30/12/2007 07:41 GMT+7

Đã yêu phải yêu hết mình

Linh Đoan
Linh Đoan

TT - Là vở diễn cuối cùng khép lại cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007 (15 đến 25-12-2007 tại TP.HCM), vở cải lương Cung phi Điểm Bích đã tạo nên một bất ngờ lớn và đường hoàng đoạt luôn giải cao nhất cuộc thi.

i9o0n0zG.jpgPhóng to
Lớp mở đầu với một "vườn" mai rập rờn quanh diễn viên tạo nên nét đẹp nhã nhặn, thanh tao trong Cung phi Điểm Bích - Ảnh: Nguyễn Lộc
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đó là một trong những sản phẩm đầu tay của nữ ĐD trẻ Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương trung ương). <?xml:namespace prefix = o />

Sinh ra từ đất Nghệ An, bên cạnh những điệu ví dặm, cô bé Quỳnh Mai ngày ấy lại rất nghiện nghe băng đĩa cải lương. Thần tượng của cô là hai nghệ sĩ tài danh: Lệ Thủy và Thanh Kim Huệ. Năm 14, 15 tuổi, Quỳnh Mai thi vào lớp diễn viên của Trường Sân khấu - điện ảnh Hà Nội trong sự phản đối kịch liệt của gia đình.

Để làm yên lòng mọi người, cô đã… “dỗ ngọt” bố mẹ: “Con học thế thôi chứ biết có theo nghề không…”. Nói vậy nhưng Quỳnh Mai vẫn âm thầm nỗ lực và ngay vai chính đầu tiên năm 17 tuổi (vai Chiêu San trong vở Cô gái Phù Tang) cô đã tạo được tiếng vang, đến lúc này thì bố mẹ đành tặc lưỡi: “Thôi thì tùy ở con…”. Sự khởi đầu thuận lợi đã đem đến cho cô hàng loạt vai đào chính trong các vở cải lương của Nhà hát Cải lương trung ương như: Nhâm (Điều không thể mất), Quỳnh (Nỗi đau tình mẹ), Phượng (Lôi vũ), Diễm (Thời con gái đã xa)…

yUjrKTGY.jpgPhóng to
ĐD Hoàng Quỳnh Mai Ảnh: Linh Đoan

Năm 2001, Quỳnh Mai quyết định thi vào khoa đạo diễn Trường Sân khấu - điện ảnh, năm 2005 tốt nghiệp với vở diễn đầu tiên Truyền thuyết một tình yêu được đánh giá cao và đoạt luôn bằng ưu. Cung phi Điểm Bích (KB: Hoàng Công Khanh; chuyển thể cải lương: NSƯT Ngọc Chi) trong cuộc thi lần này là vở thứ hai Quỳnh Mai dàn dựng. Hành trình đi tìm kịch bản lấy của cô rất nhiều thời gian, bởi kịch bản hay thì hiếm khi tới tay những đạo diễn trẻ. Trong khi Triệu Trung Kiên (ĐD vở Dấu ấn giao thời, đoạt giải B) chọn giải pháp tự viết luôn kịch bản thì Quỳnh Mai vẫn chạy ngược chạy xuôi...

Đến lúc tưởng như đã buông tay thì bất ngờ cô đọc được tác phẩm kịch thơ Cung phi Điểm Bích của tác giả Hoàng Công Khanh. Cô run lên mừng rỡ vì bắt gặp sự đồng cảm. Nhiều người tỏ ý lo ngại vì kịch bản có vẻ gần với nghệ thuật chèo hơn nhưng với sự nhạy cảm nghề nghiệp, Quỳnh Mai khẳng định: có thể dựng thành vở cải lương!

Quỳnh Mai khăn gói lên Yên Tử. Lên xuống mấy bận để tìm hiểu về sư tổ Huyền Quang, những giai thoại về ông và cung phi Điểm Bích, về những triết lý của đạo Phật... Những chuyến đi thực tế đó đã cho cô nhiều ý tưởng hay và chân thật. Chúng được thể hiện nổi bật trên phông nền sân khấu với biểu tượng âm dương trong hai màu trắng và đen điểm những cánh hoa mai - loài hoa mà xưa kia sư tổ Huyền Quang rất thích. Mai rập rờn trên sân khấu làm nền cho cuộc nói chuyện giữa sư tổ và nàng cung phi ở lớp mở đầu mang màu sắc lãng mạn và thanh tao trong tiếng sáo réo rắt...

Lớp cung phi Điểm Bích quyến rũ sư tổ Huyền Quang là lớp diễn đắc địa, tạo điểm nhấn mạnh mẽ cho toàn vở diễn. Đây cũng là lớp diễn khiến Quỳnh Mai phải… vật vã, phờ phạc. Quỳnh Mai như tìm thấy chính mình trong khát khao yêu thương mãnh liệt của cô cung phi Điểm Bích: đã yêu, phải yêu hết mình! Yêu nhân vật cũng bằng một tình yêu như thế nên cô thấy mình càng phải có trách nhiệm làm sáng lên khát vọng tình yêu đó. Cô trằn trọc, mất ngủ nhiều đêm liền suy tính, sắp đặt một… hệ thống quyến rũ để “bày” cho nhân vật. Và cái “hệ thống quyến rũ” ấy không diễn ra một cách cứng nhắc mà chảy tuôn ào ạt như mạch cảm xúc dào dạt, như sự cộng hưởng đến run rẩy của hai người phụ nữ ở hai thời đại.

Quỳnh Mai đã thể hiện khả năng phối hợp nhuần nhuyễn các thể loại cải lương, ca trù, lên đồng…, sự đối trọng hữu hiệu giữa tiếng trống - tiếng chuông, khả năng khai thác tâm lý phức tạp của nhân vật hàm chứa rất rõ một tinh thần triết học... Cung phi Điểm Bích khiến người ta... chóng mặt trong sự cuồng nhiệt của người đàn bà nồng nàn, quyết liệt trong tình yêu.

Đem cải lương đất Bắc “chinh chiến” ở phương <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam, Quỳnh Mai vui vì những quan điểm, phong cách làm nghề của mình ít nhiều đã được chấp nhận. Hạn chế được sự dài dòng, ủy mị trên sân khấu cải lương, cô đạo diễn trẻ đã có thể kể một câu chuyện cũ trong tiết tấu mạnh mẽ của hiện đại.

Linh Đoan

Vở diễn tạo cảm xúc mạnh mẽ

NSƯT Hồng Dung - phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho rằng Cung phi Điểm Bích là một vở hay qua cách dàn dựng của Hoàng Quỳnh Mai. Cái hay này bắt nguồn từ một kịch bản tốt nhưng bị cất kho - nghĩa là suốt một thời gian dài người ta không đánh giá đúng chất lượng của nó. Và Quỳnh Mai đã tìm ra được cái chìa khóa để mở ra vấn đề và xử lý một cách tinh tế.

Tiết tấu của vở được đẩy lên cao độ, có những trường đoạn đắc địa khai thác tận cùng khả năng diễn xuất của nghệ sĩ, thiết kế mỹ thuật vừa ước lệ vừa hiện đại, xử lý ánh sáng, âm nhạc nhuần nhuyễn tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Tuy nhiên, theo NSƯT Hồng Dung, Cung phi Điểm Bích hơi thiếu đi cái chất cải lương nguyên bản. Vở diễn nặng tính tự sự hơn là yếu tố trữ tình nên có, sử dụng bài bản đẹp là một ưu điểm của cải lương miền Bắc nhưng lại không có ca ngâm, nói lối - những lời rao đặc trưng phân biệt giữa cải lương và ca kịch.

Nhưng với một vở diễn mà từ lúc mở màn đến khi kết thúc đã khiến cả khán phòng đông nghẹt phải lặng như tờ để dõi theo ấy thì NSƯT Hồng Dung đã không quá lời khi nhận xét : "Cùng là đạo diễn nữ nên tôi hiểu những vất vả không tên mỗi khi lên sàn tập. Và Mai - với cái thân hình bé nhỏ ấy đã dám tải trên lưng cả một vở diễn đầy ắp những suy tư và triết lý, thật đáng khâm phục!"

Linh Đoan
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên