26/08/2017 15:55 GMT+7

​Phòng bệnh cận thị ở lứa tuổi học sinh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Cận thị ở trẻ em do yếu tố di truyền và điều kiện sinh hoạt gia đình chiếm tỉ lệ 7,41% - 24,46%. Nguyên nhân nổi bật nhất vẫn là ánh sáng không đầy đủ, áp lực nhìn lớn và khoảng cách không phù hợp kéo dài.

Chương trình học tập hiện nay quá nặng, học sinh phải học cả 3 buổi (sáng, chiều, tối) buộc mắt phải làm việc liên tục. Việc tập trung nhìn kéo dài tạo điều kiện thuận lợi dẫn đến cận thị, nhất là ở học sinh cấp I (6 - 10 tuổi) do ở lứa tuổi này cơ quan thị giác chưa hoàn chỉnh cả về mặt cấu tạo và sinh lý. Vì thế, tỉ lệ cận thị mới mắc sau một năm ở học sinh cấp tiểu học cao gấp 5 lần so với học sinh cấp phổ thông trung học.

Chương trình học vốn đã nặng, ngoài giờ học các em còn giải trí bằng trò chơi điện tử, xem tivi, game trên máy vi tính, điện thoại đòi hỏi sự tập trung cao độ, sự điều tiết của mắt khiến tình trạng trẻ bị cận thị gia tăng. Do hình ảnh di chuyển liên tục và các em phải ngồi gần màn hình máy tính nên độ cận đã tăng lên nhanh chóng. Các truyện tranh, sách in chữ quá nhỏ cũng làm tăng gánh nặng đối với mắt.

Khi đã bị cận thị, nếu không được phát hiện sớm để điều trị sẽ gây mệt mỏi đôi mắt, thậm chí nhức mắt hoặc nhức đầu ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Trẻ cận thị sẽ bị hạn chế trong nhiều lĩnh vực như sự nhanh nhạy, giao tiếp xã hội, nhận biết hình thể cũng như việc lựa chọn một số nghề. Hơn nữa, cận thị còn có thể dẫn đến những bệnh lý như lé mắt, nhược thị, co quắp điều tiết... gây ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ và còn để lại di chứng cho thế hệ sau.

Để phòng ngừa, hiện nay chưa có một phương pháp nào hiệu quả hoàn toàn. Tuy nhiên, nên có một chế độ học tập và làm việc hợp lý xen kẽ với những vận động thể lực vừa phải. Học tập, làm việc, đọc sách đúng khoảng cách, đúng tư thế, đủ ánh sáng sẽ giúp cho mắt đỡ mệt mỏi.

Khi ngồi viết, ánh sáng phải chiếu phía đối diện của tay cầm bút, chữ và giấy phải có độ tương phản tốt, khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 - 30 cm, cho mắt thư giãn bằng cách nhìn ra xa trong 5-10 phút sau mỗi 30-40 phút làm việc. Không nên để mắt quá căng thẳng khi tiếp xúc với màn hình vi tính, không chơi trò chơi điện tử lâu...

Phương pháp điều trị thuận tiện và rẻ tiền nhất là đeo kính gọng, sau đó là kính tiếp xúc (kính áp tròng). Đối với trẻ em, không có chỉ định mổ cận thị bằng Laser Excimer trừ những trường hợp rất đặc biệt chỉ người trên 18 tuổi mới được áp dụng phương pháp điều trị này.

Nhiều bậc phụ huynh không để ý và chỉ phát hiện con mình bị cận thị nặng khi các cháu học hành giảm sút và cô giáo đề nghị gia đình cho con đi kiểm tra mắt. Khi phát hiện trẻ bị cận thị, nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản chỉ cần đo kính một lần là đủ, xem thường việc tái khám định kỳ.

Tái khám định kỳ rất quan trọng vì trẻ đang phát triển nên độ cận còn tăng, cần theo dõi mỗi 6 tháng để kiểm tra và điều chỉnh kính phù hợp. Ngoài ra cũng cần nhắc nhở trẻ đeo kính thường xuyên để giữ gìn thị lực.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: cận thị