18/03/2014 08:00 GMT+7

Nghị viện Crimea phê chuẩn kế hoạch chuyển Crimea sang Nga

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Cả Mỹ và EU đã lần lượt công bố lệnh cấm vận với một loạt quan chức Nga và Crimea sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố hôm qua.

06ak3kzS.jpgPhóng to
Thị trường chứng khoán Nhật cũng như nhiều nước khác giảm mạnh tuần trước vì bất ổn ở Ukraine - Ảnh: Reuters

EU ra tuyên bố cấm vận đối với 21 quan chức trong khi Mỹ tuyên bố trừng phạt với 11 quan chức, trong đó có bảy quan chức của Nga, bao gồm cả Phó thủ tướng Dmitry Rogozin, Chủ tịch thượng viện Valentina Matviyenko cũng như nhà lãnh đạo Sergei Aksyonov của Crimea. Lệnh trừng phạt bao gồm lệnh cấm đi lại cũng như phong tỏa tài sản của các cá nhân này. EU cho biết các biện pháp trừng phạt có thể được mở rộng thêm trong vài ngày tới, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phát biểu trên truyền hình để chỉ trích cuộc trưng cầu và cảnh báo sẵn sàng trừng phạt thêm nếu Nga sáp nhập Crimea hay can thiệp quân sự vào Ukraine.

Trước đó, Hội đồng theo dõi trưng cầu ý dân Crimea công bố có đến 96,77% cử tri ủng hộ gia nhập Nga (tỉ lệ bỏ phiếu là 83%) và đệ đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga. Ukraine trong khi đó đã cho triệu hồi đại sứ tại Nga về nước.

Đám đông người Nga ùa ra ăn mừng ở quảng trường Lênin ở thủ phủ Simferopol của Crimea với pháo hoa và quốc kỳ Nga phấp phới. Nghị viện Crimea hôm qua cũng chính thức phê chuẩn kế hoạch về việc chuyển Crimea sang Nga.

“Putin tuyệt vời. Ông ấy là tổng thống vĩ đại” - Reuters trích lời bà Olga Pelikova, 52 tuổi, nói dưới ánh sáng pháo hoa thắp sáng bầu trời ở đây. Những người Crimea nói muốn trở về Nga vì chán ngán hai thập niên bất ổn và tham nhũng tại Ukraine. Nhưng với những người Tatar và người Hồi giáo ở đây, nỗi lo thì còn đó.

Dù người dân Crimea đã đưa ra quyết định của mình, số phận thực tế của vùng đất này đến giờ vẫn là dấu hỏi. Theo AFP, dự kiến chiều nay (giờ VN) Tổng thống Vladimir Putin sẽ phát biểu trước Quốc hội Nga về cuộc trưng cầu ý dân của người dân khu vực Crimea về việc sáp nhập vào Nga. Theo Reuters, Tổng thống Putin có thể trì hoãn việc sáp nhập chính thức và dùng đó như là con bài để mặc cả với các nước phương Tây.

Quy trình gia nhập có thể kéo dài

Đại diện của Hạ viện Nga hôm qua cho biết họ sẽ sớm thông qua luật để cho phép Crimea gia nhập Nga “trong tương lai rất gần”. “Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy người dân Crimea thấy tương lai của họ là một phần của Nga” - Phó chủ tịch Duma Sergei Neverov nói với Interfax. Đại diện Duma nói Crimea có thể vào liên bang theo một đạo luật từng được thông qua năm 2001.

Quy trình này dù vậy có thể sẽ kéo dài. Theo luật, đề xuất xin gia nhập của Crimea sẽ được gửi đến Tổng thống Putin. Nếu đồng ý, ông Putin sẽ phê chuẩn rồi gửi đề xuất này cho Thượng viện và Hạ viện Nga. Lưỡng viện sau đó sẽ soạn thảo hiệp ước để Nga và Crimea cùng ký về việc sáp nhập.

Quá trình chuyển tiếp và thời gian cho việc sáp nhập các hệ thống kinh tế, tài chính, luật pháp sẽ được hiệp ước này quy định. Sau khi ký kết hiệp ước, Tòa án hiến pháp Nga sẽ phải kiểm tra hiệp ước này một lần nữa trước khi được đưa ra lưỡng viện Nga bỏ phiếu một lần chót.

Cũng cần nhớ rằng Nam Ossetia và Abkhazia từng tuyên bố độc lập khỏi Gruzia sau năm 2008, nhưng đến giờ vẫn chưa sáp nhập vào Nga. Đây sẽ là quyết định đắt giá khi Matxcơva dự kiến phải chi 20-30 tỉ USD trong ba năm tới. Ngoài ra, nếu chấp thuận tiếp nhận Crimea, Tổng thống Putin sẽ phải đàm phán với chính quyền mới ở Kiev (đến giờ Kremlin vẫn từ chối thừa nhận chính quyền này) nếu không muốn Crimea rơi vào tình trạng thiếu nước, điện và các nhu cầu căn bản khác.

Còn nhiều việc phải làm

Giải pháp cấm vận hoặc các biện pháp trừng phạt kinh tế đều gây lo lắng cho cả Nga và phương Tây, dù đã có những biện pháp đầu tiên được công bố. Sự lưỡng lự của Liên minh châu Âu (EU) được thể hiện qua phát biểu của Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans trước cuộc gặp của EU tại Brussels: “Tôi sẽ làm mọi thứ để tránh cấm vận, tôi tin là ai cũng bị ảnh hưởng nếu có cấm vận”.

Một vấn đề gai góc với cả Kiev và Matxcơva lúc này là việc chuyển giao quyền kiểm soát các căn cứ quân sự của Ukraine ở đây. Các căn cứ này hiện vẫn bị bao vây hoặc đã bị quân Nga kiểm soát. Hôm 16-3, Nga và Ukraine đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn cho đến ngày 21-3. Phía Crimea nói lực lượng này có thể lựa chọn phục vụ cho Nga hoặc có thể rút khỏi Crimea. Một số lãnh đạo ở Kiev vẫn muốn quân Ukraine tiếp tục giữ vị trí của mình ở Crimea.

Châu Á bối rối

Trong khi phương Tây hôm qua bắt tay trừng phạt Nga, châu Á cũng có phản ứng ngoại giao lẫn kinh tế.

Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông hối thúc các bên kiềm chế, tìm giải pháp chính trị và đối thoại. Trước đó, Bắc Kinh cũng cho rằng việc trừng phạt Nga không phải là biện pháp tốt nhất. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm châu Âu trong tháng này.

Cũng trong ngày 17-3, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố Tokyo sẽ không thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân của Crimea. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho rằng việc bỏ phiếu gia nhập Nga của Crimea là bất hợp pháp và đi ngược với hiến pháp Ukraine, theo đó “bất cứ thay đổi nào về lãnh thổ phải qua bỏ phiếu toàn quốc”. Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cũng hối thúc Nga không tiếp nhận Crimea, tuy nhiên từ chối xác nhận liệu Tokyo có tham gia trừng phạt Matxcơva hay không.

Trong khi đó, kết quả trưng cầu ý dân dù không bất ngờ nhưng cũng khiến giới đầu tư hoang mang. Các thị trường chứng khoán Nhật, Úc, Hong Kong tuột từ 0,2-0,35%. Nhưng ngược lại, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc tăng nhẹ. Chuyên gia Peter Esho thuộc Invast Financial Services nhận định các biện pháp trừng phạt sắp tới của phương Tây sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các thị trường châu Á. Đã có thông tin về đợt chuyển vốn khổng lồ bên ngoài nước Mỹ do các công dân Nga rút về nước để đề phòng trừng phạt, ông Esho xác nhận.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Mỹ, EU công bố lệnh cấm vận với Nga, CrimeaNgười miền đông Ukraine đòi liên bang hóaHơn 95% dân Crimea đồng ý sáp nhập vào NgaCrimea trưng cầu sáp nhập với Nga: Nga được và mất gì?

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên