Trong Người ven đô, có hai nhân vật khiến người ta xúc động và nhớ mãi là ông Bảy Đờn (Thành Được) và Tám Khỏe (Út Trà Ôn).
Cái bóng Út Trà Ôn, Thành Được, Út Bạch Lan… quá lớn nên ít người dám dựng lại
Người ven đô có thể xem là kịch bản cách mạng kinh điển. Là vở diễn nổi tiếng của cố tác giả Minh Khoa.
Vở được tác giả mang từ chiến trường miền Nam ra đến miền Bắc vào khoảng năm 1972 với tên ban đầu là Trận tuyến ven đô.
Tác giả trẻ ngày ấy đã được đàn anh là Thế Lữ và Lưu Trọng Lư hỗ trợ, Đoàn kịch nói Nam Bộ dàn dựng biểu diễn lần đầu vào ngày 3-2-1975 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Năm 1976, vở ra đời bản cải lương trên sân khấu đoàn Sài Gòn 1, chuyển thể cải lương là Nguyễn Gia Nghiệm và dàn dựng là đạo diễn Minh Trị.
Người ven đô kể câu chuyện xúc động về người dân 18 thôn vườn trầu kiên trung, gan dạ, bảo vệ những người cộng sản trong cuộc chiến ác liệt.
Trong đó, các nhân vật được xây dựng như khắc, như tạc vào tâm trí người xem.
Nổi bật là hai người bạn già Bảy Đờn (Thành Được) và Tám Khỏe (Út Trà Ôn) như hai thành trì cùng người dân xóm làng che chở cho cách mạng.
Trong hành trình hiểm nguy đó họ đối diện với sinh tử, bị hành đến mức phát điên như ông Tám Khỏe, hoặc bị móc mù đôi mắt như ông Bảy Đờn…
Soạn giả Hoàng Song Việt bày tỏ suy nghĩ: "Có lẽ những cây đa cây đề ngày ấy như Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan (vai bà Bảy Đờn) và còn các anh chị như Phượng Liên, Nam Hùng, Thanh Thanh Hoa, Trường Xuân, Văn Khoe… thể hiện các vai diễn quá hay nên từ năm 1976 đến nay vẫn chưa có sân khấu nào dám dựng lại".
Dựng vở để người trẻ tri ân với người đi trước
Khi nghe tin sân khấu cải lương mới Đại Việt dàn dựng lại vở Người ven đô, sẽ ra mắt vào ngày 27-4 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhiều người… hơi choáng!
Choáng bởi vì đây là sân khấu tư nhân. Mà đã là đoàn xã hội hóa phải chú ý đến việc bán vé, thu hồi vốn để tái đầu tư.
Với một vở diễn cách mạng như Người ven đô, được xem là kén khán giả, thì xét đến yếu tố lợi nhuận có vẻ hơi khó.
Ông Hoàng Song Việt cho biết với kinh nghiệm làm nghề mấy chục năm nay ông hoàn toàn lường trước tình trạng này.
"Bởi vậy, trong ngày họp ê kíp thực hiện tôi đề nghị mọi người tập trung góp ý kiến để có thể làm vở hay nhất, chỉ xin duy nhất một điều: Không bàn ra!" - ông Việt kể.
Tại sao biết trước mà ông Việt vẫn… ngoan cố? Ông tâm sự khi được coi vở diễn lần đầu năm 1976 ông hoàn toàn bị chinh phục bởi vở quá hay.
Từ đó tới nay ông ấp ủ ước mơ được dựng vở nhưng duyên chưa đủ. Lần này có nhiều lý do để người soạn giả kỳ cựu này quyết tâm dựng Người ven đô.
Khá nhiều nghệ sĩ cộng tác với Đại Việt vừa được phong Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú như: Phượng Loan, Hoa Phượng, Võ Minh Lâm, Trọng Nghĩa, Bảo Trí…, nên ông muốn có một vở như sự chúc mừng.
Ông chọn vở có nhiều vai diễn hay, khó như là cách để nghệ sĩ vượt lên chính mình và xem như "giới thiệu" tài năng của mình đến khán giả.
Nhân dịp kỷ niệm 49 năm miền Nam giải phóng, hoàn toàn thống nhất đất nước, ông Việt xem đây cũng là cơ hội để người trẻ hôm nay bày tỏ lòng tri ân với những người đi trước, góp phần đem lại sự bình yên cho đất nước.
Đại Việt từ lúc ra đời luôn được đánh giá là sân khấu tử tế với nhiều vở cải lương hay như Chuyện tình Khau Vai, Nàng Xê Đa, Đêm trước ngày hoàng đạo, Cô đào hát…
Lần này, sân khấu tiếp tục mời NSƯT Hoa Hạ làm đạo diễn. Ông Việt thông tin: "Tôi đã trao đổi với Phan Quốc Kiệt, giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, để mượn một số cảnh trí phù hợp vở diễn.
Chúng tôi cho họa sĩ trang trí thiết kế mới đẹp, sau khi diễn chừng vài suất tôi trả lại thì nhà hát có cảnh trí mới tinh. Lợi cả đôi bên.
Về trang phục, đây là vở cách mạng, xã hội nên không tốn tiền may mới. Cũng không cần nhóm múa hoành tráng nên tiết kiệm khá nhiều chi phí".
Vì đã tính toán như thế nên ông bầu vui vẻ cho biết dù không bán hết vé thì vốn đầu tư không bị "mẻ" nhiều nên ông vẫn rất an tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận