Trong cuốn kịch bản đạo diễn Quỳnh Mai đăng thì vở mang tên chính thức là Lý Thường Kiệt. Tác giả: Hoàng Yến và chuyển thể cải lương: Thanh Tòng.
Thế nhưng khán giả phía Nam rất quen thuộc vở với tên gọi Câu thơ yên ngựa.
Câu thơ yên ngựa, bài học đoàn kết chống xâm lăng
Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ đây là một trong những vở nằm trong kế hoạch phục dựng lại những kịch bản mẫu mực, thành công và ăn khách của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Kịch bản này đã được NSND Mạnh Tưởng của nhà hát dàn dựng mấy chục năm trước.
Quỳnh Mai xúc động: "Sau 18 năm, gặp lại nhân vật mà mình vô cùng ngưỡng mộ".
Quỳnh Mai kể mười mấy năm trước chị may mắn được dựng vở về anh hùng Lý Thường Kiệt trong Trọn đời trung hiếu với Thăng Long. Vở diễn này, tác giả, đạo diễn khắc họa nhân vật từ thuở mới sinh ra, rồi tịnh thân làm thái giám, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn...
Với vở Lý Thường Kiệt là giai đoạn danh tướng, người lãnh đạo cuộc chiến tài tình trên sông Như Nguyệt chống quân Tống với bài thơ thần, được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, bài Nam quốc sơn hà.
Quỳnh Mai hào hứng nói hiện tại chị vừa dàn dựng vở Lý Thường Kiệt, vừa chuẩn bị làm vở Mặt trời đêm thế kỷ của tác giả Lê Duy Hạnh cho Nhà hát Cải lương Việt Nam.
"Đọc kịch bản của các chú, các bác thật sự thích lắm. Văn chương hay, sâu sắc, đến hôm nay vẫn còn giá trị thời đại. Kết cấu kịch bản thì chặt chẽ. Thế nên, việc của người dựng là phả hơi thở mới vào và kể câu chuyện sao cho hấp dẫn" - Quỳnh Mai cho biết khoảng hơn một tháng nữa sẽ ra mắt vở Lý Thường Kiệt.
Niềm tự hào của gia tộc Minh Tơ
Câu thơ yên ngựa là vở sử Việt không chỉ là niềm tự hào của gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ mà còn của sân khấu TP.HCM sau năm 1975.
Nghệ sĩ Bạch Long, người đóng vai Chiêu Văn trong bản dựng đầu tiên của Đoàn Minh Tơ, cho biết vở ra đời khoảng năm 1982. Trên các bản thâu hình còn lưu lại vở ghi rõ tên tác phẩm Câu thơ yên ngựa (tác giả: Hoàng Yến, chuyển thể: Ngọc Văn, Thanh Tòng).
Ê kíp đầu tiên thể hiện vở diễn có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi của gia tộc Minh Tơ như Thanh Tòng, Hữu Cảnh, Bạch Lê (chị gái nghệ sĩ Thành Lộc), Thanh Loan, Điền Thanh, Bạch Long, Thùy Dương, Công Minh, Thanh Sơn…
Sau đó, còn nhiều bản thâu với các ê kíp khác như Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Sang, Phương Quang, Bảo Quốc… Hãng phim Tây Đô cũng từng làm với ê kíp trẻ hơn là Quế Trân, Trinh Trinh, Vũ Luân…
Năm 2010, cố đạo diễn Vũ Minh từng thực hiện chương trình Gìn vàng giữ ngọc với vở Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu tập trung các thành viên gia tộc Minh Tơ khi các nghệ sĩ Bạch Lê, Thanh Bạch, Điền Thanh… về thăm quê hương.
Câu thơ yên ngựa luôn được xem là trường hợp điển hình trong các cuộc hội thảo về cải lương. Là nỗ lực với dấu ấn rất lớn là nghệ sĩ Thanh Tòng trong việc tìm tòi kịch bản sử Việt đưa vào tuồng cổ bởi hồi đó người ta quen thuộc với hình ảnh Minh Tơ của những tuồng tích Tàu.
Với Câu thơ yên ngựa, và một loạt các vở như Thanh gươm nữ tướng, Trần Quốc Toản, Bão táp nguyên phong…, nghệ sĩ Thanh Tòng và gia tộc đã chứng tỏ đoàn cải lương tuồng cổ vẫn có thể hát được các vở sử Việt rất hay và hào hùng.
Để làm được điều đó thì "thuyền trưởng" là NSND Thanh Tòng đã phải tìm tòi, cải biến liên tục. Bên cạnh ông là các nghệ sĩ giỏi nghề của gia tộc.
Nhạc sĩ Đức Phú đã sáng tạo, sáng tác những bài bản mới, Việt hóa khiến âm nhạc của Câu thơ yên ngựa được đánh giá cao và nhận được giải thưởng nghề nghiệp.
Quỳnh Mai cho biết nghe tên Thanh Tòng mọi người cứ nghĩ là kịch bản sẽ đậm tuồng cổ. "Nhưng Lý Thường Kiệt là kịch bản rất thuần chất cải lương. Có nhiều bài bản cải lương như Xuân tình, Sương chiều, Tú anh…" - Quỳnh Mai nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận