01/10/2017 17:13 GMT+7

Bình Nhưỡng vẫn quyết trở thành 'quốc gia hạt nhân'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Đài Al Jazeera dẫn nguồn tin chính thức từ Bình Nhưỡng cho biết Triều Tiên không chỉ cho rằng các lệnh trừng phạt không có hiệu quả và chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm thực hiện chương trình hạt nhân.

Bình Nhưỡng vẫn quyết trở thành quốc gia hạt nhân - Ảnh 1.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cùng các tướng lĩnh và nhà khoa học thể hiện sự quyết tâm và vui mừng sau vụ phóng tên lửa vượt qua lãnh thổ Nhật - Ảnh: REUTERS

Đài Al Jazeera dẫn nguồn tin từ trang web của Đài Uriminzokkiri của Triều Tiên đăng tải ngày 1-10 sau khi có thông tin Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp gỡ các quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh nhằm bàn thảo về cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên.

Quan điểm của Triều Tiên cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng mặc dù đang "gây thiệt hại nặng nề" nhưng sẽ không có hiệu quả. Bên cạnh đó, Triều Tiên khẳng định các lệnh trừng phạt không thể khiến nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải một tuyên bố từ một người phát ngôn của Ủy ban Điều tra thiệt hại do các lệnh trừng phạt Triều Tiên, trong đó cáo buộc Mỹ gây ra "tội ác tàn nhẫn".

Người phát ngôn này nhấn mạnh: "Thiệt hại to lớn mà các lệnh trừng phạt gây ra đối với sự phát triển của đất nước cũng như cuộc sống của người dân Triều Tiên là ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, sẽ là một giấc mơ ngốc nghếch nếu nghĩ rằng những lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu quả đối với Triều Tiên".

Theo người phát ngôn này, các lệnh trừng phạt đã không thể ngăn cản Triều Tiên chính thức trở thành một quốc gia hạt nhân và liên tục đạt được những tiến triển trong việc xây dựng một nền kinh tế vững mạnh trong hơn nửa thế kỷ qua.

Bình Nhưỡng vẫn quyết trở thành quốc gia hạt nhân - Ảnh 2.

Chủ tịch Kim Jong Un đi thăm một nông trại trong ảnh được công bố ngày 29-9. Triều Tiên thể hiện quyết tâm không chỉ làm hạt nhân và tên lửa mà còn duy trì sản xuất nuôi dân - Ảnh: REUTERS

Hôm 30-9, Triều Tiên cũng đã chỉ trích sắc lệnh của Mỹ về các biện pháp trừng phạt nước này sau vụ thử hạt nhân vào đầu tháng, đồng thời kêu gọi Washington ngừng chính sách thù địch chống Bình Nhưỡng.

Một người phát ngôn của Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên thậm chí đưa ra cảnh báo quen thuộc rằng Triều Tiên sẽ có hành động mạnh mẽ nếu Mỹ tiếp tục chính sách chống Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, ngày 1-10, Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết Seoul và Washington đang duy trì sự phối hợp chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên, cả trong việc đáp trả trước các hành động khiêu khích của nước này và tìm kiếm đối thoại, bất chấp việc Bình Nhưỡng tỏ ra không quan tâm tới việc tham gia các cuộc đối thoại.

Trong một tuyên bố với báo giới, người phát ngôn Nhà Xanh Park Soo Hyun cho biết Chính phủ Hàn Quốc ủng hộ các nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông Park nhấn mạnh: "Chính phủ của chúng tôi từng nhấn mạnh rằng đối thoại có thể được theo đuổi dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm các cuộc đối thoại song phương giữa Triều Tiên và Mỹ, giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng như các cuộc đối thoại đa phương".

Bình Nhưỡng vẫn quyết trở thành quốc gia hạt nhân - Ảnh 3.

Chiếc xe được cho là chở phái đoàn Triều Tiên đến làm việc ở Bộ Ngoại giao Nga tại thủ đô Matxcơva ngày 29-9 - Ảnh: REUTERS

Đại diện Nhà Xanh cũng nêu rõ cả Hàn Quốc và Mỹ thống nhất nguyên tắc "các lệnh trừng phạt và sức ép tối đa" là cần thiết để thay đổi chính sách của Triều Tiên và buộc nước này quay trở lại bàn đàm phán. Ngoài ra, hai bên cũng đang tham vấn chặt chẽ với nhau về vấn đề này.

Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết các nhà ngoại giao Mỹ duy trì một số kênh đối thoại mở, từ đó có thể tiếp xúc với các quan chức trong chính quyền Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo bà Nauert, hiện Bình Nhưỡng vẫn không cho thấy dấu hiệu quan tâm hoặc sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên được cho sẽ là một chủ đề thảo luận chính trong chuyến công du 6 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11-2017.

Theo giới chuyên gia, ông Trump sẽ nhân chuyến thăm này để thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên, đồng thời kêu gọi tiến hành thêm các cuộc "biểu dương lực lượng" với hai nước đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên