08/03/2014 08:17 GMT+7

Căng thẳng leo thang, phương Tây chần chừ cấm vận

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Cuộc điện đàm gần một giờ giữa hai tổng thống Mỹ, Nga tối 6-3 đã không tạo được đột phá gì cho tình hình ở Ukraine sau những căng thẳng của việc Quốc hội Crimea đẩy sớm lịch trưng cầu ý dân về việc gia nhập Liên bang Nga.

lAbjh9EB.jpgPhóng to
Những người thân Nga đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong cuộc tuần hành ở thành phố Donetsk tối 6-3 - Ảnh: Reuters

Sáng 7-3, Điện Kremlin ra tuyên bố nói Matxcơva không thể phớt lờ lời kêu gọi giúp đỡ từ người dân nói tiếng Nga tại Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin nói Matxcơva và Washington còn khoảng cách lớn về tình hình ở đây và chỉ trích chính quyền Kiev có những “quyết định hoàn toàn bất hợp pháp đối với khu vực phía Đông, Đông Nam và ở Crimea”.

Ông Putin cho rằng những quyết định từ phía Nga là đúng luật quốc tế. Tổng thống Putin khẳng định Nga không dàn dựng việc chiếm Crimea dù quan điểm của phương Tây vẫn nói ngược lại.

Nga: chiến tranh là vớ vẩn

Bà Valentina Matviyenko, chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga), trong khi đó ra tuyên bố sẽ không có chiến tranh giữa Nga và Ukraine và khẳng định cơ quan này sẽ ủng hộ quyết định của người dân Cộng hòa tự trị Crimea nếu họ muốn gia nhập Nga qua trưng cầu ý dân. Nói về khả năng chiến tranh, Hãng tin RIA Novosti của Nga trích lời bà Matviyenko nói đó là điều “hoàn toàn vớ vẩn”.

Cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh đã tiếp tục leo thang sau khi Quốc hội Crimea quyết định đẩy sớm lịch bỏ phiếu lên ngày 16-3, đồng thời cho trưng cầu ý dân về việc gia nhập Nga. Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngay lập tức bác bỏ đề xuất này là bất hợp pháp và đi ngược lại hiến pháp của Ukraine.

Ukraine ngỏ lời đàm phán

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk hôm qua ra tuyên bố Kiev sẵn sàng đàm phán với Nga nhưng yêu cầu Nga phải tuân thủ luật quốc tế và phải rút quân trước. Ông cho biết ông đã đề nghị điện đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại.

Và ngay trước khi gọi cho Tổng thống Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố về các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với nước Nga (kể từ cuộc khủng hoảng) bao gồm cấm visa, phong tỏa tài sản đối với những người đe dọa chủ quyền của Ukraine. Trong khi đó EU, đối tác kinh tế và khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga, lại thông qua kế hoạch ba bước để gây sức ép cho đàm phán nhưng không áp dụng ngay kế hoạch cấm vận.

Có thể thấy được sự chần chừ từ phía Âu - Mỹ khi Nhà Trắng vẫn chưa nêu danh sách những cá nhân sẽ bị trừng phạt, còn EU thì hoàn toàn không có ý định sẽ cấm vận.

Tranh giành vùng ảnh hưởng

Các dấu hiệu trên cho thấy hai bên sẽ còn tiếp tục chiến đấu trên bàn ngoại giao về tình hình ở Ukraine - hố sâu chia rẽ lớn nhất ở châu Âu kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Không còn những cuộc chạy đua hạt nhân và dù Nga và phương Tây luôn cố thúc đẩy hợp tác thương mại, cả hai vẫn tiếp tục các tranh chấp vùng ảnh hưởng ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nga coi đây là vùng ảnh hưởng và lợi ích cốt lõi của mình, trong khi phương Tây tìm mọi cách kéo các nước ra khỏi quỹ đạo của Nga - nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng lần này.

Các nhà lãnh đạo EU đã hủy các cuộc đàm phán về thương mại cũng như bỏ việc miễn visa cho công dân Nga ở EU - một mục tiêu từ lâu của Nga. Nhưng cùng lúc, các lãnh đạo của EU lại không thống nhất được các bước quyết liệt hơn như phong tỏa tài sản hay lệnh cấm đi lại đối với quan chức Nga.

Sự ngần ngại của châu Âu là do nhắm vào các đại gia hay các tập đoàn lớn của Nga sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của chính châu Âu. Các nhà đầu tư Nga đang có hàng tỉ USD gửi tại các ngân hàng châu Âu, đặc biệt là Anh và Cyprus. Trong khi đó Đức và Hà Lan lại có thị phần lớn đối với thị trường tiêu dùng ở Nga. Đồng thời châu Âu phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga.

Mỹ, EU chần chừ

Đằng sau sự lần lữa của Mỹ và EU là khả năng việc cấm vận quá tay có thể dẫn tới phản tác dụng. Một trong những lo ngại là Matxcơva có thể trả đũa bằng cách thu tài sản của Mỹ và nước ngoài tại Nga hoặc cắt bán khí đốt tới châu Âu.

Vì lý do này, khi thông báo biện pháp cấm vận, phía Mỹ đồng thời “mở cửa thoát hiểm” khi nói các biện pháp sẽ được linh động tăng/giảm dần tùy theo việc Nga lên/xuống thang ở Ukraine. Trong khi đó Hãng tin AP trích lời Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thừa nhận châu Âu “không hào hứng” về chuyện cấm vận.

Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, thừa nhận tính hai mặt của cấm vận, “các biện pháp sẽ tổn thương châu Âu, đồng thời sẽ cắt nguồn tiền lớn nhất chảy vào Nga”. Các chuyên gia về khu vực cho rằng việc Tổng thống Putin gây áp lực là nhắm tới mục tiêu lớn hơn: gây áp lực với các chính trị gia ở Kiev trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 5 tới.

Ngoài ra, nếu cư dân ở Crimea ủng hộ việc gia nhập Nga, sẽ khó để mà phương Tây tiếp tục lên tiếng phản đối khi đây là lựa chọn của đa số dân vùng này.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

EU tuyên bố 3 bước trừng phạt NgaObama thúc giục Putin theo đuổi biện pháp ngoại giao cho UkraineChạy đua tìm giải pháp cho UkraineUkraine trong cuộc chiến thông tinNga sẽ tôn trọng “quyết định lịch sử” của Crimea
THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên