11/08/2023 15:24 GMT+7

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội: Có công trình ủi đất ra tận giữa hồ Đồng Đò

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội nói về thực trạng các công trình xây sai phép trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online.

Các công trình xây sai phép trên rừng phòng hộ Sóc Sơn gây bức xúc dư luận thời gian dài - Ảnh: NAM TRẦN

Các công trình xây sai phép trên rừng phòng hộ Sóc Sơn gây bức xúc dư luận thời gian dài - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 11-8, Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tuyên - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội - liên quan việc đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn đang ngày đêm bị "xẻ thịt", xây dựng homestay, nhà kiên cố.

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội nêu hướng xử lý sai phạm trên đất rừng ở Sóc Sơn

Người dân buôn bán đất rừng là bất hợp pháp

Khẳng định các công trình xây dựng tại khu vực rừng phòng hộ ở Sóc Sơn "có vi phạm", tuy nhiên, theo ông Tuyên, khi phát hiện vi phạm, thẩm quyền của kiểm lâm là phối hợp chính quyền lập biên bản, còn xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của xã và huyện.

Ông cho biết theo quy hoạch, xã Minh Trí và Minh Phú nằm trong diện tích rừng phòng hộ. Hiện huyện Sóc Sơn đang rà soát, nếu các hộ dân có hồ sơ chứng minh đã là chủ đất trước năm 1993 thì sẽ bóc tách ra khỏi quy hoạch rừng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên - Ảnh: PHẠM TUẤN

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên - Ảnh: PHẠM TUẤN

Về việc người dân tự ý bán, giao dịch "ngầm" đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, ông Tuyên khẳng định là bất hợp pháp. 

"Làm gì được mua bán đất, chỉ được mua bán tài sản trên đất. Người bán nhầm, người mua cũng nhầm. Chính quyền làm sai chính quyền phải chịu. Người ta bán là bán tài sản trên đất. Còn đất này là đất của Nhà nước", ông nói.

Hồ Đồng Đò và Ban Tiện không nằm trong quy hoạch bảo vệ phát triển rừng bền vững kết hợp sinh thái

Trước câu hỏi xung quanh hồ Đồng Đò và Ban Tiện đang xây dựng rất nhiều công trình sai phép, vậy khu vực này thuộc huyện quản lý hay của ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, ông Tuyên cho rằng khu vực trên có một phần nhỏ thuộc ban quản lý rừng quản lý. Tuy nhiên phần lớn diện tích còn lại là do huyện quản lý.

"Chỗ rẻo núi hồ Đồng Đò đang xây dựng trái phép rất nhiều, TP đã chỉ đạo huyện phải xử lý. Năm 2022, TP đã có văn bản 184 yêu cầu các huyện, trong đó có Sóc Sơn, phải báo cáo kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo TP, nhưng hiện các huyện chưa báo cáo. 

Các công trình xây dựng sai phép ăn ra sát mép hồ Đồng Đò - Ảnh: NAM TRẦN

Các công trình xây dựng sai phép ăn ra sát mép hồ Đồng Đò - Ảnh: NAM TRẦN

Sở đang tiếp tục đôn đốc các huyện báo cáo xem kết quả thế nào, bởi phải xử lý cả phần lịch sử để lại. Chỗ hồ Đồng Đò còn có cả công trình ủi đất ra giữa lòng hồ, trong khi đất trên lòng hồ do thủy lợi quản lý. Vì vậy phải rà soát, cắm mốc giới để làm rõ trách nhiệm quản lý thuộc về ai; khu vực nào nằm trong, ngoài rừng phòng hộ" - ông Tuyên nói.

Với diện tích rừng nếu được quy hoạch du lịch, bảo vệ phát triển rừng bền vững kết hợp sinh thái, ông cho biết chỉ được phép xây dựng nhà kiên cố cao không quá 12m, nhưng không được phá vỡ môi trường rừng. Và phải xây ở những nơi đất trống không có cây rừng.

"Tuy nhiên, hồ Ban Tiện và Đồng Đò chưa có quy hoạch như thế" - ông khẳng định.

Nên đấu giá hoặc cho thuê môi trường rừng

Về việc xử lý các công trình sai phạm xây trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn, ông Tuyên đề xuất khi đã có mốc giới và được giao đất gắn với giao rừng, chủ rừng nên xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, xây dựng đề án phát triển du lịch.

"Những cái nào có thể phát triển du lịch được mà không phải bảo vệ nghiêm ngặt, vừa phát triển rừng vừa phát triển du lịch sinh thái nhằm quản lý, bảo vệ rừng bền vững thì chủ rừng phải xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Những hộ hay tổ chức cá nhân làm du lịch và bảo vệ rừng thì Nhà nước cho thuê môi trường rừng để làm" - ông đề xuất.

Các công trình xây sai phép trên Đồi Dõng Chum (xã Minh Trí, Sóc Sơn) - Ảnh: NAM TRẦN

Các công trình xây sai phép trên Đồi Dõng Chum (xã Minh Trí, Sóc Sơn) - Ảnh: NAM TRẦN

Ông đề xuất sau khi có quy hoạch điều chỉnh đất rừng phòng hộ, những hộ vẫn nằm trong quy hoạch rừng sẽ đưa ra đấu giá vì đây được coi là tài sản công hoặc cho thuê môi trường rừng.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho rằng nên ưu tiên những người đã có công trình ở khu vực hồ Ban Tiện và Đồng Đò tiếp tục kinh doanh, sau đó Nhà nước thu tiền kinh doanh dịch vụ.

"Nếu không đồng ý thì xin mời anh phải dỡ bỏ công trình để các tổ chức khác có năng lực làm. Còn anh thì làm thủ tục thuê môi trường rừng theo luật quy định" - ông nói và cho rằng huyện Sóc Sơn cần xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép trên đất rừng theo đúng quy định và đẩy nhanh rà soát để cắm mốc ranh giới.

Hãy bảo vệ rừng trước khi "mơ" về rừng trong phố?Hãy bảo vệ rừng trước khi 'mơ' về rừng trong phố?

Hà Nội cần làm lúc này trước hết là bảo vệ cho được những cánh rừng phòng hộ đang ngày đêm bị "xẻ thịt" để xây chi chít khu nghỉ dưỡng bạc tỉ.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0