07/03/2014 07:51 GMT+7

Chạy đua tìm giải pháp cho Ukraine

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Giải pháp ngoại giao cho Ukraine vẫn chưa có hi vọng trong khi các nước đã rục rịch có hành động.

Người Việt ở Ukraine thở phàoPhe biểu tình Ukraine thuê xạ thủ bắn tỉa người biểu tình?Tòa án Ukraine ra lệnh bắt thủ tướng, chủ tịch quốc hội Crimea

ciwbfYHA.jpg
Những người thân Nga kéo cờ Nga bên ngoài một tòa nhà chính phủ ở Donetsk ngày 5-3 - Ảnh: Reuters

Tại miền đông Ukraine, một nhóm biểu tình thân Nga đã tái chiếm tòa nhà chính phủ ở Donetsk. Cuộc giành giật cờ giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra vài giờ sau đó, theo Euronews. Đến cuối ngày 5-3 (giờ địa phương), ít nhất bảy người bị thương và nhiều người bị bắt trong cuộc đụng độ giữa hàng ngàn người biểu tình thuộc hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ. Chính quyền Ukraine cho biết không sử dụng vũ lực tại Donetsk để tránh sự phản ứng của Nga.

Trong khi đó ở phía nam, chính quyền cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố muốn trở thành một phần của Nga và ấn định trưng cầu ý dân vào ngày 16-3. Khu vực này đã thành lập lực lượng an ninh và tư pháp riêng. “Chúng tôi đang lập văn phòng công tố, bộ nội vụ và cơ quan an ninh của riêng mình” - Chủ tịch Quốc hội Crimea Volodymyr Konstantinov nói với RIA Novosti. Tuy nhiên, thông tin từ Kiev cho biết một tòa án của Ukraine đã ra lệnh bắt giữ thủ tướng mới bổ nhiệm Serhiy Aksionov và ông Konstantinov.

Nỗ lực ngoại giao

Các quan chức ngoại giao Mỹ, Nga, châu Âu và Liên Hiệp Quốc (LHQ) chạy hết tốc lực tìm cách tháo ngòi căng thẳng ở Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 6-3 tiếp tục hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Rome (Ý), sau khi cuộc gặp trong ngày trước đó ở Paris không đạt được kết quả đột phá nào vì ngoại trưởng Nga bác bỏ việc gặp chính quyền mới của Kiev.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 6-3, Ngoại trưởng Nga Lavrov thông báo vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với người đồng cấp Mỹ Kerry.

Dù vậy, cả hai lãnh đạo thống nhất cần phải giúp Ukraine thực hiện thỏa thuận tái hòa giải ký kết hồi tháng trước do EU làm trung gian, theo đó tổ chức bầu cử sớm để lập ra một chính phủ đoàn kết và quay lại hiến pháp 2004. Nga và phương Tây cũng thống nhất tiếp tục thảo luận trong thời gian tới.

Cũng trong ngày 6-3, ông Kerry tiếp tục gặp những người đồng cấp châu Âu trong cuộc họp khẩn về Ukraine và khả năng trừng phạt Nga ở Brussels. Nga cảnh báo sẽ đáp trả mạnh tay nếu bị cấm vận. Tuy nhiên theo Reuters, cuộc gặp của châu Âu khó có khả năng chỉ đưa các biện pháp tượng trưng để phản ứng với Nga - nước cung cấp khí đốt chính của khu vực, mà hầu như chỉ là động thái thể hiện sự ủng hộ chính quyền mới của Kiev. Thay vào đó, châu Âu sẽ hướng tới giải pháp hòa giải. Pháp đang nắm hợp đồng bán tàu chiến cho Matxcơva, trong khi các công ty của Đức đầu tư đến 22 tỉ USD vào Nga. Nhưng một số nước như Ba Lan vẫn cứng rắn tuyên bố sẽ không cần đến khí đốt của Nga.

Cuộc họp thứ ba của Hội đồng Bảo an LHQ cũng diễn ra tối cùng ngày tại Mỹ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đặc sứ LHQ tại Crimea Robert Serry cho biết ông bị một nhóm biểu tình thân Nga có súng bao vây và tấn công. Ông Serry được cảnh sát giải cứu an toàn nhưng sau đó đã rời Ukraine và LHQ tuyên bố sẽ gửi một đặc sứ mới đến đây. Dù vậy, Nga cho biết sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn bất cứ nghị quyết nào của LHQ.

Trừng phạt

Ngày 6-3, Mỹ quyết định trừng phạt bằng hình thức cấm du lịch và phong tỏa tài sản tại Mỹ với các cá nhân Nga mà Washington cáo buộc phá hoại sự ổn định, hòa bình của Ukraine. Tổng thống Nga Putin không nằm trong danh sách.

Trong khi việc trừng phạt Nga có vẻ khó khăn thì các nước châu Âu đã triển khai một số biện pháp nhắm vào chính quyền cũ của Ukraine. EU tuyên bố sẽ phong tỏa tài sản của ông Viktor Yanukovych, con trai ông và hàng loạt cựu quan chức bị cáo buộc lạm dụng công quỹ. Ngoài ra, các nước thành viên EU có thể trả lại số tiền thu giữ nếu Ukraine chứng minh công quỹ bị biển thủ.

Theo lệnh trừng phạt, “tất cả nguồn quỹ và tài nguyên kinh tế thuộc sở hữu, nắm giữ hay kiểm soát” của ông Yanukovych, cựu thủ tướng Mykola Azarov và 16 quan chức sẽ bị đóng băng tại 28 quốc gia EU trong vòng một năm. Thủ tướng lâm thời Arseny Yatseniuk của Ukraine cáo buộc ông Yanukovych tham ô 37 tỉ USD suốt ba năm nắm quyền. Các nước như Thụy Sĩ, Áo đã có động thái tương tự trước đó trong khi Canada hôm 5-3 cũng tham gia trừng phạt chính quyền ông Yanukovych.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên