16/04/2016 09:40 GMT+7

Bãi cạn Scarborough trở thành tâm điểm tranh luận

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

TTO - Bãi cạn Scarborough đang trở thành tâm điểm tranh luận liên quan đến kế hoạch “đảo hóa” của Trung Quốc và những hệ quả của nó tới tình hình Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tại buổi họp báo ở phủ tổng thống (Manila) ngày 14-4 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tại buổi họp báo ở phủ tổng thống (Manila) ngày 14-4 - Ảnh: Reuters

Bãi cạn này nằm cách vịnh Subic của Philippines khoảng 200km về phía tây.

Theo kế hoạch được tiết lộ từ các nguồn tin tình báo của Mỹ, Trung Quốc sẽ xây dựng một sân bay và đường băng tại phần phía bắc của bãi cạn, một nhà máy điện, một nhà máy cung cấp nước sạch, khu dân cư, một khách sạn và một khu vực phục vụ phát triển du lịch tại Scarborough.

Vẫn chưa rõ đây có phải là kế hoạch thật sự hay chỉ mới là kế hoạch tiền khả thi, song có những chỉ dấu nói chắc về việc Trung Quốc có ý định rõ ràng trong việc cải tạo Scarborough (cách đảo Hải Nam những 650km) thành một thực thể có những công năng đa dụng.

Đó là hình ảnh đồ họa về quy hoạch Scarborough được trích lại từ một thông cáo báo chí của Tianjin Dredging Co. - một công ty con của China Communications Construction Company - vào ngày 15-12-2015.

Tianjin Dredging cũng đã thuê Công ty Zhenghua Heavy Industry để đóng mới một tàu nạo vét loại lớn.

Con tàu này có thể hút cát ở độ sâu 35m. Điều này hàm ý khả năng Trung Quốc có thể xây dựng một cảng nước sâu tại Scarborough - tiền đề để biến nơi này thành vị trí chiến lược có khả năng đón các tàu chiến hạng nặng.

Một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Scarborough hướng tới mục tiêu kiểm soát được con đường ra vào Biển Đông thông qua eo Luzon.

Tùy theo mức độ và diện tích cải tạo, các loại trang thiết bị quân sự cần thiết có thể được triển khai như tên lửa chống hạm YJ-62 hay các loại máy bay chiến đấu như J-11. Tên lửa chống hạm YJ-62, nếu được đặt tại đây, có thể tấn công đảo chính Luzon của Philippines.

Bãi cạn Scarborough là một chương nối tiếp của quá trình “quân sự hóa khu vực Hoàng Sa và các khu vực phụ biên” của Trung Quốc.

Trước đó không lâu, Bắc Kinh đã triển khai hệ thống phòng không HQ-9 tại Hoàng Sa. Thông tin gần đây nhất thông qua vệ tinh cho thấy một hệ thống rađa điều khiển hỏa lực cũng đã được triển khai trên đảo. Như vậy, các hệ thống phòng không HQ-9 đã có thể hoạt động với đầy đủ năng lực.

HQ-9 cùng với các máy bay chiến đấu được triển khai đầy đủ giúp Trung Quốc tạo được một thế trận phòng thủ vững chắc tại Hoàng Sa. Biên đội J-11 - về lý thuyết - có thể bay tới các đảo ở Trường Sa và quay về mà không cần tiếp liệu.

Căn cứ Phú Lâm do đó đóng một vai trò hậu cần/căn cứ tiền phương quan trọng trước khi biên đội tàu sân bay của Trung Quốc được hoàn thiện.

Ngoài ra, từ việc phòng thủ vững chắc sân bay và bến cảng tại Phú Lâm, vai trò ô phòng không tầm trung và tầm cao cho một khu vực có bán kính 108 hải lý xung quanh Phú Lâm giúp gia tăng khả năng giám sát vùng trời tại khu vực bắc Biển Đông, đảm bảo tiếp tế liên tục từ Hoàng Sa ra Trường Sa.

Từ cách bài binh bố trận, các bước đi tiếp theo của Trung Quốc sẽ là tăng cường tiếp tục khả năng giám sát, trinh sát và tình báo (ISR) ở Biển Đông. Đây là các năng lực tối quan trọng nếu muốn kiểm soát hoàn toàn các chuyển động quân sự ở khu vực.

Với cân bằng quyền lực đang dịch chuyển và những bài binh bố trận tại Biển Đông hiện nay, Bắc Kinh sẽ có nhiều ưu thế về mặt chiến trường, phòng thủ và hậu cần.

Cụ thể hơn, thế trận tại Biển Đông đang gợi ý về khả năng một bên có ưu thế quân sự - quốc phòng tận dụng thế thượng phong trong các xung đột mang tính cục bộ.

Nhận định này về lý thuyết không mới, xét trên những thay đổi về nguyên trạng tại khu vực đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt ba năm vừa qua.

Điểm khác là tính cục bộ từ tính toán tận dụng các lợi thế cơ sở “lưỡng dụng” (cả dân sự lẫn quân sự) đã chuyển dần theo xu hướng thứ hai: tất cả cho mục tiêu quân sự, không kể là tấn công hay phòng thủ.

Bức tranh tổng thể vừa trình bày ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu thực tế của cả Mỹ và Trung Quốc, và các nước có tranh chấp trong khu vực trên mỗi chiến trường cụ thể, cùng với kế hoạch tác chiến và thiết kế đội hình.

Những yếu tố này sẽ cho các bên biết “tổn thương chiến lược” của đối phương để từ đó có thể mở rộng nhằm khai thác điểm yếu này, tạo ra một thế “lưỡng bại câu thương” nếu các bên đụng độ.

Những yếu tố này buộc các nhà hoạch định chính sách phải chấp nhận một nhận xét gần với thực tế hơn là ưu thế của Washington so với Bắc Kinh không lớn như các cuộc tranh luận chiến lược giả định.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên