tín chỉ chung (JCM) của Chính phủ Nhật Bản. Thông qua JCM, DN sẽ nhận được sự hỗ trợ về vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, nhân lực… từ Nhật Bản, một trong những bạn hàng lớn nhất và lâu đời của châu Âu.

EU đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩuEU đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu

EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên