28/04/2024 07:15 GMT+7

Khán giả đến rạp thưởng thức vở cải lương cách mạng kinh điển Người ven đô

Tối 27-4, nhiều khán giả đã đến Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang để thưởng thức Người ven đô, một vở cải lương cách mạng kinh điển.

Nghệ sĩ Lê Tứ (trái, vai Tám Khỏe) và Võ Minh Lâm vai Bảy Đờn trong vở Người ven đô - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ Lê Tứ (trái, vai Tám Khỏe) và Võ Minh Lâm vai Bảy Đờn trong vở Người ven đô - Ảnh: LINH ĐOAN

Ra mắt đúng vào dịp cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước, Người ven đô của gần 50 năm trước vẫn khiến người xem rung cảm và xúc động.

Người ven đô và những xúc cảm đi cùng năm tháng

Người ven đô của tác giả Minh Khoa có tên ban đầu là Trận tuyến ven đô, được Đoàn kịch nói Nam Bộ dàn dựng và biểu diễn lần đầu tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 1975.

Sau đó kịch bản được soạn giả Nguyễn Gia Nghiệm chuyển thể cải lương, ra mắt ở Đoàn Sài Gòn 1 năm 1976 với sự góp mặt của các nghệ sĩ cải lương tên tuổi như Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Phượng Liên, Nam Hùng, Thanh Thanh Hoa, Văn Khoe, Trường Xuân...

Là một kịch bản cách mạng nhưng Người ven đô khiến người xem cứ rưng rưng bởi không giáo điều, lên gân.

Bởi vở đã biết cách len lỏi vào trái tim người xem vì những lý tưởng, những điều to tát được chuyển tải một cách dung dị, chân thành.

Vở được đặt trong bối cảnh chiến tranh ác liệt ở mảnh đất 18 thôn vườn trầu. Bà con Hóc Môn bền bỉ ngày đêm bảo vệ chú Sáu Hộ, người mà bọn địch muốn truy lùng vì là "Việt cộng cỡ bự còn sót lại ở vùng đất này".

Người ven đô bản dựng mới vẫn có thể chạm đến trái tim của người xem hôm nay bởi sự tinh tế.

Cảnh diễn in mãi trong tâm trí khán giả khi ông Tám Khỏe bị ép phải nói câu: "Tôi là Tám Khỏe, tôi xin tuyên bố ly khai Việt cộng" - Ảnh: LINH ĐOAN

Cảnh diễn in mãi trong tâm trí khán giả khi ông Tám Khỏe bị ép phải nói câu: "Tôi là Tám Khỏe, tôi xin tuyên bố ly khai Việt cộng" - Ảnh: LINH ĐOAN

Nó không hề khô khan với người trẻ dù họ không có trải nghiệm chiến tranh. Bởi vở đã biết xoáy sâu vào câu chuyện của lòng dân với cách mạng.

Vở lý giải tại sao dân 18 thôn vườn trầu vẫn dám đương đầu với kẻ thù lớn mạnh được trang bị đầy đủ vũ khí tối tân?

Bởi họ yêu mảnh đất, quê hương của mình. Và họ tin tưởng vào Đảng, cách mạng sẽ lãnh đạo đem đến hòa bình cho dân tộc nên đã vượt qua nỗi sợ hãi để dám hy sinh vì nghĩa lớn.

Lê Tứ xuất sắc với ông Tám Khỏe

Người ven đô bản mới hơi... tréo ngoe khi giao vai già cho người trẻ và ngược lại.

Vai nặng ký Tám Khỏe được trao cho nghệ sĩ Lê Tứ quá hợp lý. Lê Tứ ca diễn đều tốt và anh có kinh nghiệm thể hiện nhiều vai diễn cách mạng nên nhân vật của anh chinh phục người xem.

Vai khiến nhiều người lo và tò mò là ông Bảy Đờn được trao cho Võ Minh Lâm. Đây là lần đầu tiên anh vào vai kép lão.

Nhưng với sự "nhào nặn" của đạo diễn Hoa Hạ và nỗ lực của bản thân, Võ Minh Lâm khiến khán giả không thất vọng với hình ảnh lão nông bộc trực, một lòng một dạ với cách mạng.

Lê Tứ và Võ Minh Lâm đã có lớp diễn khiến người xem phải rớt nước mắt là cảnh đôi bạn già Tám Khỏe - Bảy Đờn phải tựa vào nhau để làm "thành trì" của xóm làng trước những đòn thâm hiểm của kẻ thù.

Lớp diễn khiến người xem phải rớt nước mắt - Ảnh: LINH ĐOAN

Lớp diễn khiến người xem phải rớt nước mắt - Ảnh: LINH ĐOAN

Tân NSND Hoa Phượng đến từ Đoàn Hương Tràm (Cà Mau) may mắn được giao vai diễn bà Bảy Đờn, nhân vật ghi dấu ấn của cố nghệ sĩ Út Bạch Lan.

Hoa Phượng tâm sự: "Tôi hát đoàn tỉnh ít có điều kiện phối hợp anh chị nghệ sĩ ở TP.HCM. Lần này, tôi vui vì có được vai diễn hay và cũng là cơ hội cọ xát, học hỏi thêm với những cô chú, anh chị giỏi nghề".

Hoa Phượng tỏ ra rất cố gắng nhưng trong đêm diễn đầu tiên cô cũng còn chỗ căng thẳng. Cảnh bà Bảy Đờn đau đớn khi chồng bị địch đâm mù đôi mắt nếu Phượng diễn sâu và tinh tế hơn thì hiệu quả lớp diễn sẽ còn cao hơn.

Các nghệ sĩ Phượng Loan, Minh Trường, Lê Hồng Thắm, Bảo Trí… đều nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả.

Sau đêm diễn, soạn giả Hoàng Song Việt tâm sự ông chỉ mong Người ven đô được khán giả đồng cảm, ủng hộ để kéo dài được suất diễn, nhắc nhớ người hôm nay về một thời hào hùng của quân và dân ta.

Đạo diễn Hoa Hạ tâm sự đây là vở cách mạng thứ ba mà bà dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Minh Khoa, người bà xem như người cha, người thầy.

Qua tìm hiểu bà được biết các nhân vật chính trong Người ven đô được viết từ những con người thật. Vậy nên, Hoa Hạ cho rằng bà sẽ có lỗi nếu làm vở diễn không hay, không cảm xúc.

"Kịch bản cách mạng nếu hư cấu quá sẽ khó lay động người xem. Trong Người ven đô dường như có linh hồn mà chú Minh Khoa phải trải nghiệm xương máu mới viết được.

Thầy trò chúng tôi đã vất vả trên sàn tập để diễn cho ra sự chân thật, để truyền được cảm xúc, chí khí cách mạng đến người xem.

Các em đã thể hiện gần 90% theo những điều tôi mong muốn. Đây là món quà ý nghĩa mà chúng tôi thành kính tri ân đến người đi trước trong những ngày tháng lịch sử của đất nước" - Hoa Hạ xúc động chia sẻ.

Tháng 4 được mùa các vở kịch và cải lương lịch sửTháng 4 được mùa các vở kịch và cải lương lịch sử

Không hẹn mà gặp, TP.HCM có đến ba vở kịch, cải lương đáng xem trong tháng 4 này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên