17/03/2014 22:03 GMT+7

Mỹ, EU công bố lệnh cấm vận với Nga, Crimea

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TTO - Cả Mỹ và EU đã lần lượt công bố lệnh cấm vận với một loạt quan chức Nga và Crimea sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố hôm qua.

iAgWed3b.jpgPhóng to
Người Ukraine ở Malaga (Tây Ban Nha) hát quốc ca trong cuộc biểu tình phản đối Nga - Ảnh: Reuters

Người miền đông Ukraine đòi liên bang hóaHơn 95% dân Crimea đồng ý sáp nhập vào NgaCrimea trưng cầu sáp nhập với Nga: Nga được và mất gì?

Cụ thể, EU tuyên bố cấm vận đối với 21 quan chức trong khi Mỹ tuyên bố cấm vận với 11 người, trong đó có 7 quan chức của Nga, bao gồm cả Phó thủ tướng Dmitry Rogozin, Chủ tịch Thượng viện Valentina Matviyenko cũng như nhà lãnh đạo Sergei Aksyonov của Crimea. Lệnh trừng phạt bao gồm lệnh cấm đi lại cũng như phong tỏa tài sản của các cá nhân này.

EU cho biết các biện pháp trừng phạt thêm có thể được công bố trong vài ngày tới.

Cùng lúc, Washington cảnh báo họ sẵn sàng trừng phạt thêm nếu Nga chính thức sáp nhập Crimea hay can thiệp quân sự thêm vào Ukraine. Reuters trích lời một quan chức cao cấp quân sự Mỹ nói có bằng chứng là một số lá phiếu đã được “đánh dấu trước” khi trưng cầu ý dân trong ngày 16-3.

Trước đó, Hội đồng theo dõi trưng cầu ý dân Crimea công bố có đến 96,77% cử tri ủng hộ việc gia nhập Nga. Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu là 83%, một tỉ lệ tương đối cao khi một số cử tri nói họ tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc điện đàm với ông Putin tối 16-3 cũng cảnh báo về các biện pháp trừng phạt thêm nếu Nga tiến hành việc sáp nhập. Nhưng cả điện Kremlin và Nhà Trắng trong tuyên bố sau đó đều nói hai bên thấy vẫn còn giải pháp đối ngoại cho cuộc khủng hoảng.

Yêu cầu của ông Obama là quân đội Nga chấm dứt đưa quân vào Ukraine, trong khi đó ông Putin tiếp tục chỉ trích chính quyền mới ở Kiev không bảo vệ được người Nga trước các nhóm dân tộc cực đoan ở Ukraine.

Cho đến giờ Matxcơva vẫn coi việc đưa quân vào Crimea là hợp lý để bảo vệ công dân của mình. Trong khi đó, chính quyền Ukraine đã cho huy động lực lượng 20.000 lính vệ binh để đề phòng Nga tấn công vào khu vực miền đông nước này - nơi đã có một số vụ đụng độ chết người trong mấy ngày gần đây.

Khung cảnh trái ngược

Khung cảnh trái ngược có thể thấy rõ khi đám đông những người Nga ùa ra ăn mừng ở quảng trường Lenin ở thủ phủ Simferopol của Crimea với pháo hoa và quốc kỳ Nga phấp phới. Nghị viện Crimea hôm qua cũng chính thức phê chuẩn kế hoạch về việc chuyển Crimea sang cho Nga.

“Putin tuyệt vời. Ông ta là tổng thống vĩ đại” - Reuters trích lời Olga Pelikova, 52 tuổi, nói dưới ánh pháo bông thắp sáng bầu trời ở đây. Những người Crimea nói muốn trở về Nga vì chán ngán hai thập kỷ bất ổn và tham nhũng tại Ukraine.

Nhưng với những người Tatar và người Hồi giáo ở đây, nỗi lo thì còn đó. “Đây là mảnh đất của tôi. Đây là mảnh đất của tổ tiên tôi. Có ai hỏi là tôi có muốn (chuyện sáp nhập) hay không?” - Shevkaye Assanova, một người Tatar, nói.

Dù Crimea đã đưa ra quyết định của mình, số phận thực tế của vùng đất này đến giờ vẫn là dấu hỏi. Theo Reuters, ông Putin có thể trì hoãn việc sáp nhập chính thức và dùng đó như là con bài để mặc cả với các nước phương Tây.

Hiện chưa rõ ông Putin có chấp nhận việc sáp nhập Crimea hay không hay sẽ để Crimea rơi vào tình trạng bấp bênh kiểu Nam Ossetia và Abkhazia (cả hai vùng tuyên bố độc lập từ Gruzia sau năm 2008 nhưng đến giờ vẫn không sáp nhập vào Nga). Đây sẽ là quyết định đắt giá khi Matxcơva dự kiến phải chi 20-30 tỉ USD trong ba năm tới. Ngoài ra, nếu chấp thuận sáp nhập Crimea, ông Putin sẽ phải đàm phán với chính quyền mới ở Kiev (đến giờ Kremlin vẫn từ chối thừa nhận chính quyền này) nếu không muốn Crimea rơi vào tình trạng thiếu nước, điện và các nhu cầu căn bản khác.

Tương lai chưa rõ ràng

Đối với cả Nga và phương Tây, các biện pháp trừng phạt kinh tế thực tế sẽ ảnh hưởng đối với cả hai do sự gắn quyện kinh tế giữa hai bên (Nga là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu và bán khí cũng là nguồn thu chính của Matxcơva).

Sự lưỡng lự của EU có thể thấy khi Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans nói trước cuộc gặp của EU tại Brussels: “Tôi sẽ làm mọi thứ để tránh cấm vận, tôi tin là ai cũng ảnh hưởng nếu có cấm vận”. Lệnh cấm vận của Mỹ dự kiến cũng được công bố ngay trong ngày 17-3.

Một vấn đề gai góc với cả Kiev và Matxcơva lúc này là việc chuyển giao quyền kiểm soát các căn cứ quân sự của Ukraine ở đây. Các căn cứ này hiện vẫn bị bao vây hoặc đã bị quân Nga kiểm soát. Hôm 16-3, Nga và Ukraine đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn cho đến ngày 21-3. Phía Crimea nói lực lượng này có thể lựa chọn phục vụ Nga hoặc có thể rút khỏi Crimea. Một số lãnh đạo ở Kiev vẫn muốn quân Ukraine tiếp tục giữ vị trí của mình ở Crimea.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên