18/05/2024 16:06 GMT+7

Tật khúc xạ học đường gia tăng ở học sinh Gia Lai, có cháu thị lực còn 5/10 nhưng không biết

Qua một buổi khám sàng lọc đơn giản, hàng chục học sinh một trường phổ thông tại tỉnh Gia Lai bị phát hiện có biểu hiện tật khúc xạ học đường, gây ảnh hưởng đến thị lực nhưng các cháu lại không biết tình trạng này.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai khám sàng lọc bệnh về mắt ngày 18-5 - Ảnh: TẤN LỰC

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai khám sàng lọc bệnh về mắt ngày 18-5 - Ảnh: TẤN LỰC

Đáng chú ý, nhiều em không ý thức được tình trạng mắt của mình nên không đi điều trị, khiến thị lực ngày càng giảm nặng thêm.

Nhiều học sinh có vấn đề về thị lực

Ngày 18-5, Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn - Gia Lai tổ chức buổi khám sàng lọc miễn phí cho hơn 300 học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai.

Qua một buổi thăm khám, các bác sĩ phát hiện hơn 30% số học sinh được khám có biểu hiện của tật khúc xạ học đường.

Trong đó, đa số các em có dấu hiệu cận thị từ nhẹ tới vừa, một số bị mộng thị.

Đáng nói nhiều em mắc các triệu chứng cận thị rất lâu nhưng không hề đi kiểm tra, không có giải pháp điều trị khiến tình trạng chuyển nặng hơn.

Nay H Vương, học sinh lớp 11C, cho hay mấy năm nay em cảm thấy thị lực hai mắt không đều.

Cụ thể, mắt phải của Vương nhìn tương đối tốt nhưng mắt trái nhìn rất mờ, nhiều khi không nhìn rõ chữ viết trên bảng.

Nghe các bác sĩ thông báo sau khi khám, Vương ngớ người khi biết thị lực mắt trái chỉ còn 5/10. Nữ sinh này nói thị lực suy giảm trong thời gian dài nhưng không để ý, trước nay chưa từng chủ động đi khám mắt.

Trong số 300 học sinh được tầm soát ngày 18-5, có khoảng 30% có vấn đề về sức khỏe đôi mắt - Ảnh: TẤN LỰC

Trong số 300 học sinh được tầm soát ngày 18-5, có khoảng 30% có vấn đề về sức khỏe đôi mắt - Ảnh: TẤN LỰC

Trong khi đó, em Rơ Châm Sẻ - cũng học sinh lớp 11C - cho hay từ khi vào năm học đã không còn nhìn rõ chữ trên bảng dù ngồi hàng ghế thứ 4. Bởi vậy, trong các tiết học Sẻ toàn phải mượn vở của bạn để chép lại bài giảng vì không thấy rõ.

Dù vậy, do tâm lý e ngại, Sẻ chưa từng nói với gia đình về tình trạng của mình. Cô cũng không đi khám hay cắt kính để cải thiện thị lực. Qua khám sàng lọc, đôi mắt của Sẻ cận tương đương 2 độ.

Học sinh e ngại, tình trạng thêm nặng

Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Điệp, chuyên khoa mắt của Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn - Gia Lai, cho hay đơn vị này thường tổ chức các đợt khám tầm soát bệnh về mắt miễn phí cho học sinh trong tỉnh.

Qua nhiều lần thăm khám, đơn vị này nhận thấy tình trạng khúc xạ học đường đang rất phổ biến, có những trường tỉ lệ mắc lên tới trên 50%.

Theo bác sĩ này, qua tìm hiểu nhận thấy có tình trạng học sinh ngại mang kính, ngại nói với người nhà để điều trị kịp thời nên dẫn tới có những bạn cận nặng, ảnh hưởng chức năng đôi mắt và hiệu quả học tập.

Đáng chú ý, ngoài cận thị, qua thăm khám nhiều em gặp tình trạng khác như mộng thị, bệnh về viêm nhiễm giác mạc, viêm kết mạc nhưng không được điều trị sớm.

Theo bác sĩ Điệp, bên cạnh tuyên truyền giúp các em nâng cao ý thức phòng chống tật khúc xạ học đường, bố mẹ và gia đình cần tăng cường quan tâm thăm hỏi tình trạng của con.

Tránh để tâm lý e ngại của các em làm tình trạng nặng thêm, tới lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém hơn.

Phòng bệnh cận thị ở lứa tuổi học sinhPhòng bệnh cận thị ở lứa tuổi học sinh

Cận thị ở trẻ em do yếu tố di truyền và điều kiện sinh hoạt gia đình chiếm tỉ lệ 7,41% - 24,46%. Nguyên nhân nổi bật nhất vẫn là ánh sáng không đầy đủ, áp lực nhìn lớn và khoảng cách không phù hợp kéo dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên