Chạnh lòng phụ cấp thâm niên

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TT - Sau bài viết “36 năm đi dạy, nhận phụ cấp thâm niên 1,2 triệu đồng” (Tuổi Trẻ ngày 11-12), nhiều bạn đọc đã gọi về Tuổi Trẻ phản ảnh câu chuyện của mình...

36 năm đi dạy, nhận phụ cấp thâm niên 1,2 triệu đồng!

apsySx0c.jpgPhóng to
Cô Lan nói hơn 28 năm đi dạy mà giờ không được hưởng thâm niên là bị đối xử không công bằng - Ảnh: Hữu Khá

“Nhìn đồng nghiệp cùng làm nghề giáo, cùng công tác thâm niên như mình, thế mà họ được hưởng phụ cấp nhiều, còn mình có cũng như không”. Đó là tâm trạng chung của nhiều giáo viên nghỉ hưu sau ngày 31-5-2011 trên địa bàn Quảng Nam.

Nỗi buồn nghề cao quý

"Tôi nghĩ quyết định của Chính phủ không phải là sai. Cái sai lớn nhất là do cơ quan tham mưu, tư vấn về quyết định này"

Thầy N.V.T. (cựu giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt, Núi Thành, Quảng Nam)

"Đây là chuyện thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT, Chính phủ nên không thể giải quyết một sớm một chiều được"

Ông Hồ Văn Hưng (phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Nam)

Thầy N.V.T. (58 tuổi, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là cựu giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt, huyện Núi Thành. Bén duyên với nghề giáo từ sau năm 1975 và đã có 36 năm làm nghề giáo, với bao tâm huyết và đóng góp suốt quá trình gieo chữ cho đời, thế nhưng mới đây khi nghe tin nhiều đồng nghiệp cũng dạy học, cũng cống hiến như mình nhưng nghỉ hưu trước ngày 31-5-2011 thì được phụ cấp thâm niên (theo quyết định 52 của Thủ tướng Chính phủ) mà mình thì không thuộc diện được hưởng chế độ này, thầy T. không khỏi chạnh lòng. Thầy T. cho biết sau khi nghỉ hưu, bản thân chỉ nhận được vỏn vẹn 4 triệu đồng tiền phụ cấp thâm niên (theo nghị định 54 của Chính phủ). “Nếu được tính phụ cấp thâm niên như quyết định 52 thì tôi được hơn 13,5 triệu đồng. Dẫu không nhiều nhưng cũng phần nào an ủi chứ”, thầy T. tâm sự. Thầy T. kể lại trong quá trình dạy học, thầy đã làm tròn tâm huyết của một người thầy, có lúc được làm hiệu phó rồi hiệu trưởng của nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh.

“Lẽ ra Nhà nước khi cho chúng tôi về hưu phải có chính sách gì đó cho chúng tôi hưởng tiền phụ cấp một cách xứng đáng với công sức bỏ ra chứ. Đằng này lại có một sự bất hợp lý trong cách tính phụ cấp thâm niên như vậy”, thầy T. ngậm ngùi. Thầy T. kể giáo viên nằm trong trường hợp này họ không cần tiền, nhưng điều họ cần là chế độ đãi ngộ đối với những giáo viên về hưu phải có sự hợp lý: “Tôi nghĩ cần phải có một chế độ như thế nào cho xứng đáng với thâm niên, trình độ, cũng như những đóng góp của các giáo viên. Đó là sự quan tâm đúng mực của Nhà nước đối với nghề cao quý này”.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi, cựu giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt, huyện Núi Thành) cũng tỏ ra “ấm ức” trước quyết định có phần chưa hợp lý này. Trong quá trình 32 năm giảng dạy của mình, cô Hạnh nhận mức phụ cấp thâm niên đối với giáo viên theo nghị định 54 chưa đầy 3 triệu đồng. Lương hưu của cô Hạnh mỗi tháng hơn 4 triệu. Còn nếu nhận được phụ cấp thâm niên theo quyết định 52 của Chính phủ thì cô Hạnh sẽ được chừng 13 triệu đồng. Cô Hạnh nguyên là giáo viên môn văn, đi dạy từ năm 1979. Trong quá trình dạy học, cô đã được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” và nhiều bằng khen của UBND huyện, tỉnh trong nhiều năm. Cô Hạnh cho biết lương mỗi tháng dạy học kèm phụ cấp của cô gần 5 triệu đồng. Đến tháng 8-2011 cô nghỉ hưu trước tuổi. Đến năm 2012 cô mắc bệnh ung thư vú. Căn bệnh đã tiêu tốn rất nhiều tiền của gia đình cô. “Mới đây, khi nghe một đồng nghiệp cùng trường của mình nói là được nhận phụ cấp thâm niên đối với giáo viên theo quyết định 52 gần 13 triệu đồng, tôi bất ngờ và hỏi lại bên phòng chế độ BHXH tỉnh thì biết mình không được nhận nên cảm thấy rất buồn. Đồng nghiệp cũng đóng góp như mình nhưng họ được hưởng số tiền ấy. Thấy họ, nghĩ đến mình thật xót xa!”.

Quá thiệt thòi

Trường hợp của thầy T. và cô Hạnh cũng là tình trạng chung của nhiều giáo viên nghỉ hưu ở Quảng Nam. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Dương Thị Kim Khánh, phó trưởng phòng chế độ BHXH, thuộc BHXH tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện có hai văn bản quy định về phụ cấp thâm niên cho giáo viên là nghị định 54 và quyết định 52. Trường hợp của thầy T. và cô Hạnh nghỉ hưu sau ngày 31-5-2011 nên không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên theo quyết định 52 của Thủ tướng Chính phủ mà chỉ được hưởng chế độ phụ cấp theo nghị định 54. Có ba điều kiện để hưởng chế độ phụ cấp theo quyết định 52 là giáo viên phải có thời gian công tác đủ 60 tháng trở lên, có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1-1-1994 đến 31-5-2011 và đang hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2012.

Liên quan đến chuyện phụ cấp cho giáo viên thâm niên trên địa bàn tỉnh, ông Hồ Văn Hưng, phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Nam, bày tỏ: “Tôi cũng từng là giáo viên và công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, nhưng thấy quyết định này có phần thiệt thòi cho các giáo viên nghỉ hưu sau ngày 31-5-2011 nên rất thông cảm”.

Ngày 30-8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Theo đó, đối tượng áp dụng là “Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập. Điều kiện tính hưởng trợ cấp: Có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ năm năm (đủ 60 tháng) trở lên. Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1994 đến 31-5-2011.

28 năm đi dạy không được hưởng thâm niên?

Cô Ngô Thị Phương Lan (trú tại P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết sau ngày đất nước giải phóng, cô là giáo viên một trường mầm non tại quận Sơn Trà. Tuy nhiên, phải sau năm năm đi dạy, đến tháng 6-1979 cô mới được vào biên chế nhà nước. Suốt từ đó đến năm 2007, cô Lan trải qua các chức vụ khác nhau từ giáo viên đến hiệu phó rồi được đề bạt làm hiệu trưởng một trường mầm non công lập của quận Sơn Trà. “Đến năm 2007, do nhu cầu công tác của ngành và là đảng viên nên tôi chấp hành lệnh điều động về làm chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà, phụ trách bậc học mầm non. Đến tháng 4-2009 (thời gian 15 tháng cô được điều động về làm chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà - PV), tôi được nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội tính thời gian công tác của tôi là 29 năm 10 tháng” - cô Lan nói.

Cô Lan tâm sự cả đời đi dạy đồng lương ít ỏi, khi về hưu tiền lương hưu cũng không đủ sống. Vì vậy, mới đây ngày 30-8-2013, khi nghe Chính phủ có quyết định 52 về việc quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu nên rất mừng. Khi nghe có quyết định này, cô làm thủ tục tờ khai gửi lên Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng xin nhận số tiền trợ cấp thâm niên thì bị từ chối. “Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng từ chối với lý do tôi công tác trước khi nghỉ hưu là chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà chứ không phải là giáo viên. Tôi nhận thấy cách trả lời như vậy không thuyết phục, không hợp tình với một người mấy chục năm cống hiến cho giáo dục.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Anh Nhân, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng, cho biết lý do cô Lan không được hưởng trợ cấp thâm niên là do theo quy định của quyết định 52, người khi về hưu là giáo viên, còn trường hợp cô Lan khi về hưu cô đang là chuyên viên phòng giáo dục. Theo ông Nhân, vừa qua sau khi có quyết định 52, nhiều trường hợp tương tự cô Lan đến thắc mắc với bảo hiểm vì sao họ không được hưởng trợ cấp thâm niên. Hiện các trường hợp này theo quyết định 52 là không được hưởng, tuy nhiên hiện ngành bảo hiểm đang tập hợp để báo cáo chờ xin ý kiến.

HỮU KHÁ

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên